Bộ đội căng mình phòng, chống dịch nơi rừng sâu
Tháng 7 là mùa mưa ở Nam Bộ nhưng tuyến biên giới thuộc tỉnh Bình Phước vẫn nắng như thiêu như đốt. Trên tuyến đường tuần tra biên giới vắt qua những cánh rừng nguyên sinh thuộc rừng phòng hộ Đắc Mai, Vườn quốc gia Bù Gia Mập (thuộc hai huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập) có hàng chục điểm chốt phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 được duy trì ngày lẫn đêm.
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và Bộ CHQS tỉnh Bình Phước cùng lực lượng dân quân vẫn căng mình với những thách thức, gian khó nơi rừng sâu biên giới.
Chốt chặn nơi rừng sâu gian khó
Khi chúng tôi bày tỏ ý định lên biên giới, Đại tá Bùi Minh Soái, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Bình Phước, chia sẻ:
- Nhiều tháng qua, kể cả sau khi giãn cách xã hội được dỡ bỏ thì các chốt PCD vẫn luôn duy trì chế độ trực như lúc dịch Covid-19 đang cao điểm. Hiện nay, nguy cơ xâm nhập dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn, không thể lơ là. Tỉnh Bình Phước hiện duy trì 62 chốt cố định và 11 chốt cơ động hoạt động 24/24 giờ ở các đường mòn, lối mở... trên tuyến biên giới dài hơn 260km. Các chốt ở hai huyện Bù Đốp và Bù Gia Mập là vất vả, gian khó, thiếu thốn nhất vì anh em phải đóng ở rừng sâu núi thẳm, thác ghềnh hiểm trở. Các chốt PCD dã chiến đều lập ở những vị trí bị biệt lập, điểm "nóng", nhưng được bố trí liên hoàn bảo đảm khép kín toàn tuyến biên giới.
Gian khó, thiếu thốn rất nhiều nhưng không làm chùn bước các lực lượng canh phòng dịch và bảo vệ biên giới. Trên đường tuần tra chạy theo tuyến sông Đăk Huýt, xuyên qua những cánh rừng nguyên sinh, chúng tôi gặp các chốt PCD khi thì nằm chênh vênh bên dòng sông, chỗ thì ở bìa rừng, nơi đầu cầu qua sông, các ngầm cạn... Có chốt chỉ cách đồn biên phòng chừng 1-2km nhưng công tác chỉ huy, điều hành đều phải bằng liên lạc chạy chân vì không có sóng điện thoại. Khó nhất là những cơn mưa đầu mùa, cây rừng gãy đổ chặn ngang đường khiến việc tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm cho các chốt gặp nhiều khó khăn. Tại đoạn biên giới thuộc huyện Bù Đốp do Đồn Biên phòng Hoàng Diệu quản lý có 4 điểm chốt PCD. Mùa này sông Măng cạn nước nên như tạo thêm điều kiện cho việc xâm nhập qua lại trái phép ở biên giới. Lực lượng phối hợp của đồn và Ban CHQS huyện Bù Đốp phải tổ chức tuần tra, canh trực 24/24 giờ trong ngày.
Chúng tôi được cán bộ Đồn Biên phòng Hoàng Diệu dẫn theo lối mòn xuyên qua rừng trong đêm đen để đến điểm chốt PCD số 3 ở ngầm Bà Huệ. Trời càng về khuya, nhiệt độ càng xuống thấp. Điểm chốt được dựng dã chiến dưới những tán cây rừng, không có điện, không có sóng điện thoại và không có nước sinh hoạt. Các chiến sĩ ở điểm chốt này đón chúng tôi rất thân thiện. Anh em cho biết, khó khăn nhất là phải đối mặt với nhiều mối hiểm nguy từ các loài vật, côn trùng như: Rắn, rết, bò cạp, muỗi, vắt... Cách đây ít hôm, các chiến sĩ đã phát hiện một con rắn cạp nong chui vào khoanh mình trong ba lô của một chiến sĩ.
