Huyện Phú Xuyên mong muốn sớm hồi sinh làng nghề giấy dó An Cốc

Trong tâm thức của người dân Hà Nội, làng An Cốc, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên được ví như chốn tổ của nghề giấy dó, nhưng với sự xuất hiện của sản phẩm giấy những năm 1990 do các nhà máy giấy hiện đại sản xuất khiến giấy dó ở làng An Cốc bị mai một…

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy nêu quan điểm của địa phương tại buổi hội thảo khoa học, sáng 22/12

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy nêu quan điểm của địa phương tại buổi hội thảo khoa học, sáng 22/12

Sản phẩm mang đậm giá trị văn hóa

Để nghề làm giấy dó truyền thống của làng An Cốc không bị mai một, sáng 22/12, Tạp Chí Cộng sản cùng UBND huyện Phú Xuyên tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nghề giấy dó cổ truyền và giá trị văn hóa nghề giấy dó cổ truyền khu vực TP Hà Nội”.

Dự hội thảo có các Giáo sư, Tiến sỹ, nhà khoa học thuộc lĩnh vực này.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho biết, làng An Cốc thuở trước được mệnh danh là chốn tổ của nghề làm giấy dó. Những vị bô lão trong làng An Cốc không ai biết chính xác nghề làm giấy dó có từ khi nào, bởi những lớp nghệ nhân từ thời này sang thời khác truyền miệng rằng làng tôn thờ vị tổ nghề làm giấy.

Cũng như cư dân nhiều làng nghề khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, người dân An Cốc xưa vừa duy trì sản xuất nông nghiệp và cả nghề làm giấy. Việc chọn nguyên liệu là kết quả của cả quá trình tích lũy kinh nghiệm. Ban đầu, dân làng An Cốc chủ yếu sử dụng các loại lau sậy mọc ở vùng sình lầy châu thổ sông Hồng để làm giấy, sau này dân làng sử dụng nguyên liệu chính là cây dó mua từ tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên vận chuyển về địa phương theo đường sông.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu ý kiến tại hội thảo khoa học

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản phát biểu ý kiến tại hội thảo khoa học

Việc làm giấy chủ yếu bằng phương pháp thủ công, đòi hỏi sự cẩn thận trong từng công đoạn. Cây dó sau khi mang về được phân loại, cắt thành từng phần để sản xuất ra nhiều loại giấy khác nhau.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, sau khi cắt, dó được bó lại, ngâm dưới ao khoảng 3 ngày, vớt lên để ráo nước, rồi đem nhúng với nước vôi hòa muối. Khi dó nhũn đem đập rồi cho vào vạc nấu chín trong vài ngày cho đến lúc có mùi thơm của dó bốc lên, người thợ đổ “men” vào, tắt lửa để thêm vài hôm, sau đó dó được dỡ ra, rửa sạch. Người thợ lấy dao bóc lớp vỏ đen bên ngoài đi, lấy chân vò như vò lúa để bong hết vảy đen, đem phơi nắng trong ngày, đến chiều thu lại, rũ một lần nữa cho sạch vảy đen. Hôm sau, dó được mang ra sông rũ, đãi sạch bằng rổ, rồi đem về ngâm trong nước mưa, khi thấy có mùi thum thủm thì đem ra giã, kết thúc công đoạn sơ chế.

Công đoạn giã dó rất vất vả, cần sự phối hợp giữa những người thợ. Dó sau công đoạn sơ chế được cho vào cối đá để giã. Khi giã, cần 3 - 4 người dậm chày và một người cho dó vào cối. Khi dó nhuyễn thành bột, quánh, mịn như bánh dày thì cho ra rá đem đãi để phân loại bột và xơ. Sau đó bột được đem ngâm trong tàu xeo (bể nước). Trước khi xeo, người dân cho vào tàu xeo nước nhớt chế từ cây mò giúp bột dó kết lại với nhau thành giấy. Khuôn xeo có kích thước bằng tờ giấy cần làm, được trải tấm mành bằng tăm cây trúc ken dày (gọi là liềm xeo). Người thợ dùng liềm xeo chao đi, chao lại trong tàu xeo để bột dó tráng đều một lớp mỏng trên liềm xeo.

