Bộ Công Thương thực hiện nghiêm hoạt động quản lý thị trường trong kinh doanh xăng dầu
Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường giám sát, kiểm tra, xử vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Tại Tọa đàm kinh doanh xăng dầu và bài toán đảm bảo an ninh năng lượng do Báo Tiền phong tổ chức ngày 6/3, ông Kiều Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách - Pháp chế, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong năm 2022 và đầu năm 2023, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia và đặc biệt là nội dung tại Công điện số 383/CĐ-BCT ngày 20 tháng 01 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương (Tổng cục Quản lý thị trường) đã nghiêm túc triển khai các nội dung công việc cụ thể sau.
Thứ nhất, thực hiện các kế hoạch kiểm tra định kỳ, kế hoạch chuyên đề về kinh doanh xăng dầu; phân công bố trí cán bộ, công chức tăng cường công tác quản lý địa bàn, tổ chức kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu đối với các loại hình thương nhân kinh doanh xăng dầu, trong đó chú trọng kiểm tra về điều kiện kinh doanh, hệ thống phân phối, lấy mẫu thử nghiệm chất lượng xăng dầu.
Thứ hai, tực hiện giám sát, kiểm tra, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với hệ thống kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, cửa hàng bán lẻ.
Thực hiện phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố kiểm tra việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc và hệ thống phân phối của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu trên địabàn. Xác minh, làm rõ với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm dừng, ngưng hoạt động để ghi nhận các lý do trong ngày, đối với trường hợp các lý do đưa ra không phù hợp, phát hiện hành vi vi phạm kiến nghị Sở Công Thương xử lý theo thẩm quyền.
“Trong năm 2022, lực lượng quản lý thị trường thực hiện thanh tra, kiểm tra trên 2.650 vụ, xử lý trên 575 vụ, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 18,7 tỷ đồng” – ông Kiều Dương nói.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đối tượng thanh tra, kiểm tra là thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu, lực lượng quản lý thị trường đã kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm (Chưa duy trì đủ mức dự trữ xăng dầu bắt buộc; Ký hợp đồng đại lý xăng dầu với thương nhân kinh doanh xăng dầu trong thời gian thương nhân kinh doanh xăng dầu đó đang là đại lý xăng dầu của thương nhân đầu mối khác...)
Đầu năm 2023, lực lượng quản lý thị trường đã nghiêm túc thực hiện việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong kinh doanh xăng dầu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Công điện số 383/CĐ-BCT ngày 20 tháng 01 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu để đảm bảo góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, thực hiện giám sát hơn 17.200 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên phạm vi cả nước, tiến hành kiểm tra trên 50 vụ, xử lý trên 20 vụ với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 01 tỷ đồng.
Giải pháp trong thời gian tới, để kiểm soát tốt hoạt động kinh doanh xăng dầu, nhằm ngăn chặn triệt để các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, lực lượng quản lý thị trường tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ sau:
Nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương, xác định rõ mặt hàng xăng dầu là mặt hàng trọng điểm của công tác kiểm tra, giám sát, cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ rệt nhằm tạo sự ổn định trật tự trong kinh doanh xăng dầu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với mọi loại hình thương nhân trong kinh doanh xăng dầu, chú trọng đến phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành lấy mẫu thử nghiệm, giám định chất lượng xăng dầu, đặc biệt là đối với các thương nhân phân phối xăng dầu.
Tiến hành xử lý nghiêm khắc, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định; kịp thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép theo quy định đồng thời thực hiện giám sát chặt chẽ các đơn vị đã bị thu hồi giấy phép.
Phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố kiểm tra việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, không để xảy ra tình trạng đứt gãy, thiếu hụt xăng dầu cục bộ cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc và hệ thống phân phối của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; lập biên bản và tiến hành xử lý ngay khi có dấu hiệu vi phạm, gian lận thương mại trong kinh doanh.
Tuyên truyền, vận động các thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện nghiêm túc theo nội dung cam kết không kinh doanh xăng dầu lậu, giả và kém chất lượng; đảm bảo việc cung ứng xăng dầu trên thị trường.
Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân không mua xăng dầu tại các đơn vị vi phạm; cảnh báo nguy cơ từ việc sử dụng xăng dầu lậu, giả, kém chất lượng; tuyên truyền các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; công bố công khai các đơn vị vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết, giám sát, tự bảo vệ; phát động quần chúng nhân dân, doanh nghiệp làm ăn chân chính đồng hành cùng với các cơ quan chức năng chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong kinh doanh xăng dầu.
Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan quản lý thị trường chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo và tổ chức công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đối với mặt hàng xăng dầu và để xảy ra vi phạm trong phạm vi được phân công quản lý hoặc để xảy ra những vụ việc phức tạp, nghiêm trọng kéo dài, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng mà không có các giải pháp khắc phục kiên quyết, hiệu quả. Thực hiện xử lý nghiêm các cán bộ, công chức buông lỏng quản lý, bao che, tiếp tay hoặc làm ngơ cho các đối tượng vi phạm.