Bỏ điểm ưu tiên khu vực: Thí sinh tự do mong Bộ Giáo dục xem xét lại

Vi Tuấn Vũ (sinh năm 1999, Thanh Hóa) cho biết, em cảm thấy vô cùng hụt hẫng khi hay tin mình có thể không được cộng điểm ưu tiên khu vực.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học; cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022. Tuy nhiên, năm nay, điểm cộng ưu tiên khu vực chỉ áp dụng cho năm thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp), còn những thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông khi thi lại để lấy kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng sẽ không được tính điểm ưu tiên khu vực (như khu vực 3).

Sau khi công bố, dự thảo này đã nhận lại rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề thí sinh tự do không được cộng điểm ưu tiên khu vực khi thi lại.

Tìm hiểu về vấn đề này, phóng viên của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với một số thí sinh có mong muốn thi lại cao đẳng, đại học năm nay để nghe các em chia sẻ về cảm xúc của mình.

Là một thí sinh tự do năm nay quyết tâm thi lại vào Học viện Kiểm sát Hà Nội, Vi Tuấn Vũ (sinh năm 1999, Thanh Hóa) cho biết, em cảm thấy vô cùng hụt hẫng khi hay tin mình có thể không thuộc diện được cộng điểm ưu tiên khu vực.

“Quy định cộng điểm đã áp dụng từ lâu, việc thay đổi một cách đột ngột như vậy là không hợp lý, gây hoang mang cho nhiều thí sinh tự do như em. Em nghĩ nếu muốn thay đổi thì phải có kế hoạch, thông báo từ trước chứ không phải chỉ cách mấy tháng trước khi thi mới thông báo như này. Điều này khiến em vô cùng chán nản”, Vũ nói.

Cùng chung tâm trạng đó, Thùy Linh là một nữ sinh ở Yên Bái, năm nay em thi lại Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ: “Quá trình học tập chuẩn bị cho kỳ thi đối với những thí sinh thi lại như chúng em đã là khó khăn hơn rất nhiều, nhiều lúc động lực học tập cũng bị sụt giảm, giờ nghe thêm thông tin không được cộng điểm ưu tiên, em rất thất vọng và hụt hẫng”.

Những năm gần đây, mỗi năm cả nước có khoảng một triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Trong đó, số lượng thí sinh tự do là không hề nhỏ, có thể lên tới hàng chục nghìn thí sinh. Việc đề ra dự thảo mới có liên quan đến vấn đề về điểm ưu tiên ở giai đoạn nước rút này đã tạo thêm rất nhiều áp lực cho các thí sinh. Những cảm giác tiêu cực như buồn bã, thất vọng, chán nản… là không tránh khỏi.

Không còn điểm cộng, liệu có công bằng với thí sinh thi lại?

Điểm cộng ưu tiên vốn đã thành thông lệ, là một phần quan trọng giúp động viên, khích lệ các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn cố gắng. Tuy nhiên, dự thảo mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo này đã gây ra không ít tranh cãi trong những ngày gần đây.

Nguyễn Thị Trang Anh (sinh năm 2003, Nghệ An) đang trong quá trình ôn tập nước rút để chuẩn bị cho kỳ thi lại năm nay của mình.

Trang Anh chia sẻ: “Là một thí sinh thuộc khu vực 1 như em, việc được cộng 0,75 điểm là vô cùng quý giá. Bởi khu vực em sinh sống không phải là một nơi mà điều kiện từ cơ sở vật chất đến giáo viên dạy dỗ, định hướng,... chắc chắn không thể bằng các bạn ở thành phố. Gần như, mọi thông tin về tuyển sinh đại học em đều phải tự tìm hiểu và tự nỗ lực. Lần thi trước, cũng vì chỉ thiếu một chút ít điểm mà em đang phải học ngành em không thực sự yêu thích. Vì vậy, em cảm thấy điểm cộng khu vực vừa là nguồn động viên, nhưng nó gần như có thể thay đổi vận mệnh của một người”.

Như vậy, nếu áp dụng quy chế tuyển sinh cũ, Trang Anh cũng sẽ giống như các thí sinh khác trong cùng khu vực, là sẽ đều được cộng 0.75 điểm. Nhưng năm nay, số điểm đó có thể sẽ mất trắng. Mà trong thi đại học, 0.01 đã có thể thay đổi cả một số phận của một thí sinh chứ đừng nói đến 0.75.

 Thùy Linh (Yên Bái) thẳng thắn bộc bạch: “Sẽ rất thiệt thòi cho các thí sinh thi lại."(ảnh: NVCC)

Thùy Linh (Yên Bái) thẳng thắn bộc bạch: “Sẽ rất thiệt thòi cho các thí sinh thi lại."(ảnh: NVCC)

Chia sẻ thêm với phóng viên, Thùy Linh (Yên Bái) thẳng thắn bộc bạch: “Sẽ rất thiệt thòi cho các thí sinh thi lại vì chính sách cộng điểm ưu tiên mục tiêu là ưu tiên cho các thí sinh học tập ở các khu vực kinh tế - xã hội nông thôn, vùng khó khăn. Nó không hề liên quan gì đến việc là thí sinh tự do hay không.

Cũng có những người họ đã tốt nghiệp từ rất nhiều năm về trước giờ muốn thi lại để có thể bước xa hơn trong tương lai. Trên thực tế, mình cảm thấy những bạn thi lại đại học như mình có nhiều áp lực và khó khăn hơn rất nhiều. Vậy nên, dù là số điểm ưu tiên nhỏ nhưng cũng sẽ thêm hy vọng phần nào để có thể đến gần hơn với cánh cửa đại học mà mình yêu thích”.

Không chỉ Trang Anh, Thùy Linh hay Tuấn Vũ, mà hiện nay, trên các diễn đàn mạng xã hội, rất nhiều bài viết đã và đang bàn luận về vấn đề này. Nhiều người, đặc biệt là các thí sinh thi lại cao đẳng, đại học tỏ ra rất bất bình, cho rằng như vậy sẽ rất thiệt thòi. Bởi thực tế đã chứng minh, điểm cộng ưu tiên có vai trò không hề nhỏ trong việc đỗ/ trượt của một thí sinh. Đặc biệt, không ít ý kiến mong rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét lại về dự thảo này nhằm đảm bảo quyền lợi, công bằng cho các thí sinh.

Minh Châu - Trần Lý

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-diem-uu-tien-khu-vuc-thi-sinh-tu-do-mong-bo-giao-duc-xem-xet-lai-post225929.gd