Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu - 'cầu nối' truyền tải pháp luật

Thực hiện phương châm 'gần dân, chăm lo cho dân', nắm vững địa bàn và sử dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); các cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh Lai Châu đã trở thành 'cầu nối' đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng cao biên giới.

Sáng tạo, hiệu quả và sát thực tiễn

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lai Châu, ngay sau khi Đề án 1371 ra đời, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã quán triệt, triển khai và thực hiện triệt để nội dung của Đề án, ban hành đầy đủ hệ thống văn bản liên quan. Là đơn vị được lựa chọn làm điểm để triển khai thực hiện trước, BĐBP tỉnh Lai Châu đã lựa chọn Đồn Biên phòng Huổi Luông và Ka Lăng làm điểm để rút kinh nghiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện sâu rộng.

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông tuyên truyền đến Nhân dân về Luật Biên phòng Việt Nam. Nguồn: ITN

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông tuyên truyền đến Nhân dân về Luật Biên phòng Việt Nam. Nguồn: ITN

Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản về thực hiện đề án; chỉ đạo 13 Đồn Biên phòng trên cơ sở kế hoạch của Ban Chỉ đạo Đề án cấp tỉnh, kế hoạch của UBND huyện, tham mưu, phối hợp với 22 xã biên giới thuộc 4 huyện: Phong Thổ, Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Mường Tè xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án giai đoạn và hàng năm.

Bên cạnh đó, lực lượng BĐBP phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, chính quyền địa phương biên soạn, in ấn tài liệu pháp luật. Thực hiện Đề án 1371, tính đến tháng 7.2023, đã in và cấp phát 500 đề cương tuyên truyền PBGDPL; hàng nghìn tờ rơi, tờ gấp cho các đồn biên phòng để phục vụ công tác tuyên truyền bảo đảm theo đúng kế hoạch. Các đồn biên phòng đã tiến hành biên soạn 16 đề cương tuyên truyền về nội dung các luật, quy chế, Nghị định của Chính phủ; 22/22 xã biên giới đã có câu lạc bộ tư vấn pháp luật; thành lập được 13 tổ tuyên truyền pháp luật ở các đồn biên phòng; 15/15 cơ quan, đơn vị trong BĐBP tỉnh có tủ sách pháp luật. Các câu lạc bộ hoạt động tích cực phục vụ nhu cầu tư vấn và giải đáp những vấn đề về pháp luật cho 3.203 lượt quần chúng nhân dân trên địa bàn.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác PBGDPL được kiện toàn từ tỉnh đến cơ sở; thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao năng lực hoạt động. Thực hiện Đề án 1371, tính đến tháng 7.2023, BĐBP tỉnh Lai Châu có 33 báo cáo viên pháp luật cấp BĐBP tỉnh và 37 tuyên truyền viên cấp cơ sở. Đặc biệt, với phương châm "gần dân, chăm lo cho dân", Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phân công 19 cán bộ biên phòng tăng cường giữ chức danh Bí thư, phó Bí thư Đảng ủy các xã biên giới; tham gia củng cố 22 đảng bộ xã, bồi dưỡng và đề nghị kết nạp vào Đảng hàng trăm quần chúng ưu tú.

BĐBP Lai Châu còn phối hợp với các cơ quan truyền thông từ Trung ương đến địa phương chủ động xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới với hàng trăm tin, bài, phóng sự đã đăng tải, phát sóng; phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phát sóng 240 chuyên mục "Vì chủ quyền an ninh biên giới"; 84 chuyên đề phổ biến pháp luật...

Đổi mới hình thức, đa dạng mô hình

Để người dân dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện; BĐBP tỉnh luôn đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền với những mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả phù hợp với từng địa bàn;ơn cử như phối hợp tuyên truyền PBGDPL với việc tổ chức Ngày hội Biên phòng toàn dân tại các xã biên giới.

