Bộ Công Thương thanh tra trường Điện Lực, khẳng định sẽ làm triệt để
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết luận thanh tra, Bộ Công Thương cũng đã quyết định thanh tra trường Đại học Điện Lực
Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết luận thanh tra số 109 do ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo ký; Thông báo số 28/TB- TTr, ngày 27/9/2019 do ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó trưởng phòng Thanh tra ký, kết luận về công tác tuyển sinh, quản lý đào tạo, quản lý văn bằng, chứng chỉ trình độ đại học của trường Đại học Điện lực.
Kết luận đã chỉ ra hàng loạt các sai phạm đã diễn ra tại trường Đại học Điện Lực (Số 235 Hoàng Quốc Việt, Hà Nội).
Sau Kết luận của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 16/10, Thanh tra Bộ Công Thương đã công bố quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định của Luật phòng chống tham nhũng, công tác tổ chức cán bộ, công tác quản lý sử dụng vốn ngân sách, hoạt động sự nghiệp có thu, công tác mua sắm trang thiết bị, xử lý giải quyết đơn thư tố cáo tại trường Đại học Điện lực.
Buổi công bố có ông Lê Việt Long, Chánh Thanh tra Bộ Công thương cùng cán bộ trong đoàn thanh tra, tổ giám sát.
Về phía trường Đại học Điện lực có Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trương Huy Hoàng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng nhà trường cùng các đồng chí trong Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên…
Ông Đỗ Anh Tuấn (Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp và phòng, chống tham nhũng – Trưởng đoàn Thanh tra) cho hay thời hạn thanh tra 45 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.
Trong quá trình thanh tra đoàn sẽ lồng ghép, xác minh những nội dung phản ánh. Mục đích là tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của lãnh đạo trường Đại học Điện lực.
Qua thanh tra phát hiện những tồn tại, hạn chế, sai phạm nếu có để kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
"Đoàn thanh tra sẽ làm hết sức khách quan vì có cả giám sát của báo chí. Ví dụ như về công tác đầu tư trường Đại học Điện lực thực hiện đã đúng chưa? Có bao nhiêu dự án xây dựng, cải tạo? Các cấp có thẩm quyền phê duyệt có đúng hay không? Việc triển khai đầu tư có đúng không rồi tổ chức đấu thầu như thế nào, có điều chỉnh hay không? Dự án có mang lại lợi ích hay không hay chỉ là hình thức để giải ngân tiền? Tất cả những vấn đề này sẽ được làm rõ. Chúng tôi không làm hình thức mà sẽ làm triệt để", đại diện đoàn thanh tra của Bộ Công thương nhấn mạnh trong buổi công bố.
Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, trường Đại học Điện Lực thời gian vừa qua đã vướng rất nhiều lùm xùm trong cung cách quản lý, đặc biệt là có dấu hiệu trù dập người tố cáo sai phạm của nhà trường.
Theo đó, mhóm cán bộ, giảng viên Trường đại học Điện lực đã tố cáo ông Trương Huy Hoàng - Hiệu trưởng nhà trường - đã cấp khống bằng tốt nghiệp cho hàng trăm sinh viên ra trường vào tháng 3/2019 vừa qua.
Bên cạnh đó công tác bổ nhiệm cán bộ của trường Đại học Điện Lực cũng có rất nhiều vấn đề.
Nhóm cán bộ giảng viên đang công tác tại trường Đại học Điện lực tố cáo ông Trương Huy Hoàng, với tư cách là hiệu trưởng nhà trường đã bất chấp các quy định và dư luận để đưa ông Nguyễn Lê Cường, từ Trưởng khoa Điện tử Viễn thông lên giữ chức phó hiệu trưởng.
Theo đó, tháng 2/2017, quyết định số 370/QĐ-ĐHĐL do Hiệu trưởng Trương Huy Hoàng ký thể hiện ông Nguyễn Lê Cường bị kỷ luật "Khiển trách" vì vi phạm thực hiện nghĩa vụ viên chức nhưng không hiểu vì sao, cùng năm đó, ông Cường vẫn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ (theo quyết định số 100/QĐ-ĐHĐL ngày 25/1/2018 vẫn do ông Trương Huy Hoàng ký).
Đến tháng 4/2018, chỉ 2 tháng sau khi hết thời hạn kỷ luật, ông Cường nhanh chóng được quy hoạch vào vị trí phó hiệu trưởng và đó chính là căn cứ để tròn 1 năm sau, ông Trương Huy Hoàng giới thiệu ông Cường vào chức vụ này.
Theo các tài liệu được cung cấp cho thấy trong quá trình bổ nhiệm ông Cường, Hiệu trưởng Đại học Điện lực đã lờ đi không tổ chức cuộc họp liên tịch giữa lãnh đạo đơn vị, cấp ủy Đảng, đại diện các tổ chức chính trị xã hội theo đúng quy trình về công tác cán bộ do Bộ Công Thương ban hành.
Những người tố cáo cũng cung cấp nhiều bằng chứng tố cáo tình trạng tiêu cực một cách có hệ thống trong công tác đào tạo tại Khoa Điều khiển và Tự động hóa (khoa nổi tiếng và đông sinh viên nhất của Trường đại học Điện lực).
Điều đáng nói, sau khi đứng đơn tố cáo những dấu hiệu sai phạm tại trường Đại học Điện lực, chính những người liên quan đã phải có đơn kêu cứu gửi Văn phòng Chính phủ cùng nhiều bộ ngành về việc bị ông Trương Huy Hoàng, Hiệu trưởng nhà trường trù dập.
Đặc biệt, Hiệu phó của trường Đại học Điện lực là ông Trương Nam Hưng, thời gian qua cũng phải đội đơn cầu cứu đi khắp nơi mong tìm lại công bằng khi bị kỷ luật được cho là thiếu công bằng, trù dập cán bộ.
Trong một diễn biến mới nhất, sau những lùm xùm tại trường và nhiều tài liệu chứng minh có sai phạm tại trường Đại học Điện Lực được cung cấp cho báo chí, ông Trương Huy Hoàng đã ký quyết định bổ sung Quy chế Văn hóa Công sở của trường Đại học Điện Lực.
Theo đó, ông Trương Huy Hoàng quy định “…Các thành viên tham dự cuộc họp không được ghi âm, ghi hình khi chưa được phép hoặc giao nhiệm vụ của người chủ trì…”
Trước đó, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa 13 nhấn mạnh, các cơ quan quản lý của trường Đại học Điện Lực phải xử lý triệt để những sai phạm này.
Bởi theo bà An, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra ngẫu nhiên 222 sinh viên trúng tuyển và phát hiện ra 140 sinh viên trúng tuyển dưới điểm chuẩn là một con số gian lận ngoài sức tưởng tượng.
Bà Bùi Thị An cũng nhấn mạnh cơ quan chủ quản của trường là Bộ Công thương cần phải xem xét trách nhiệm vai trò của người đứng đầu ở trường Đại học Điện lực cụ thể là Hiệu trưởng trường Đại học Điện lực khi để xảy ra các sai phạm trong thời gian dài.