Bộ Công Thương: Sẽ không tăng giá điện, đang xem xét các yếu tố thuế để giảm giá xăng
Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trong ngắn hạn, sẽ không tăng giá điện nhằm hỗ trợ nền kinh tế hồi phục. Bộ cũng đang xem xét, đề nghị điều chỉnh giảm thuế, giảm giá xăng dầu.
Chiều nay (30/9), Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 9 tại Hà Nôi. Lãnh đạo Bộ Công Thương đã trả lời về việc giảm giá điện, giá xăng trong thời gian tới.
Giá điện sẽ không tăng trong ngắn hạn
Liên quan tới vấn đề giá điện, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, trong những tháng còn lại của năm 2021, giá điện sẽ không tăng.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương.
Việc không tăng giá điện trong ngắn hạn phù hợp với chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn dịch bệnh khó khăn.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, kể từ thời điểm đại dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã 5 lần đề nghị giảm giá tiền điện, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Và trong thời gian tới, căn cứ vào tình hình dịch bệnh, Bộ Công Thương có thể tiếp tục kiến nghị điều chỉnh giá điện giảm, tiếp tục tạo cơ sở cho nền kinh kinh tế hồi phục.
Trong khi đó, đại diện Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương, việc điều chỉnh giá điện không phải theo chu kỳ mỗi năm, hay theo giai đoạn. Trên thực tế, giá điện được điều chỉnh theo cơ chế thị trường, được điều chỉnh dựa trên cơ cấu của nguồn điện huy động và phụ thuộc vào yếu tố đầu vào như giá than, thuế, tỷ giá,...
Bộ Công Thương đang xem xét giảm giá xăng, thông qua giảm thuế
Liên quan về giá xăng, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương nhận định: Mọi năm, thời điểm cuối năm, nhu cầu sử dụng xăng dầu tăng rất mạnh, do thời tiết lạnh, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân tăng cao,...
Bộ Công Thương đang xem xét giảm giá xăng, thông qua giảm thuế.
Bên cạnh đó, tại thời điểm này, nhiều quốc gia bắt đầu mở cửa nền kinh tế trở lại. Do đó, bà Nga dự báo, nhiều khả năng giá dầu thế giới sẽ có xu hướng tăng dần vào cuối năm.
Do giá xăng dầu trong nước phụ thuộc nhiều vào giá xăng dầu thế giới, nên khi giá xăng dầu thế giới tăng, giá trong nước sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Công Thương vẫn sẽ căn cứ vào tình hình thực tế của thị trường xăng dầu, từ đó trích lập quỹ dự phòng, để “kìm cương” giá xăng dầu trong nước.
Tuy nhiên, bà Nga tiết lộ, hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài Chính để xem xét, đề xuất giảm thuế môi trường, từ đó hạ giá thành các mặt hàng xăng dầu trong nước, nhất là dòng xăng sinh học E5.
Đồng tình với lãnh đạo Vụ thị trường trong nước, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, việc giá xăng dầu thế giới có xu hướng tăng trong thời gian tới vừa có điểm tích cực, vừa có điểm hạn chế.
Đối với ý nghĩa tích cực, Việt Nam vẫn là nước xuất khẩu dầu thô ra thế giới, việc giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do phải nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, việc xăng dầu thế giới tăng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, nhất là thời điểm dịch bệnh hiện nay.