Bộ đội Biên phòng - 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành (bài 1)

Ngày 3/3/2024, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tròn tuổi 65. Trong suốt chặng đường 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dù có những tên gọi khác nhau, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, chỉ huy của Bộ Quốc phòng hay Bộ Công an và trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, BĐBP (tiền thân là lực lượng Công an nhân dân vũ trang) cũng luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy bản chất tốt đẹp và truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của CAND và QĐND.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự giúp đỡ tận tình của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân địa phương, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã hết lòng tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, khắc phục mọi khó khăn, bám trụ kiên cường nơi biên giới, luôn nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Bài 1: Sự ra đời của lực lượng CANDVT, nay là BĐBP

Ngay sau thắng lợi của Chiến dịch Biên giới 1950, nhận rõ ý đồ Mỹ đang ráo riết hất cẳng Pháp ra khỏi Đông Dương để thống trị miền Nam nước ta bằng chủ nghĩa thực dân mới; thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã quyết định thành lập 3 lực lượng trực thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới đất liền, bờ biển, giới tuyến và các mục tiêu quan trọng ở nội địa gồm: Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thuộc Bộ Công an; Bộ đội Bảo vệ trực thuộc Bộ Quốc phòng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự lễ thành lập lực lượng CANDVT. Ảnh: Tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự lễ thành lập lực lượng CANDVT. Ảnh: Tư liệu

Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, nhận thấy cần phải có một lực lượng vũ trang thống nhất, chuyên trách, vững mạnh về chính trị, chặt chẽ về tổ chức; nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; hiểu biết sâu về pháp luật, có năng lực quản lý, bảo vệ biên giới, giới tuyến, nội địa bằng các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu và khả năng chiến đấu vũ trang giỏi, ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) ra Nghị quyết số 58/NQ-TW “Về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng”, sau này là lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), tiền thân của BĐBP ngày nay.

Đây là nghị quyết đặc biệt, đầu tiên của Đảng về công tác biên phòng, nội địa và giới tuyến, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với lực lượng vũ trang chuyên trách, nòng cốt bảo vệ biên giới, giới tuyến và các mục tiêu nội địa. Nghị quyết của Bộ Chính trị xác định lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng có nhiệm vụ: “Trấn áp mọi hành động phá hoại của bọn phản cách mạng trong nước và bọn phản cách mạng ngoài nước xâm nhập phá hoại nước ta, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ an ninh biên giới, bờ biển, giới tuyến và nội địa, bảo vệ an toàn cho các cơ sở kinh tế, văn hóa quan trọng”.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 3/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg thành lập lực lượng CANDVT, nêu rõ: “Thống nhất các đơn vị bộ đội thuộc Bộ Quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là CANDVT, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an”.

Từ đây, lần đầu tiên trong lịch sử nước Việt Nam có một lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tập trung thống nhất, chuyên trách làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, các mục tiêu trọng yếu ở nội địa và giới tuyến quân sự tạm thời, tập trung thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, gồm 3 cấp: Trung ương có Ban Chỉ huy Trung ương CANDVT (tháng 7/1961 đổi tên thành Bộ Tư lệnh CANDVT) do đồng chí Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Tư lệnh, kiêm Chính ủy đầu tiên của lực lượng; cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Ban Chỉ huy CANDVT tỉnh, thành phố; cấp cơ sở có các đồn CANDVT và đơn vị cơ động. Từ đó, ngày 3/3/1959 chính thức trở thành Ngày truyền thống của lực lượng CANDVT và BĐBP ngày nay.

Ngay từ khi thành lập và trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ BĐBP vinh dự tự hào khi thường xuyên được đón nhận sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Đảng, Bác Hồ kính yêu, sự lãnh đạo sâu sát của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Tại buổi Lễ thành lập lực lượng, ngày 28/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và huấn thị cán bộ, chiến sĩ CANDVT: “Đoàn kết, cảnh giác/ Liêm chính, kiệm cần/ Hoàn thành nhiệm vụ/ Khắc phục khó khăn/ Dũng cảm trước địch/ Vì nước quên thân/ Trung thành với Đảng/ Tận tụy với dân”.

Khắc ghi lời Bác Hồ dạy, tuy còn gặp nhiều khó khăn trong buổi đầu thành lập, nhưng Ban Chỉ huy Trung ương CANDVT đã có nhiều cố gắng, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các đơn vị trong toàn lực lượng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, bờ biển, giới tuyến và các mục tiêu trọng yếu nội địa, phù hợp với đặc điểm từng địa bàn và tính chất nhiệm vụ từng đơn vị. Về biên chế tổ chức, Ban Chỉ huy Trung ương CANDVT tập trung chỉ đạo tăng cường quân số chiến đấu cho các đồn biên phòng và các đơn vị bảo vệ nội địa; hợp nhất đầu mối chỉ huy đối với những tỉnh có hai cơ quan chỉ huy biên phòng và chỉ huy nội địa; từng bước giảm bớt phân đội bảo vệ các mục tiêu không trọng yếu ở nội địa do tình hình cách mạng có nhiều chuyển biến tích cực và các lực lượng bảo vệ tại chỗ đã trưởng thành, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ.

