Bộ Công Thương trợ lực cho khối Công Thương địa phương phát triển

Bộ Công Thương đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho ngành Công thương địa phương vượt qua khó khăn, tăng tốc phát triển.

Đa dạng các hoạt động liên kết được triển khai

Theo Bộ Công Thương, xét trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều khó khăn và diễn biến khó lường, ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế, 9 tháng năm 2023 các chỉ tiêu cơ bản của ngành đạt được khá tích cực.

Về công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp lần đầu tiên kể từ đầu năm đạt mức tăng trưởng dương (tăng 0,3%). Trong đó, chỉ số sản xuất của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước.

Phân theo địa phương, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương. Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.

Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong quý III/2023 đạt 94,6 tỷ USD, tăng 10,3% so với quý II/2023, chỉ giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số cực kỳ có ý nghĩa, bởi lẽ Việt Nam là nước có nền kinh tế mở, xuất nhập khẩu gần gấp đôi GDP, sự dao động nhẹ trên thị trường cũng tác động mạnh mẽ tới doanh nghiệp và nền sản xuất trong nước.

Bộ Công Thương trợ lực cho ngành Công Thương địa phương phát triển

Bộ Công Thương trợ lực cho ngành Công Thương địa phương phát triển

Những kết quả đạt nêu trên, được chắt chiu từ nỗ lực của nhiều thành phần, trong đó khối Công Thương địa phương giữ vai trò quan trọng. Mỗi địa phương dựa trên tiềm năng, đặc điểm riêng của mình để có tác động hợp lý, thúc đẩy công nghiệp, thương mại địa phương phát triển và góp sức vào kết quả chung của ngành.

Những hành động của mỗi địa phương đều được các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương theo dõi chặt chẽ và hỗ trợ kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển. Cùng đó, Bộ tổ chức các hoạt động thường niên nhằm tạo diễn đàn cho các địa phương phản ánh những khó khăn, bàn giải pháp gỡ nút thắt.

Cụ thể, từ đầu năm tới nay Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, Hội nghị khuyến công các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2023; Hội nghị ngành Công Thương khu vực phía Nam 2023 và Hội nghị khuyến công khu vực phía Nam 2023 cùng các hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì Hội nghị trực tuyến khối Công Thương địa phương quý I/2023 nhằm tìm ra “đường sáng” cho ngành Công Thương khối địa phương vượt qua khó khăn, bứt tốc phát triển.

Bộ trưởng rất quan tâm tới “sức khỏe” của khối Công Thương địa phương và khẳng định, Bộ Công Thương rất chia sẻ khó khăn với các địa phương, sẵn sàng thực hiện một cách kịp thời, đầy đủ chức trách nhiệm của mình để góp phần tháo gỡ một cách thực chất những khó khăn đối với địa phương, các doanh nghiệp để bứt phá khỏi tình trạng trì trệ và khó khan, lấy lại đà tăng trưởng, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Cùng với những hoạt động có quy mô lớn, nhiệm vụ thường xuyên như thực hiện chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng hàng Việt Nam”, thương mại điện tử… cũng được các đơn vị chức năng thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ cùng các địa phương thực hiện nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ và tạo lực cho ngành tăng trưởng.

Chung tay thực hiện mục tiêu lớn

Công Thương là ngành mũi nhọn, ảnh hưởng mạnh mẽ tới phát triển kinh tế và được Quốc hội, Chính phủ giao nhiệm vụ nặng nề trong mục tiêu đạt mức tăng trưởng nền kinh tế cao nhất trong năm nay.

Trong số các giải pháp nhằm hoàn thành mục tiêu năm theo kế hoạch, Bộ Công Thương xác định vai trò vị trí của mỗi địa phương là rất quan trọng. Theo đó, về sản xuất, Bộ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất.

Tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam. Hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính, tiếp cận tín dụng…

Giải pháp này cực kỳ quan trọng, bởi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế tạo được các chuyên gia ví như "cây gậy thần" cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Về thương mại, các đơn vị thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện hoặc đề xuất lên Chính phủ các biện pháp nhằm bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu khi thị trường xảy ra biến động bất thường; triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản; triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; truyền thông chú trọng cung cấp thông tin đầy đủ đến người dân về tình hình nguồn cung hàng hóa… để tạo tâm lý ổn định cho người tiêu dùng, xử lý kịp thời các thông tin sai lệch gây tâm lý bất ổn cho người tiêu dùng.

Phối hợp với các Bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ; thực hiện việc tính toán và điều hành giá xăng dầu nhất quán, đúng quy định.

Đồng thời phối hợp cùng các hiệp hội, địa phương, bộ ngành thực hiện các hoạt động phát triển thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới, trong đó có hoàn tất đưa vào thực thi Hiệp định thương mại tự do với Israel, ký kết hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng (UAE, MERCOSUR...) để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Hỗ trợ địa phương giải quyết bài toán kết nối FTA

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tại các địa phương tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, trong đó đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định.

Đặc biệt, để giải quyết bài toán kết nối cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ban ngành, hiệp hội ngành hàng, địa phương triển khai về bộ chỉ số đánh giá FTA Index từ đầu năm 2023. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã chuẩn bị các dữ liệu và hy vọng ngay trong năm 2023 các công việc sẽ được sẵn sàng để chính thức triển khai liên quan về đánh giá FTA Index.

Theo báo cáo của các địa phương, chỉ riêng với việc hỗ trợ thực thi EVFTA, thời gian qua các tỉnh thành phố đã triển khai được 209 chương trình hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngành, hàng, doanh nghiệp. Trong đó nổi bật là hỗ trợ tài chính với các chương trình bình ổn thị trường, chương trình cho vay đối với các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp (TP HCM), hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp (Quảng Ngãi), xây dựng chuỗi cung ứng xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản (Đồng Nai), xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (Lạng Sơn, Quảng Nam), xây dựng và thực thi kế hoạch phát triển thương mại điện tử để hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, đầu tư trực tuyến (Bình Dương, Đà Nẵng, TP HCM), tăng cường tổ chức rộng rãi các hoạt động hội chợ giới thiệu hàng Việt Nam (Đồng Nai, Hà Nội, Long An, Phú Thọ), đẩy mạnh chương trình kết nối doanh nghiệp và ngân hàng để ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hải Dương, Hải Phòng), khuyến khích tham gia các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn (Cần Thơ).

Cùng với đó, các địa phương cũng đã đẩy mạnh việc dạy nghề và gắn kết đào tạo với doanh nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh...

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới…; tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa qua các của khẩu…

Có thể khẳng định, những nỗ lực của Bộ Công Thương đã giúp các địa phương từng bước vượt qua khó khăn thời kỳ hậu đại dịch Covidd-19 khôi phục và phát triển, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế đất nước.

Hải Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-tro-luc-cho-khoi-cong-thuong-dia-phuong-phat-trien-280388.html