Bộ đội Biên phòng Kiên Giang và người dân đoàn kết bảo vệ vững chắc biên giới Tây Nam
Kiên Giang có đường biên giới dài hơn 49km, giáp với hai tỉnh Kampot và tỉnh Tà Keo, Vương quốc Campuchia. Những năm qua, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình mà còn tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia bảo vệ vững chắc đường biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc đường biên giới
Những ngày cuối tháng 11.2024, phóng viên có dịp tháp tùng đoàn công tác của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, do đại tá Phạm Văn Thắng, Chỉ huy trưởng dẫn đầu Đoàn công tác đến thăm cuộc sống cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân trên tuyến biên giới đường bộ của tỉnh Kiên Giang.
Sau khi làm việc với Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Vĩnh Điều (tiếp giáp xã Vĩnh Gia, tỉnh An Giang), Đoàn công tác xuất phát đến mốc chủ quyền 287, đây là cột mốc đầu tiên trên tuyến biên giới trên bộ của tỉnh Kiên Giang.
Thượng tá Âu Thành Trí - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Vĩnh Điều cho biết: “Đoạn biên giới do đơn vị quản lý dài hơn 13km, từ mốc 287 đến mốc 293/3 là đến đoạn biên giới của Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành. Trong thời gian qua, có 79 hộ dân đăng ký tham gia tự quản đường biên, cột mốc. Khoảng 5km tiếp giáp tỉnh Tà Keo, còn lại giáp tỉnh Kampot – Vương quốc Campuchia. Hơn 7km chưa làm xong đường tuần tra, nên chỉ đi xe được 1 đoạn, còn lại phải đi bộ”.
Sau khi đoàn công tác đến kiểm tra các mốc, thăm, động viên tinh thần các bộ, chiến sĩ đang trực tại các vị trí trọng yếu, Đoàn công tác tiếp tục đi bộ khoảng 7km đường ruộng, vượt nhiều rạch nhỏ, men theo kênh đào 79 mới đến các điểm mốc còn lại. Qua hơn 2h lội ruộng, đến các cột mốc, chúng tôi có dịp dừng chân thăm, trò chuyện thân mật cùng các hộ dân đang sinh sống, canh tác và tham gia bảo vệ đường biên giới.
Điển hình là hộ ông Phan Văn Sỹ (70 tuổi, xã Vĩnh Phú, huyện Giang Thành có hơn 20 năm làm ruộng ở gần cột mốc chủ quyền 287 và đang tham gia tự quản hơn 280m đường biên giới. “Những năm gần đây, cùng với chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng biên, nhiều dự án thủy lợi, cầu, đường, điện… đã giúp Nhà nước đầu tư, nhờ đó vùng đất này chuyển mình khởi sắc. Hiện tại bà con khu vực biên giới này trong 1 năm đã có thể làm 3 vụ lúa, vụ nào cũng trúng đậm”. Ông Phan Văn Sỹ, chia sẻ.
Chỉ qua vài phút trò chuyện cùng ông Sỹ và tận mắt nhìn thấy những người nông dân hai nước Việt Nam – Campuchia, sau buổi ra đồng, họ gặp nhau chuyện trò thân mật, mời nhau ly nước, hỏi thăm việc đồng áng… Những điều này cho thấy một vùng biên giới thanh bình, nhân dân đoàn kết.
Rời Trạm kiểm soát Biên phòng Chợ Đình, Đoàn công tác tiếp tục di chuyển đến cột mốc chủ quyền 394. Tại đây, chúng tôi di chuyển bằng vỏ lãi, dọc theo sông Giang Thành, vào các con lạch nhỏ, mới đến được các cột mốc.
Theo lời Trung tá Hà Đức Hạnh – Đồn Trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành, tuy còn một đoạn biên giới chưa được hoạch định, nhưng tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng biên này luôn ổn định. Bà con hai bên biên giới vẫn ngày ra đồng, thăm hỏi, trao đổi hàng hóa theo tập quán. Những năm gần đây, đời sống đồng bào khu vực biên giới phát triển ổn định, từng bước đi lên.
