Bộ đội biên phòng Việt Nam-Lào tuần tra song phương biên giới
Ngày 27/3, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Savanakhet (Lào) tổ chức tuần tra song phương đoạn biên giới Việt Nam-Lào.
Đội tuần tra phía Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị do Đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng làm Đội trưởng; phía Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Savannakhet (Lào) do Thiếu tướng, Sỉ Thạ Vi Say, Chính ủy phụ trách.
Đội tuần tra biên giới giữa Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Savannakhet đã khắc phục khó khăn về điều kiện thời tiết và địa hình hiểm trở kiểm tra dấu hiệu đường biên giới, kiểm tra tình trạng an toàn của hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào từ khu vực mốc quốc giới 584 đến mốc quốc giới 594; đoạn biên giới trên sông Sê Pôn khu từ mốc quốc giới 606 (1) đến cọc dấu 606/2 + 796m về phía Việt Nam.
Đội tuần tra song phương cùng kiểm tra hệ thống đường biên, cột mốc quốc giới và trao đổi tình hình an ninh trật tự khu vực biên giới; đồng thời tổ chức phát quang đường tuần tra biên giới, làm vệ sinh khu vực xung quanh cột mốc và tuyên truyền, phổ biến cho cư dân hai bên biên giới chấp hành các quy định về biên giới, lãnh thổ, nâng cao ý thức bảo vệ đường biên, mốc quốc giới.
Qua kiểm tra cho thấy, dấu hiệu đường biên giới, các mốc quốc giới được đảm bảo nguyên trạng, không có dấu hiệu xê dịch hay hư hỏng. Nhân dân hai bên biên giới ổn định làm ăn phát triển kinh tế, chấp hành tốt các văn kiện pháp lý về biên giới giữa nước Việt Nam và Lào; có ý thức bảo quản mốc quốc giới.
Quá trình tuần tra không phát hiện các hoạt động xâm canh, xâm cư, khai thác lâm thổ sản trái phép, các hoạt động vi phạm quy chế biên giới trong phạm vi đảm nhiệm.
Tuy nhiên, quá trình tuần tra dọc sông biên giới Sê Pôn từ mốc quốc giới 606(1) đến cọc dấu 606/2 + 796m về phía Việt Nam, Đội tuần tra song phương ghi nhận do ảnh hưởng của đợt mưa, lũ lớn năm 2020 nên bờ sông bị sạt lở đã ảnh hưởng đến dòng chảy và hiện trạng của đường biên giới trên sông Sê Pôn.
Bên cạnh đó, tại khu vực hai bên bờ sông biên giới Sê Pôn tình hình hoạt động, phương thức thủ đoạn của các loại tội phạm phức tạp.Các đối tượng buôn lậu sử dụng phương thức tập kết hàng hóa sát khu vực biên giới về phía Lào với số lượng lớn, lợi dụng đêm tối để xé nhỏ hàng hóa, thuê đò nhỏ vận chuyển qua sông Sê Pôn, sau đó tập kết rải rác ở trong nhà dân ở phía Việt Nam. Khi có cơ hội thuận lợi, các đối tượng sử dụng ô tô gom hàng hóa vận chuyển về nội địa tiêu thụ.
Quá trình tuần tra song phương hai bên đã thể hiện sự đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng, phát huy vai trò trách nhiệm, đảm bảo đúng nội dung, yêu cầu kế hoạch đã ký kết.
Kết thúc buổi tuần tra, hai đơn vị đã rút kinh nghiệm; trao đổi về chủ trương, giải pháp, thống nhất về thời gian, quân số cho lần tuần tra tiếp theo và ký biên bản ghi nhận kết quả tuần tra song phương. Theo đó, hai bên cùng thống nhất sẽ phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng của hai nước tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân khu vực biên giới chấp hành và thực hiện nghiêm Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Lào.
Hai bên thường xuyên phối hợp trong trao đổi thông tin tình hình liên quan đến biên giới, công tác đấu tranh phòng chống các loại đối tượng, tội phạm. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các đường tiểu ngạch, đường mòn, lối mở, trên sông biên giới Sê Pôn, tiếp tục duy trì thường xuyên, phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới của hai bên, xây dựng biên giới đoàn kết, hòa bình, hữu nghị.
Hai bên cũng đã thống nhất tiến hành khảo sát và xây dựng tuyến đường tuần tra dọc bờ sông biên giới Sê Pôn phía Việt Nam và kè chống sạt lỡ bờ sông biên giới Sê Pôn phía Việt Nam từ mốc quốc giới 606(1) đến mốc quốc giới 607(1) với chiều dài khoảng 13km. Trao đổi việc tiến hành phát quang đường thông tầm nhìn biên giới trên đất liên tiếp giáp giữa tỉnh Quảng Trị và tỉnh Savanakhet (do Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị phát quang phía Việt Nam) với chiều dài khoảng 40 km theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 9 Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Lào năm 2016.
Hai bên nhất trí cao việc nâng cấp tuyến đường qua cửa khẩu Tà Rùng - La Cồ và tuyến đường qua lối mở tạm thời A Roòng - Xa Đun nhằm tạo điều kiện giao thương, phát triển kinh tế, xã hội giữa hai tỉnh biên giới.