Giấy trên liềm xeo ráo nước được bóc ra xếp chồng lên nhau, mang ép cho kiệt nước trên bàn gỗ. Chồng giấy sau khi ép kiệt nước được bóc cẩn thận từng tờ, dán lên phên. Sau đó đến công đoạn can giấy rồi đem phơi khô, lột từng tờ, để nạo mép và góc tờ giấy cho vuông vắn xếp lên nhau, đóng gói trước khi đưa ra thị trường.

Thạc Sỹ Nghiêm Xuân Mừng - chuyên ngành Văn hóa học (Học viện Hành chính Quốc gia) nêu ý kiến

Thạc Sỹ Nghiêm Xuân Mừng - chuyên ngành Văn hóa học (Học viện Hành chính Quốc gia) nêu ý kiến

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà chia sẻ, nhờ phương thức sản xuất thủ công, cầu kỳ, công cụ lao động chủ yếu là tre, gỗ và dùng ánh sáng tự nhiên để làm khô giấy, đặc tính của nguyên liệu xốp nhẹ, không có độ axít nên giấy dó An Cốc đẹp, dai, không bị nhòe khi viết, không bị mối mọt, nhẹ và có độ bền cao, tuổi thọ hàng trăm năm.

Giấy An Cốc phong phú về chủng loại, đẹp về hình thức, bền dai, nên khách hàng ưa chuộm, tuy nhiên, vì nhiều lý do nên từ đầu những năm 1990 trở lại đây, cùng với các loại giấy cao cấp nhập ngoại, sự xuất hiện của các sản phẩm giấy do nhà máy giấy hiện đại như Bãi Bằng, Trúc Bạch sản xuất khiến giấy An Cốc không đủ sức cạnh tranh.

Nhu cầu dùng giấy để gói hàng, làm pháo ngày càng ít đi dẫn đến An Cốc đánh mất thị trường tiêu thụ, nghề truyền thống trở nên ảm đạm, mai một. Lớp trẻ chỉ thấy nghề qua ngày hội làng tổ chức từ ngày 9 - 10 tháng Giêng hàng năm. Mặc dù nghề làm giấy không còn được duy trì nhưng dấu ấn văn hóa của làng nghề làm giấy An Cốc vẫn còn đậm nét.

Ông Nguyễn Văn Bảo - Chủ tịch chi hội di sản văn hóa Phúc Lợi (Hội di sản văn hóa Việt Nam) nêu quan điểm

Ông Nguyễn Văn Bảo - Chủ tịch chi hội di sản văn hóa Phúc Lợi (Hội di sản văn hóa Việt Nam) nêu quan điểm

Không để mai một nghề giấy dó

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh, hiện nay với nhiều yếu tố, làng An Cốc có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực con người dựng lại mô hình tạo ra được những sản phẩm giấy dó của làng nghề để minh chứng giá trị sản phẩm văn hóa truyền thống lịch sử từ hàng trăm năm qua không bị mai một.

TS Nguyễn Quốc Pháp chia sẻ, nhận thức được tầm quan trọng của làng nghề truyền thống, trong đó có làng nghề giấy dó, những năm qua, TP Hà Nội đã ban hành và triển khai chủ trương, chính sách khôi phục, phát triển nghề, làng nghề truyền thống nhằm thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa làng nghề, công nghiệp văn hóa. Cụ thể, như xây dựng đề án khôi phục, phát huy giá trị văn hóa nghề giấy dó cổ truyền ở Hà Nội phục vụ phát triển du lịch (qua trường hợp làng An Cốc, xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên) do UBND TP phê duyệt triển khai, bước đầu cụ thể hóa những chủ trương, chính sách mang tính thực tiễn.

Đây chính là tiền đề, cơ sở để Đảng bộ, UBND huyện Phú Xuyên sớm nghiên cứu ban hành chủ trương, chính sách nhằm đánh thức, phục dựng và phát huy tiềm năng của nghề giấy dó truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững. Việc bảo tồn rất cần đến sự đồng hành không chỉ của nhà nước mà còn cần đến sự hỗ trợ của người dân.

