Bỏ đếm ngược đèn giao thông: ba điểm cần cân nhắc

Muốn bỏ đếm ngược số giây trước khi chuyển màu đèn giao thông cần kèm theo nhiều biện pháp đồng bộ về luật và cách thiết lập đèn vàng. Nếu 'ngắt ngang' ở việc tắt số giây đếm ngược, người dân dễ bị phạt oan vì lỗi vượt đèn vàng hay thậm chí bị tai nạn do thắng gấp khi đang chạy mà đèn xanh chuyển màu.

Trung tâm Quản lý giao thông đô thị thuộc Sở Giao thông vận tải TPHCM bắt đầu thí điểm không đếm ngược số giây trước khi đèn giao thông chuyển màu tại các giao lộ trên đường Nguyễn Đình Chiểu với Trương Định, Bà Huyện Thanh Quan, Cách mạng tháng 8 và Mai Chí Thọ – Tố Hữu.

Với mô hình mới, đèn giao thông được thiết lập chuyển màu theo từng khoảng thời gian nhất định. Khu vực gắn đèn loại này là những giao lộ lớn, có camera giám sát và kết nối với Trung tâm Quản lý giao thông đô thị để tiện cho việc điều chỉnh từ xa.

Cũng theo Trung tâm Quản lý giao thông đô thị, mô hình đèn giao thông không đếm ngược số giây đã giúp tình hình giao thông ổn định hơn, các trường hợp vượt đèn khi thời gian còn 2-3 giây cũng giảm, từ đó kéo giảm nguy cơ tai nạn giao thông(*).

Đáng tiếc là dù công bố đã đo đếm trong thời gian thí điểm mô hình đèn giao thông không đếm ngược nhưng đơn vị này lại không đưa ra số liệu thống kê như tỷ lệ vượt đèn khi thời gian còn 2-3 giây giảm bao nhiêu phần trăm, số vụ tai nạn có liên quan vượt đèn giảm bao nhiêu phần trăm so với thời gian còn dùng đèn đếm ngược.

Người dân cũng cần biết số vụ vượt đèn khi còn 2-3 giây là bao nhiêu và số vụ tai nạn vì vượt đèn kiểu này là bao nhiêu vụ trong một năm hay một quí gần nhất trước khi thí điểm? Nếu có những số liệu này trong kết quả thí điểm thì việc chuyển đổi sang mô hình đèn giao thông không đếm ngược sẽ thuyết phục người dân hơn.

Tuy nhiên, điều người dân quan tâm nhất là trong việc tắt đếm ngược đèn giao thông nằm ở hai điểm: nguy cơ bị tai nạn giao thông và bị phạt vì lỗi “vượt đèn vàng”.

Trên hai tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu và Mai Chí Thọ đang thí điểm mô hình đèn giao thông này, những lúc thông thoáng thì xe có thể lưu thông với vận tốc đến 40-50 km/h. Với tốc độ này, nếu đèn vàng bật sáng thì xe chạy trước đột ngột thắng lại có thể bị xe chạy sau đâm vào gây tai nạn.

Ngược lại, nếu không thắng khi đèn vàng bật, người dân vô tình bị rơi vào tình huống bị phạt oan ức vì lỗi “vượt đèn vàng”. Mà theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức phạt đối với lỗi này khá nặng, tối đa là 6 triệu đồng đối với xe ô tô, 1 triệu đồng đối với xe mô tô và kèm theo hình phạt tước bằng lái từ 1 đến 3 tháng.

Theo quy định hiện hành trong Luật Giao thông đường bộ 2008, khi đèn vàng bật, người lái xe phải dừng lại trước vạch dừng. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019 thì có phần giải thích thêm “trường hợp đã đi quá vạch dừng hoặc đã quá gần vạch dừng nếu dừng lại thấy nguy hiểm thì được đi tiếp”.

Mặc dù có phần giải thích này trong QCVN 41:2019 nhưng trên thực tế, hầu hết trường hợp vượt đèn vàng đều bị cảnh sát giao thông xử phạt như vượt đèn đỏ vì người lái xe rất khó chứng minh là họ rơi vào tình thế được cho phép là “đã đi quá vạch dừng hoặc đã quá gần vạch dừng nếu dừng lại thấy nguy hiểm”.

Trong khi đó, tại dự thảo mới nhất của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 đang diễn ra, ban soạn thảo đã bỏ quy định phạt lỗi vượt đèn vàng. Trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì xe được đi tiếp.

Tuy nhiên, thay đổi này vẫn còn ở thì tương lai. Điều này có nghĩa là, hai nỗi lo về tai nạn và phạt lỗi vượt đèn vàng của người dân vẫn là hiện hữu.

Người viết bài này đã hỏi hai người thường xuyên lái xe ở bang Miami (Mỹ) và thành phố Nice (Pháp) thì được biết, ở hai nơi này đều không có lỗi “vượt đèn vàng”. Quy định chỉ bắt buộc là xe phải qua hết giao lộ trước khi đèn chuyển sang màu đỏ.

Tại bang Miami vẫn áp dụng loại đèn giao thông đếm ngược để người lái xe dừng lại kịp trước khi đèn chuyển đỏ và cho phép đi qua khi đèn vàng.

Trong khi đó, tại Nice, đèn giao thông không đếm ngược nhưng thời gian đèn vàng được thiết lập rất khác nhau. Đường có tốc độ càng cao thì thời gian sáng đèn vàng càng dài để bảo đảm mọi tài xế khi thấy đèn vàng vẫn có thể chạy qua giao lộ bình thường mà không phải thắng gấp.

Nếu Trung tâm Quản lý giao thông đô thị muốn áp dụng mô hình đèn giao thông không đếm ngược số giây thì cần cân nhắc ba việc.

Việc đầu tiên và quan trọng nhất là phải bảo đảm thời gian đèn vàng đủ dài để tài xế đủ thời gian lái xe vượt qua giao lộ với tốc độ bình thường khi đèn vàng bật mà không phải thắng gấp để tránh nguy cơ tai nạn giao thông.

Việc thứ hai là phải bảo đảm người dân không bị xử phạt lỗi vi phạm “vượt đèn vàng”. Muốn như vậy thì phải chờ đến khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực. Với quy định hiện hành, cảnh sát giao thông không thể bỏ qua lỗi vượt đèn vàng với mức phạt khá nặng thì người dân phải làm sao?

Việc thứ ba là cần chứng minh bằng số liệu thống kê khoa học cho thấy mô hình đèn giao thông không đếm ngược giúp giảm tai nạn giao thông, kéo giảm vi phạm giao thông. Nếu chưa đủ số liệu chứng minh thì đừng vội vàng áp dụng đại trà mô hình này.

Ngoài ra, theo mô tả trên báo chí, hiện tại nhân viên Trung tâm Quản lý giao thông đô thị phải theo dõi qua camera và điều chỉnh đèn giao thông từ xa tại một số thời điểm. Trong thời gian thí điểm chỉ có bốn giao lộ thì cách làm bán tự động này còn có thể đáp ứng, nhưng nếu áp dụng đại trà trên hàng trăm giao lộ khắp TPHCM thì liệu có đủ nhân lực để làm không?

—————————-

Mục Nhĩ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bo-dem-nguoc-den-giao-thong-ba-diem-can-can-nhac/