Nỗ lực vượt gian nan, thử thách
Trong câu chuyện với cán bộ, chiến sĩ, chúng tôi được biết có cán bộ phải hoãn lễ ăn hỏi đến 3 lần vì phải trực phòng dịch. Đó là Trung úy Lê Thanh Tiến, Trưởng chốt PCD số 3, Đồn Biên phòng Hoàng Diệu, quê ở tỉnh Gia Lai. Anh tâm sự: "Đơn vị phát động PCD Covid-19 với phương châm “chống dịch như chống giặc” nên việc tạm hoãn chuyện riêng tư để bám chốt, tuần tra PCD, bảo vệ biên giới của tôi cũng là chuyện bình thường. Dù việc cưới vợ đành chậm lại nhưng tôi rất yên tâm vì được vợ sắp cưới và gia đình hai bên hiểu, thông cảm...".
Chúng tôi đi dọc tuyến biên giới từ huyện Bù Đốp xuyên qua những cánh rừng, đèo dốc để đến huyện Bù Gia Mập. Cũng như chốt PCD số 3 ở ngầm Bà Huệ, ai cũng thấy cán bộ, chiến sĩ BĐBP và dân quân đều chung quyết tâm, đồng cam cộng khổ nơi rừng sâu. Đại úy Nguyễn Trường Sơn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hoàng Diệu, chia sẻ: “Đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan và Trạm Kiểm soát Cửa khẩu Lapakhe làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm dịch y tế theo đúng quy định của pháp luật. Đồn cũng chủ trì, phối hợp với dân quân hai xã Phước Thiện và Hưng Phước thành lập 4 chốt cố định, mỗi chốt có 5 người, trong đó có 3 chiến sĩ biên phòng và 2 dân quân. Mọi sinh hoạt của anh em đều trong căn lều bạt dã chiến. Ấy thế nhưng các chốt vẫn tổ chức nuôi gà, trồng các loại rau xanh để tự cải thiện bữa ăn hằng ngày. Hai tháng qua, đồn đã tổ chức tuần tra, kiểm soát 117 lần, với 628 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia, ngăn chặn hiệu quả mọi hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, không để dịch lây lan qua biên giới, cửa khẩu.
Theo Trưởng chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa (huyện Bù Đốp) Nguyễn Trọng Khải, nhằm bảo đảm PCD Covid-19 hiệu quả, lực lượng dân quân đã cùng với Đồn Biên phòng Thanh Hòa thành lập 4 chốt PCD cố định trên tuyến biên giới dài 5,8km, tổ chức tuần tra, kiểm soát. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, lực lượng dân quân ở các chốt cùng với BĐBP đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vi phạm, trong đó có 2 vụ buôn lậu thuốc lá, 1 vụ trộm cắp xe máy và 1 vụ buôn lậu khẩu trang. Trong tháng 6, lực lượng dân quân phối hợp với biên phòng tạm giữ 6 đối tượng qua lại biên giới trái phép, bàn giao cho cơ sở cách ly của huyện Bù Đốp.
Hiện nay, UBND tỉnh Bình Phước và LLVT tỉnh đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tăng cường kiểm soát khu vực biên giới, nâng cao hiệu quả PCD. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Phùng Mạnh Lý, Trưởng ban Dân quân, Bộ CHQS tỉnh Bình Phước chia sẻ: Nhằm khắc phục những khó khăn, nhất là khi Nam Bộ đã vào mùa mưa, Bộ CHQS tỉnh đã cùng với BĐBP tỉnh và các đơn vị phối hợp triển khai củng cố, xây dựng lại các chốt PCD vững chãi hơn, trang bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm. Bên cạnh công tác chỉ đạo, bảo đảm về hậu cần còn huy động hệ thống chính trị ở cơ sở cùng tham gia hỗ trợ nâng cao đời sống văn hóa-tinh thần, chăm lo, động viên, hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ ở các điểm chốt PCD, chốt dân quân ở biên giới.
Với sự quyết tâm cao của LLVT và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở cơ sở, vùng phên giậu của Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Bình Phước sẽ luôn vững chắc, dịch sẽ được ngăn chặn nhờ các chốt PCD như một lá chắn liên hoàn một dải biên cương.