Đại diện lãnh đạo UBND xã Hồng Minh phát biểu ý kiến đề xuất

Đại diện lãnh đạo UBND xã Hồng Minh phát biểu ý kiến đề xuất

Theo ông Nguyễn Văn Bảo - Chủ tịch chi hội di sản văn hóa Phúc Lợi (Hội di sản văn hóa Việt Nam), để hồi sinh giá trị văn hóa làng nghề giấy dó An Cốc phục vụ phát triển du lịch văn hóa làng nghề, Phú Xuyên cần có giải pháp mang tính khả thi, nghiên cứu tổng thể đánh giá thực trạng, giá trị văn hóa làng nghề giấy dó An Cốc; tiềm năng khôi phục và phát huy giá trị văn hóa. Qua đó, cung cấp những luận chứng, luận cứ để TP và huyện Phú Xuyên có chủ trương, giải pháp đầu tư hiệu quả. Điều này, mặc dù đã và đang được triển khai nhưng cần tập trung nguồn lực, sớm mang lại kết quả. Xây dựng đề án cụ thể nhằm khôi phục, phát huy giá trị văn hóa làng nghề giấy dó An Cốc phục vụ phát triển du lịch.

Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Quỳnh cho biết, việc bảo tồn giá trị văn hóa làng nghề truyền thống trên địa bàn nói chung và nghề giấy dó thôn An Cốc nói riêng luôn được huyện quan tâm, đầu tư, duy trì gìn giữ không để bị mai một. Do vậy, huyện sẽ tiếp tục quan tâm khôi phục nghề giấy dó nhằm giữ gìn bản sắc văn hóa.

Theo Bí thư Chi bộ thôn An Cốc Hoàng Thế Dương, nghề làm giấy dó đã nuôi sống nhiều thế hệ từ những năm 1990, tuy nhiên do điều kiện khách quan khiến nghề giấy dó bị mai một. Đến nay, người dân địa phương mong muốn chính quyền địa phương quan tâm, đầu tư để duy trì gìn giữ nghề giúp người dân có việc làm ổn định tại quê hương.

Quang cảnh buổi hội thảo khoa học sáng 22/12

Quang cảnh buổi hội thảo khoa học sáng 22/12

Thạc Sỹ Nghiêm Xuân Mừng - chuyên ngành Văn hóa học (Học viện Hành chính Quốc gia) cho rằng, việc bảo tồn nghề làm giấy dó thôn An Cốc không chỉ là yếu tố văn hóa mà nó còn là hướng tới để phát triển lĩnh vực du lịch làng nghề mang tính bền vững. Do vậy việc bảo tồn nghề giấy dó là việc làm cấp thiết hiện nay.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, UBND huyện Phú Xuyên cùng UBND xã Hồng Minh và thôn An Cốc cần cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Thành ủy, UBND TP Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa, khôi phục và phát huy giá trị văn hóa làng nghề truyền thống phục vụ du lịch.

Từ những đề xuất tại hội thảo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy khẳng định, Huyện sẽ ban hành chủ trương cụ thể để tạo khuôn khổ pháp lý, kêu gọi đầu tư nguồn lực, triển khai hiệu quả đề án khôi phục và phát huy giá trị văn hóa làng nghề giấy dó An Cốc. Cùng với đó, chính quyền các cấp, đơn vị đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng bộ dữ liệu văn hóa làng nghề giấy dó An Cốc.

Mục tiêu hướng tới xây dựng các tuyến du lịch văn hóa làng nghề kết nối làng nghề An Cốc với những làng nghề của nhiều địa phương trên địa bàn huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Thường Tín... nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch văn hóa làng nghề hấp dẫn, làm cơ sở xây dựng và triển khai các tour du lịch văn hóa làng nghề các huyện ở phía nam Hà Nội.

Công Tâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/huyen-phu-xuyen-mong-muon-som-hoi-sinh-lang-nghe-giay-do-an-coc.html