Đại tá Lê Công Thành, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu cho biết: thông qua Ngày hội Biên phòng toàn dân, cán bộ chiến sĩ đã tuyên truyền PBGDPL cho nhân dân về các quy định biên giới nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tinh thần cảnh giác của nhân dân trong tham gia xây dựng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới; qua đó, góp phần tạo khí thế vui tươi, sôi nổi, biểu dương, cổ vũ, động viên đồng bào các dân tộc và lực lượng biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Đồng thời, góp phần thúc đẩy hơn nữa tình đoàn kết quân - dân và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên khu vực biên giới.

Theo ông Lý A Khai, bản Mông 1, xã Pa Tần (huyện Sìn Hồ), những năm qua, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền xã và Đồn Biên phòng, người dân trong bản luôn có ý thức bảo vệ an ninh biên giới. Khi bà con đi làm nương, rẫy nếu phát hiện sự việc bất thường đều báo ngay cho trưởng bản, Bí thư chi bộ hoặc Đồn Biên phòng để kịp thời giải quyết, xử lý; nhiều người dân còn ý thức rất rõ trách nhiệm giữ gìn đường biên, cột mốc biên giới quốc gia, không vi phạm các quy định qua lại biên giới.

Không chỉ tuyên truyền về Luật Biên phòng Việt Nam, các đơn vị BĐBP còn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền các văn bản pháp luật liên quan đến hôn nhân, bình đẳng giới, an toàn giao thông, phòng, chống bạo lực gia đình... với nhiều hình thức sinh động. Điển hình như tại xã Thu Lũm, huyện Mường Tè - khu vực sinh sống chủ yếu của đồng bào các dân tộc La Hủ, Hà Nhì, Dao; cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Thu Lũm đã nghiên cứu, tìm tòi những phương án tuyên truyền tối ưu nhất và hình thức tuyên truyền miệng được lựa chọn.

Theo Thiếu tá Cao Văn Quý, Chính trị viên Đồn Biên phòng Thu Lũm, đây là khu vực mà trình độ dân trí của đồng bào vẫn còn những hạn chế nhất định; một số hủ tục, tập quán lạc hậu vẫn tồn tại trong đời sống của người dân. Vì vậy, để bà con dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, cán bộ chiến sĩ đã đưa ra những ví dụ minh họa cụ thể gắn với đời sống thường ngày; nhờ đó, nhận thức của người dân khu vực biên giới đã dần nâng cao, tác động tới việc thay đổi hành vi.

Để công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào các dân tộc thiểu số đạt hiệu quả cao, BĐBP tỉnh Lai Châu đã sáng tạo ra nhiều hình thức tuyên truyền khác nhau, như triển khai mô hình "Tiếng loa biên phòng" tại 117 tổ tuyên truyền lưu động của BĐBP tỉnh; tuyên truyền vào dịp lễ hội với các hình thức biểu diễn văn hóa, văn nghệ; phát tờ rơi, tờ gấp; tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt tập trung tại thôn, bản. Ngoài ra, BĐBP còn phối hợp cán bộ làm công tác dân tộc, người có uy tín, trưởng thôn tuyên truyền về bài trừ các hủ tục lạc hậu, phòng chống, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS…

Khẳng định Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Lai Châu đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án 1371 với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả; Đại tá Phạm Đức Hoài - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Quốc phòng) đề nghị, BĐBP tỉnh tiếp tục chú trọng xây dựng, củng cố, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật ở các cấp, nhất là đối với cấp cơ sở; phát huy vai trò của đội ngũ người có uy tín, trưởng bản, trưởng dòng họ, trưởng nhóm tôn giáo và thường xuyên quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới.

Cùng với đó, đơn vị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quán triệt, triển khai thực hiện Đề án 1371; thường xuyên sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tuyên truyền, PBGDPL góp phần cùng các lực lượng thực hiện thắng lợi Đề án 1371.

Thảo Mộc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/bo-doi-bien-phong-tinh-lai-chau---cau-noi-truyen-tai-phap-luat-i341728/