Bộ Công Thương ủng hộ Bạc Liêu phát triển lĩnh vực năng lượng
Chiều 26/2, trả lời những kiến nghị liên quan đến đầu tư xây dựng các dự án điện, hệ thống truyền tải điện của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu trong buổi làm việc giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo địa phương này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định, Bộ ủng hộ địa phương phát triển lĩnh vực năng lượng, tuy nhiên, cần cân nhắc thận trọng trước khi quyết định đầu tư để đảm bảo hiệu quả lâu dài.
Cụ thể, liên quan đến dự án trung tâm điện lực Bạc Liêu, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, hiện Bộ Công Thương đã nhận được đề xuất bổ sung quy hoạch xây dựng các trung tâm điện khí sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng của 15 địa phương với tổng công suất lên đến gần 50.000 MW, tuy nhiên, hiện mới chỉ có Bạc Liêu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch với nhà máy điện khí 3.200 MW.
Để tổ chức thực hiện, Bộ Công Thương mong muốn chủ đầu tư sớm hoàn thành các thủ tục theo quy định của pháp luật. Trước hết cần sớm lập báo cáo nguyên cứu khả thi, sau đó phải thống nhất và đi đến ký kết hợp đồng mua bán khí và mua bán điện giữa các bên liên quan làm cơ sở cho các nhà đầu tư huy động vốn để thực hiện dự án.
Hiện nay, Bộ Công Thương đã hoàn thành xây dựng và trình Chính phủ xem xét ban hành cơ chế đặc biệt thực hiện các dự án cấp bách, tuy nhiên, những cơ chế ưu đãi phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư nên những ưu đãi là không nhiều.
Về công tác xã hội hóa đầu tư lưới điện theo ý kiến của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đặc biệt, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có nội dung khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển năng lượng nói chung, đầu tư hệ thống truyền tải nói riêng.
Bộ Công Thương cũng đã hoàn thiện và trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải thích rõ thêm một số nội dung trong Luật Điện lực, trong đó giải thích rõ Nhà nước chỉ độc quyền quản lý, vận hành hệ thống truyền tài điện chứ không độc quyền trong đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải. Nếu nghị quyết được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì sẽ tạo thêm một kênh huy động nguồn lực quan trọng để đầu tư hệ thống truyền tải điện.
Liên quan đến vấn đề đầu tư các dự án điện gió, Thứ trưởng Vượng cho biết, hiện tỉnh đã được bổ sung quy hoạch với tổng công suất 400 MW điện gió và hiện Bộ Công Thương cũng đã nhận được 19 đề xuất dự án điện gió với tổng công suất lên đến 4.600 MW. Bộ Công Thương đã giao cho Viện Năng lượng phối hợp với các chuyên gia của Đức nghiên cứu khả năng giải tỏa công suất đến năm 2021 của các nhà máy ở 5 tỉnh miền Tây Nam bộ, trong đó có Bạc Liêu. Và theo tính toán, đến cuối năm 2021, khả năng giải tỏa công suất chỉ đạt từ 3.000 – 3.500 MW trong khi hiện sau khi bổ sung quy hoạch, khu vực 5 tỉnh này đã có công suất khoảng 2.000 MW, do đó chỉ có thể bổ sung công suất khoảng 1.000 MW. Hiện khu vực này đang có các ý kiến đề xuất công suất lên tới 14 nghìn MW nữa. Như vậy khả năng giải tỏa công suất sẽ gặp khó khăn nên các địa phương và nhà đầu tư cần tính toán để có quyết định phù hợp với tình hình.
Liên quan đến cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam theo Quyết định số 39/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 với mốc thời gian hiệu lực đến hết năm 2021. Tuy nhiên, với các dự án điện gió đều có thời gian xây dựng dài, trong khi nguyên thiết bị phục vụ xây dựng dự án điện gió, nhất là các thiết bị chính không nhiều như loại hình điện mặt trời. Vì vậy, Bộ Công Thương đang xem xét trình Thủ tướng cho phép kéo dài hiệu lực của quyết định nói trên nhằm hỗ trợ cho các nhà đầu tư điện gió.