Mỗi người dân là cột mốc sống biên giới
Đến thăm Đồn Biên phòng Phú Mỹ, chúng tôi được biết, mặc dù đại bàn nhiều kênh rạch, có sông Giang Thành cắt qua… Để quản lý chặt địa bàn, người, phương tiện qua lại, Đồn Biên phòng Phú Mỹ tổ chức thêm các chốt gác chặt chẽ và xây dựng và nhân rộng điển hình các hộ dân là người cao tuổi, có uy tín trong vùng đồng bào để cùng chung tay giúp Bộ đội Biên phòng trong các phong trào. Đến hôm nay, Đồn Biên phòng Phú Mỹ đã có 89 hộ dân tham gia tự quản toàn bộ đoạn biên giới hơn 10km.
Trên đường biên giới, chúng tôi còn được các cán bộ Biên phòng đồn Phú Mỹ nói về tấm gương tiêu biểu ông Lý Văn Nhợi, một lão nông sống hơn 30 trên vùng biên giới. Ông Nhợi chính là người trực tiếp cho đồn Biên phòng Phú Mỹ mượn nhà làm chốt chống dịch; hàng ngày ông Nhơi đi giăng lưới, kiếm cá về lo cơm cho cán bộ, chiến sĩ trực chốt cùng ăn.
Trong chòi lá đơn sơ của ông Nhợi, đại tá Phạm Văn Thắng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang không giấu được cảm xúc trước tấm lòng mà ông Nhợi dành cho lực lượng Biên phòng Kiên Giang trong thời gian qua. Một người nông dân nghèo, cơm không đủ no, nhưng lại giàu tình cảm, sống có trách nhiệm với chủ quyền biên giới Tổ quốc, cưu mang Bộ đội Biên phòng là một tấm gương sáng giữa vùng biên giới bao la này.
Sau khi vào thăm cán bộ, chiến sĩ trạm kiểm soát Biên phòng Vàm Hàn, chúng tôi vượt đầm Đông Hồ bằng xuồng máy đến mốc chủ quyền 306 thuộc sự quản lý của đồn Biên phòng cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên. Đoạn biên giới này dài hơn 14km, có 9 mốc chính, 32 mốc phụ, có 1 mốc đặc biệt là mốc 314, cột mốc cuối cùng trên biên giới bộ và bờ biển giữa Việt Nam và Campuchia. Đường tuần tra biên giới đã cơ bản làm xong, đưa vào sử dụng, thuận lợi hơn cho lực lượng Biên phòng trong bảo vệ biên giới và phục vụ nhu cầu đi lại của người dân nơi đây.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, TP. Hà Tiên phát triển mạnh về du lịch, thương mại, cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh ngày càng được hoàn thiện. Cùng với việc mở cửa, giao thương tại khu liên hợp cửa khẩu Quốc tế Hà Tiên, đời sống bà con 2 bên biên giới ổn định, phát triển.
Qua 3 ngày đến thăm, kiểm tra dọc biên giới các huyện Giang Thành, TP. Hà Tiên, đại tá Phạm Văn Thắng - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của từng cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị. Những năm qua, các đơn vị luôn có sự nỗ lực, cố gắng, khắc phục mọi khó khăn, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đặc biệt các đơn vị đã làm tốt công tác đối ngoại với các lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn Campuchia. Tích cực chủ động trong trao đổi thông tin, tình hình vùng biên, cùng nhau giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trên biên giới. Chủ trì phối hợp cùng các lực lượng trên tinh thần Nghị định 03 của Chính phủ, quản lý chặt địa bàn, dự báo tình hình từ sớm, từ xa, giải quyết tốt các vụ việc.
Qua tiếp xúc với nhân dân khu vực biên giới, cho thấy các đơn vị đã làm tốt công tác vận động quần chúng, bám dân, bám địa bàn, tạo được lòng tin trong nhân dân. Đặc biệt các đơn vị đã tích cực phát động, thực hiện nhiều mô hình, cách làm hay hướng về đồng bào nghèo vùng biên…
Về những tồn tại, hạn chế, những việc cần làm trong thời gian tới của các đơn vị, Trưởng đoàn công tác yêu cầu các cơ quan chuyên môn khẩn trương có báo cáo nhận xét chi tiết gửi các đơn vị, để cấp ủy, ban chỉ huy các đồn Biên phòng nắm bắt, có biện pháp khắc phục.
Đại tá Phạm Văn Thắng - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, yêu cầu: “Thời gian tới, phải xây dựng được hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng trong lòng nhân dân vùng biên. Phải khẳng định được vai trò, trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ, thật sự là phên dậu biên giới. Và mỗi một người dân trên biên giới là một cột mốc sống, sẵn sàng cùng với cả hệ thống chính trị, tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”.