Bộ Công Thương: Sự thật về nhập khẩu và giá xăng dầu của Malaysia
Cơ quan chức năng của Bộ Công Thương vừa chính thức làm rõ về thông tin giá xăng chỉ 13.000 đồng/lít và việc Malaysia muốn xuất khẩu xăng sang Việt Nam.
Theo thông tin do Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cung cấp, về giá xăng dầu, trong cơ cấu giá xăng hiện nay của Việt Nam, các loại thuế, phí chiếm khoảng 30-32% (tương đương 10.000-11.000 đồng/lít). Như vậy nếu không có thuế phí thì giá xăng Việt Nam sẽ khoảng 20.000 đồng/lít (tương đương 0,86 USD/lít).
Trước thông tin một số báo có đưa về việc giá xăng tại Malaysia chỉ ở mức 13.000 đồng/lít, Bộ Công Thương lý giải, Malaysia là nước sản xuất xăng dầu lớn và xuất khẩu xăng dầu. Tại Malaysia, Nhà nước không đánh các loại thuế đối với xăng dầu tiêu thụ trong nước và đồng thời Chính phủ có chính sách trợ giá đối với xăng dầu tiêu thụ trong nước cho người dân. Hiện, Chính phủ Malaysia đang trợ giá 1,65 RM tương đương 0,4 USD cho mỗi lít xăng RON95 và 1,85 RM tương đương 0,45 USD cho mỗi lít dầu diesel.
Như vậy, nếu Chính phủ Malaysia không trợ giá và nếu Việt Nam không đánh các loại thuế, phí, giá xăng RON95 của hai quốc gia là tương đương nhau (tại Malaysia hiện sẽ là 0,87 USD/lít, trong khi giá tại Việt Nam nếu bỏ các loại thuế phí là khoảng 0,86 USD/lít). Chính sách trợ giá của Malaysia chỉ áp dụng cho người bản địa. Ngay cả người nước ngoài tại Malaysia cũng phải mua xăng không được trợ giá nên xăng dầu xuất khẩu của Malaysia cũng được bán theo giá thị trường chung của khu vực.
Như tại Singapore, nước xuất khẩu xăng dầu lớn tại khu vực châu Á, giá xăng dầu cũng đang ở mức khá cao, giá xăng RON95 của Singapore hiện ở mức 2,315 USD/lít (tương đương khoảng 54.000 đồng/lít).
Thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp vẫn nhập khẩu xăng dầu từ thị trường Malaysia với mức giá tương đương như nhập khẩu từ các thị trường Châu Á như Singapore (theo giá MOP’s là giá bình quân hàng ngày do hãng tin Platt của Singapore công bố).
Bộ Công Thương cũng cho biết về thông tin Malaysia muốn xuất khẩu xăng sang Việt Nam và con số nước này sẽ xuất khẩu sang Việt Nam 300.000 lít xăng RON 95 như thông tin một số báo chí đưa tại hội thảo “Xúc tiến xuất khẩu với thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) tổ chức.
Cụ thể, Bộ Công Thương với tư cách là bộ chuyên ngành quản lý Nhà nước về xuất nhập khẩu xăng dầu và là bộ đối tác của Malaysia nhưng đến nay chưa hề nhận được thông tin này. Vì vậy, Bộ Công Thương đang đề nghị Đại sứ Việt Nam tại Malaysia có thông tin làm rõ thêm về những nội dung đã phát ngôn trên báo chí thời gian vừa qua.
Theo thông tin từ một số đầu mối xăng dầu lớn, giao dịch mua bán xăng dầu phải theo giá thế giới. Việt Nam thường giao dịch mua bán xăng dầu với Singapore, ngoài ra còn có nguồn hàng ở Thái Lan, Hàn Quốc... Song việc mua xăng giá rẻ từ Malaysia khó có thể thực hiện được.
Dân số tại Malaysia là 32,37 triệu dân, chỉ bằng 1/3 dân số Việt Nam. Do đó, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu cũng thấp hơn. Bên cạnh đó, GDP của Malaysia năm 2021 đạt 359 tỷ USD, cao gấp 1,3 lần Việt Nam. Nhờ nguồn thu ngân sách dồi dào, nước này có nhiều kinh phí để thực hiện các hoạt động trợ cấp cho giá xăng dầu. Tuy nhiên ở một khía cạnh khác, việc trợ cấp này cũng phải tính đến các cam kết quốc tế, trực tiếp là Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26) nêu rõ không được trợ giá cho các nhiên liệu hóa thạch, xăng dầu nằm trong số đó.
Cần phải nói thêm rằng, Malaysia có cơ chế quản lý ngành công nghiệp xăng dầu khá thông thoáng khi dành quyền tự chủ lớn cho Tập đoàn Petronas. Trong đó có quyền tự quyết về đầu tư, thăm dò và khai thác dầu khí. Trong khi đó, Chính phủ cũng thu thuế rất thấp đối với khai thác dầu thô và khí tự nhiên, để tập đoàn dầu khí quốc gia có đủ tiềm lực tài chính để hỗ trợ giá xăng dầu trong nước cũng như thu được lợi nhuận cao từ Chính phủ. Chính vì vậy, người dân bản địa của Malaysia mới được trợ cấp để giá xăng dầu thuộc dạng thấp nhất thế giới.