Và trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của CANDVT và BĐBP ngày nay, sau Nghị quyết số 58/NQ-TW ngày 19/11/1958 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) về việc “Thành lập lực lượng bảo vệ nội địa và biên phòng”, để lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, bờ biển, giới tuyến và các mục tiêu trọng yếu nội địa, Đảng, Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều Nghị quyết liên quan đến tình hình thực hiện nhiệm vụ và xây dựng lực lượng CANDVT như: Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/10/1979 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV) về việc “Chuyển giao nhiệm vụ và lực lượng CANDVT sang Bộ Quốc phòng thành lực lượng BĐBP”.

Nghị quyết số 07/NQ-TW ngày 30/11/1987 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VI về “Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới”. Nghị quyết đã chỉ rõ: “Chuyển giao lực lượng BĐBP cho Bộ Nội vụ trực tiếp phụ trách” (tức Bộ Công an hiện nay). Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8/8/1995 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) về “Xây dựng BĐBP trong tình hình mới” đã quyết định chuyển BĐBP từ Bộ Nội vụ sang Bộ Quốc phòng và xác định nhiệm vụ công tác biên phòng trong tình hình mới rất toàn diện, bao gồm: “Bảo vệ biên giới trên bộ, trên biển; bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống xâm nhập và chống buôn lậu qua biên giới; bảo vệ tài nguyên của đất nước; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển với các nước láng giềng. Phối hợp với lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng thi hành các điều ước quốc tế, các hiệp ước, hiệp định; tuyên truyền, vận động nhân dân vùng biên giới tăng cường đoàn kết, thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh”.

Ngày 22/12/2004, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) ra Thông báo số 165-TB/TW về tổ chức BĐBP nhấn mạnh: Công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP phải bảo đảm sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ Quốc phòng và các tỉnh ủy, thành ủy (nơi có BĐBP). Giữ ổn định lâu dài hệ thống tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của BĐBP như Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8/8/1995 của Bộ Chính trị. BĐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, được chỉ huy, đảm bảo thống nhất theo ngành dọc từ Trung ương đến cơ sở, với 3 cấp: Bộ Tư lệnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, thành phố và đồn Biên phòng. Thường xuyên phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng trên địa bàn; khi có chiến tranh thực hiện theo quy chế của Bộ Quốc phòng.

Năm 2018, trước yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, ngày 28/9/2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về "Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia". Đây là một chiến lược chuyên ngành quan trọng, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối quốc phòng, an ninh, thể hiện rõ tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia xác định rõ: “Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước; dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”; lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt; BĐBP là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững biên giới quốc gia”. Nghị quyết cũng đặt vấn đề phải ổn định tổ chức biên chế và xác định BÐBP là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, BÐBP là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại.

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 8/8/1995 của Bộ Chính trị (khóa VII) về “Xây dựng BĐBP trong tình hình mới”, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28/9/2018 về “Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia”, Bộ Tư lệnh BĐBP tham mưu Bộ Quốc phòng trình Quốc hội và Chính phủ ban hành những văn bản pháp luật hết sức quan trọng về xây dựng BĐBP và nhiệm vụ của BĐBP như: Pháp lệnh BĐBP, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết... Như vậy, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, BĐBP đã có những cơ sở chính trị, pháp lý cơ bản, quan trọng để tiến hành các hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới và thực thi nhiệm vụ, công tác biên phòng trong tình hình mới.

Trong suốt chặng đường 65 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ CANDVT và BĐBP ngày nay luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng và truyền thống quyết chiến, quyết thắng của CAND, QĐND, đoàn kết gắn bó máu thịt với nhân dân; phát huy cao độ năng lực sáng tạo, tự lực tự cường, tinh thông về nghiệp vụ, giỏi về kỹ, chiến thuật, nắm chắc pháp luật, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào, sẵn sàng chiến đấu cao, kịp thời xử lý các tình huống, ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là đại dịch Covid-19 và các đợt thiên tai, bão lũ. Qua đó, nêu cao phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” và truyền thống quý báu của lực lượng hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Bài 2: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc

Hương Mai

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bo-doi-bien-phong-65-nam-xay-dung-chien-dau-va-truong-thanh-bai-1-post471229.html