'Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ không cạnh tranh trực tiếp với thị trường này'

Theo đại diện Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Việt Nam và Hoa Kỳ có cơ cấu kinh tế và thương mại mang tính bổ trợ lẫn nhau. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của hai nước không trực tiếp cạnh tranh, mà trái lại, góp phần đáp ứng nhu cầu của từng thị trường.

Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ: Không cạnh tranh trực tiếp, mang tính bổ trợ

Chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ quý I, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) cho biết, theo kế hoạch thương mại mới của Mỹ, từ ngày 5/4, Hoa Kỳ sẽ áp mức thuế 10% đối với toàn bộ các đối tác thương mại và từ ngày 9/4 sẽ tiếp tục áp thuế đối ứng cao hơn đối với một số mặt hàng nhập khẩu cụ thể, trong đó có nhiều sản phẩm từ Việt Nam – với mức thuế có thể lên tới 46%.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương). Ảnh: Mai Trang.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương). Ảnh: Mai Trang.

Có một số nhóm hàng được miễn trừ thuế là hàng hóa phục vụ an ninh quốc gia; Thép, nhôm và ô tô/phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo quy định khác; Một số mặt hàng đặc biệt (Đồng và một số khoáng sản quan trọng, Dược phẩm, Chất bán dẫn, Đồ gỗ (chỉ một số chủng loại được liệt kê cụ thể), Năng lượng và các sản phẩm năng lượng)...

Theo ông Tạ Hoàng Linh, Việt Nam là quốc gia luôn kiên định lập trường ủng hộ thương mại tự do, đa phương dựa trên luật lệ quốc tế, với cam kết thúc đẩy đầu tư, mở rộng hợp tác kinh tế và ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.

“Việt Nam và Hoa Kỳ là hai nền kinh tế mang tính chất bổ trợ, cơ cấu xuất khẩu và ngoại thương của hai nước không cạnh tranh trực tiếp mà có sự bổ sung cho nhau, phù hợp với nhu cầu nội tại của mỗi nước. Hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ chủ yếu là cạnh tranh với các nước thứ ba, không cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Hoa Kỳ trên thị trường Hoa Kỳ. Ngược lại, hàng hóa Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ còn tạo điều kiện để người tiêu dùng của Hoa Kỳ được sử dụng hàng hóa giá rẻ”, lãnh đạo Bộ Công Thương chia sẻ.

Song song với đó, Việt Nam tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và giám sát quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), qua đó hạn chế nguy cơ gian lận thương mại và xuất khẩu bất hợp pháp. Chính phủ cũng đã lấy ý kiến rộng rãi về các dự thảo kiểm soát thương mại, thể hiện quyết tâm phối hợp với các đối tác, trong đó có Mỹ, nhằm xử lý các vấn đề còn tồn đọng như: chống lẩn tránh thuế, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường nông nghiệp.

Theo Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) tính toán, mức thuế suất trung bình mà Việt Nam áp dụng đối với hàng hóa các quốc gia trung bình 9,4%.

“Việc Hoa Kỳ tính toán Việt Nam đang áp mức thuế lên tới 90% cho các sản phẩm của Hoa Kỳ và áp lại thuế 46% cho các sản phẩm của Việt Nam là chưa công bằng, chưa phản ánh đúng thiện chí hợp tác, cũng như nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng mối quan hệ thương mại hài hòa và bền vững giữa hai nước”, đại diện Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài nhấn mạnh.

Bộ Công Thương mong muốn Hoa Kỳ thực thi thương mại công bằng, mở rộng các cơ hội để thảo luận, hợp tác hợp tác để cùng hướng tới một môi trường thương mại ổn định, minh bạch và đôi bên cùng có lợi.

7 nhóm giải pháp trọng tâm để duy trì đà xuất khẩu 2025

Năm 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng trưởng khoảng 12%, tương đương khoảng 450 tỷ USD. Mục tiêu này được đưa ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi và Việt Nam tận dụng các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.

Trước những thách thức mới, ông Linh nhận định: “Trong thời gian tới, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Trước tình hình đó, các bộ, ngành sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam nhằm triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu và duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025”.

Vị này cũng đề xuất 7 giải pháp chính để khắc phục những khó khăn, đạt được mục tiêu xuất khẩu.

Thứ nhất, tận dụng các lợi thế sẵn có. 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng như 70 cơ chế hợp tác toàn diện song phương.

Thứ hai, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp tục đàm phán các FTA mới, khai thác thị trường tiềm năng như Nam Á, Trung Đông, Mỹ La tinh, châu Phi và các khu vực mới nổi khác.

Thứ ba, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại và cải thiện cơ sở hạ tầng, logistic, làm giảm chi phí vận chuyển và nâng cao khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam.

Thứ tư, nâng cao năng lực doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, giúp thích nghi tốt hơn với tiêu chuẩn thị trường quốc tế và xu hướng tiêu dùng xanh, số hóa, chuyển đổi bền vững.

Thứ năm, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp. Thông qua hệ thống cảnh báo sớm, xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho các doanh nghiệp Việt.

Thứ sáu, kiến nghị Chính phủ mở rộng mạng lưới thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, từ đó tăng cường cung cấp thông tin thị trường, cơ hội kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mục tiêu.

Thứ bảy, biến thách thức thành cơ hội tái cấu trúc kinh tế, hướng tới phát triển bền vững, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

Các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Thị trường Hoa Kỳ chiếm 13% lượng hàng nhập khẩu toàn cầu nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đây là một lợi thế nhưng cũng là điểm yếu của hoạt động xuất khẩu. Việt Nam còn nhiều cơ hội để khai thác 87% thị trường còn lại của thế giới.

Đối với doanh nghiệp, để giảm thiểu rủi ro trước các biến động thương mại quốc tế, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp chủ động theo dõi sát diễn biến thị trường, cập nhật kịp thời chính sách thương mại quốc tế để điều chỉnh chiến lược sản xuất – kinh doanh phù hợp. Đồng thời đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào một hoặc vài thị trường chính.

Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường và lao động của các nước nhập khẩu, tăng cường kiểm soát xuất xứ, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm đảm bảo tuân thủ quy tắc và tránh rủi ro bị điều tra.

Cùng đó nâng cao năng lực phòng vệ thương mại và ý thức bảo vệ quyền lợi trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.

"Chúng tôi cam kết hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc tổ chức các khóa đào tạo, giúp họ phát triển và thích nghi trong bối cảnh thị trường quốc tế. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam gia tăng khả năng chống chịu với biến động từ các yếu tố bên ngoài. Điều này sẽ giúp duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, thông qua việc cung cấp thông tin và hỗ trợ đào tạo.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần lưu ý tình hình thị trường và luôn chủ động trong việc tìm kiếm cơ hội. Bộ Công Thương khuyến khích các doanh nghiệp tham gia các chương trình đào tạo và sẵn sàng đối mặt với những thách thức để mở rộng thị trường xuất khẩu. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong những nỗ lực này”, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/hang-hoa-viet-nam-xuat-khau-sang-hoa-ky-khong-canh-tranh-truc-tiep-voi-thi-truong-nay.html