Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình:Hình tượng giàu cảm hứng
Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là 'mảnh đất' bất tận cho văn học, nghệ thuật khai thác. Nếu như trước đây, những tác phẩm về chiến tranh hay cuộc sống thời hậu chiến xuất hiện nhiều thì bây giờ, hình tượng về Bộ đội Cụ Hồ trong thời bình, các lực lượng quân đội đang rèn luyện, chiến đấu, lao động, sản xuất, tham gia nhiệm vụ quốc tế được khai thác nhiều hơn, mở ra những góc nhìn chân thực cho công chúng và truyền cảm hứng cho văn nghệ sĩ.
Đa diện hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ
Bộ phim truyền hình “Không thời gian” phát sóng trên kênh VTV1 đang thu hút đông đảo khán giả. Tác phẩm do Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Danh Dũng đạo diễn, khắc họa chân dung Bộ đội Cụ Hồ ở các thời kỳ, đặc biệt là hình ảnh những chiến sĩ hôm nay - trong thời bình, phải đối mặt với nhiều hiểm nguy từ thiên tai, dịch bệnh, để bảo vệ nhân dân. Trong đó, nhân vật Trung tá Lê Nguyên Đại do diễn viên Mạnh Trường thủ vai cùng đồng đội của anh, đã chạm tới trái tim người xem qua những phân đoạn cứu dân trong bão lũ đầy cảm xúc.
Cũng là một tác phẩm điện ảnh, bộ phim tài liệu “Cha con người lính” được Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện cho thấy một góc nhìn khác về chiến sĩ quân đội thời bình. Qua ký ức, câu chuyện của những gia đình quân nhân, bộ phim phác thảo nên bức tranh về truyền thống lịch sử quân sự của Việt Nam từ năm 1944-2024. Ở đó, khán giả được chứng kiến những gia đình có 3 thế hệ là quân nhân, hay có gia đình 3 bố con là phi công tiêm kích. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước lập chiến công, phục vụ nhân dân. Đó là biểu tượng cho một gia đình lớn - gia đình dân tộc Việt Nam với truyền thống yêu nước hào hùng.
Trong tháng 12 này, vở nhạc kịch “Khát vọng đỏ” do Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội và Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam thực hiện, đã ra mắt khán giả. Đây là vở nhạc kịch hiếm hoi chọn khắc họa hình tượng Bộ đội Cụ Hồ thời bình. Thông qua chuyện gia đình nhân vật Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng An, vở nhạc kịch phản ánh những vấn đề bức thiết đang đặt ra với những trí thức đang công tác trong quân đội, như lý tưởng sống, quan niệm về sự cống hiến, ý thức về trách nhiệm xã hội... Với hình thức nhạc kịch broadway thời thượng, tác phẩm dễ tiếp cận với nhiều đối tượng khán giả. Còn vở kịch nói “Biển ở trong bờ” do Nhà hát Kịch Hà Nội dàn dựng, đã khai thác góc nhìn độc đáo về những người lính đảo tham gia chống tham nhũng, bảo vệ chính nghĩa…
Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, nhiều tác phẩm ghi lại khoảnh khắc rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hỗ trợ, bảo vệ nhân dân của lực lượng quân đội, tạo ấn tượng với công chúng. Có thể kể đến như cuốn sách ảnh “Hành trình cùng lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á, bộ ảnh “Bộ đội chạy đua với thời gian, tìm kiếm nạn nhân mất tích ở thôn Làng Nủ (tỉnh Lào Cai)” của tác giả Phạm Bằng, “Nụ cười trong đại địa chấn Thổ Nhĩ Kỳ” của tác giả Trần Thành Đạt…
Trong văn học, nhiều tác phẩm thơ, văn sâu sắc ra đời, đã phản ánh đa diện về lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam hôm nay, như tiểu thuyết “Muối của đảo” (Hà Đình Cẩn), trường ca “Ngang qua bình minh” (Lữ Mai), bút ký “Tôi đi Trường Sa” (Đinh Phương), thơ “Lính xanh” (Nguyễn Quang Hưng)…
Khai thác tinh thần vì dân quên mình
Gần đây, văn học, nghệ thuật có thêm nhiều tác phẩm phản ánh được tâm tư, tình cảm, ý chí, nhịp sống của chiến sĩ hôm nay, qua đó truyền cảm hứng, cổ vũ mọi người tôn trọng và gìn giữ những giá trị truyền thống, hướng tới lý tưởng cao đẹp, hoài bão lớn cùng khát vọng cống hiến, sáng lên tinh thần dấn thân vì sự bình yên của Tổ quốc, vì sự ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Phóng viên ảnh Phạm Bằng (Báo Lào Cai) chia sẻ: “Công tác ở địa phương thường xuyên xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét, tôi đã nhiều lần bám sát quân đội tham gia giúp bà con vùng thiên tai. Cùng ăn, cùng ở với bộ đội mới thấy tình quân dân thật sâu đậm. Quân đội trong thời bình vẫn là chỗ dựa cho người dân vượt qua những thời khắc gian khó nhất”.
Vào vai Trung tá Lê Nguyên Đạt trong phim truyền hình “Không thời gian”, diễn viên Mạnh Trường kể, những ngày đầu tham gia bộ phim, anh phải hóa trang để giống quân nhân chuyên nghiệp, nhưng sau đó không cần nữa. “Qua một thời gian được sinh hoạt, tiếp cận cuộc sống của các chiến sĩ và hóa thân vào nhân vật, tôi càng hiểu hơn về lực lượng quân đội, cảm phục sự dũng cảm và những hy sinh thầm lặng của họ. Tôi thấy mình cần đào sâu vai diễn để góp phần truyền tải hình ảnh người lính Cụ Hồ hôm nay chân thực, giúp mọi người hiểu hơn, thêm quý trọng bộ đội”, diễn viên Mạnh Trường chia sẻ.
Theo nhà viết kịch Lê Quý Hiền, bộ đội thời bình cũng mang trong mình tình yêu nước, lòng quả cảm, không hề chùn bước trước hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh thân mình để bảo vệ tính mạng của người dân trước thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, do đặc thù của quân đội, ngoài những hình ảnh bộ đội giúp dân trong thiên tai, dịch họa thì các hoạt động quân sự khác không phải tác giả nào cũng tiếp cận được. Ngoài tự đào sâu, tìm hiểu, nghiên cứu, văn nghệ sĩ rất cần được tạo điều kiện thâm nhập thực tế, tham gia các hoạt động của quân đội để có chất liệu chân thực cho sáng tác.
Trung tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) cũng nhận định, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới đã được khai thác trong văn học, nghệ thuật nhưng chưa nhiều. Quân đội ta trong thời bình cũng đối mặt với cam go, vất vả không kém thời chiến và rất cần được phản ánh trong những tác phẩm văn học, nghệ thuật chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu công chúng hiện nay. Các đơn vị, lực lượng trong quân đội sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ sáng tác và công bố tác phẩm.