Bộ đội Đặc công Cụ Hồ – 50 năm mở đường, giữ nước: Mũi nhọn xung kích

Bí mật, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm – những nguyên tắc làm nên thương hiệu đặc công vẫn tiếp tục được phát huy, khẳng định vị thế 'quả đấm thép' của Quân đội ta.

Đại tá Đào Xuân Dũng - Lữ đoàn trưởng 429 chỉ huy rèn luyện toàn quân trên thao trường ở Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN

Đại tá Đào Xuân Dũng - Lữ đoàn trưởng 429 chỉ huy rèn luyện toàn quân trên thao trường ở Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN

Từ trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên - cội nguồn của cách đánh đặc công, đến những chiến công hiển hách trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bảo vệ Tổ quốc, Lữ đoàn Đặc công Bộ 429 luôn là lực lượng tinh nhuệ, đi đầu trong nhiều trận đánh then chốt. Bí mật, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm – những nguyên tắc làm nên thương hiệu đặc công vẫn tiếp tục được phát huy, khẳng định vị thế “quả đấm thép” của Quân đội ta.

Những trận tập kích táo bạo

Lữ đoàn Đặc công Bộ 429 là một trong những đơn vị đặc công chủ lực của miền Đông Nam Bộ trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Ngay từ những ngày đầu thành lập, đơn vị đã lập chiến công vang dội, khẳng định vai trò mũi nhọn trong các trận đánh then chốt. Kể về những trận đánh hào hùng ấy của Lữ đoàn 429, Đại tá Hoàng Văn Số, Chính ủy Lữ đoàn đã "truyền lửa" cho các thế hệ sau bằng những câu chuyện chiến đấu đầy khí phách và tự hào.

Rạng sáng 26/2/1969, chỉ vài ngày sau khi ra đời, Lữ đoàn Đặc công Bộ 429 phối hợp cùng Tiểu đoàn 28 (Sư đoàn 7) và lực lượng pháo binh Miền mở cuộc tập kích quy mô lớn vào căn cứ Đồng Dù – hậu cứ kiên cố của Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ tại Củ Chi. Nằm ở vị trí chiến lược phía Tây Bắc Sài Gòn, Đồng Dù được quân Mỹ xem là lá chắn quan trọng bảo vệ thủ phủ Ngụy quyền. Căn cứ này được xây dựng vững chắc với 12 lớp hàng rào thép gai, hàng trăm lô cốt, xe tăng, trận địa pháo và lực lượng tuần tra dày đặc. Nhưng dù kiên cố đến đâu, quân thù vẫn có điểm yếu và đặc công Việt Nam đã tìm ra điều đó.

Rạng sáng ngày 26/2/1969, chỉ vài ngày sau khi ra đời, Lữ đoàn Đặc công 429 phối hợp cùng Tiểu đoàn 28 (Sư đoàn 7) và lực lượng pháo binh Miền mở cuộc tập kích quy mô lớn vào căn cứ Đồng Dù – hậu cứ kiên cố của Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ tại Củ Chi. Ảnh tư liệu TTXVN

Rạng sáng ngày 26/2/1969, chỉ vài ngày sau khi ra đời, Lữ đoàn Đặc công 429 phối hợp cùng Tiểu đoàn 28 (Sư đoàn 7) và lực lượng pháo binh Miền mở cuộc tập kích quy mô lớn vào căn cứ Đồng Dù – hậu cứ kiên cố của Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ tại Củ Chi. Ảnh tư liệu TTXVN

Sau thời gian dài trinh sát, các chiến sĩ đặc công xác định được những sơ hở trong hệ thống phòng thủ của địch. Đêm 25/2, đội hình chia thành 7 mũi tiến công, bí mật tiếp cận căn cứ. Lợi dụng đêm tối và địa hình phức tạp, các chiến sĩ đặc công luồn sâu qua hệ thống rào thép, tiếp cận các mục tiêu trọng yếu mà không để lộ dấu vết.

Đúng 2 giờ 45 phút 26/2/1969, khi căn cứ địch vẫn chìm trong màn đêm, tín hiệu tấn công được phát ra. Các mũi tiến công đồng loạt khai hỏa, bất ngờ đánh thẳng vào Sở Chỉ huy Sư đoàn 25, khu thông tin, sân bay, kho tàng, trận địa pháo. Những quả bộc phá chính xác phá tung lô cốt, kho đạn bốc cháy ngùn ngụt, tiếng súng cối, B40 vang rền khắp trận địa. Lính Mỹ hoảng loạn, phản ứng chậm chạp trước đòn đánh chớp nhoáng của đặc công Việt Nam.

Sau hơn một giờ chiến đấu, quân ta gây thiệt hại nặng nề cho địch: Tiêu diệt hơn 1.000 lính Mỹ, phá hủy 50 máy bay, 176 xe quân sự, 12 khẩu pháo, nhiều kho đạn và xăng dầu. Khi các đơn vị đặc công rút lui an toàn, pháo binh ta tiếp tục bắn bồi, dội đạn vào căn cứ, khiến Đồng Dù chìm trong biển lửa, tổn thất của địch càng thêm nặng nề.

Chiến thắng vang dội này không chỉ giáng một đòn mạnh vào quân Mỹ mà còn làm lung lay hệ thống phòng thủ của địch tại miền Đông Nam Bộ.

Sau trận Đồng Dù, Đặc công 429 tiếp tục lập chiến công vang dội tại hậu cứ Dầu Tiếng năm 1971. Đây là căn cứ quân sự trọng yếu, được phòng thủ nghiêm ngặt với nhiều lớp công sự và lính gác tuần tra liên tục. Để đột nhập, các chiến sĩ đặc công phải luồn lách qua hào sâu, bãi mìn, tận dụng địa hình để tiếp cận mục tiêu. Đêm 19/6/1971, Tiểu đoàn 13 của Lữ đoàn 429 áp sát căn cứ. Đúng 2 giờ 10 phút, khi quân địch còn chìm trong giấc ngủ, đặc công đồng loạt đánh vào sở chỉ huy, khu thông tin, trận địa pháo. Địch hoảng loạn, chưa kịp phản ứng đã bị đánh gục. Chỉ trong vài giờ, hơn 400 tên địch bị tiêu diệt, 16 lô cốt bị phá hủy, hậu cứ Dầu Tiếng hoàn toàn bị xóa sổ.

Rạng sáng ngày 26/2/1969, chỉ vài ngày sau khi ra đời, Lữ đoàn Đặc công 429 phối hợp cùng Tiểu đoàn 28 (Sư đoàn 7) và lực lượng pháo binh Miền mở cuộc tập kích quy mô lớn vào căn cứ Đồng Dù – hậu cứ kiên cố của Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ tại Củ Chi. Ảnh tư liệu TTXVN

Rạng sáng ngày 26/2/1969, chỉ vài ngày sau khi ra đời, Lữ đoàn Đặc công 429 phối hợp cùng Tiểu đoàn 28 (Sư đoàn 7) và lực lượng pháo binh Miền mở cuộc tập kích quy mô lớn vào căn cứ Đồng Dù – hậu cứ kiên cố của Sư đoàn 25 bộ binh Mỹ tại Củ Chi. Ảnh tư liệu TTXVN

Mùa khô năm 1973, căn cứ Bù Bông (nay thuộc Bình Phước) trở thành trọng điểm phòng thủ của địch, án ngữ tuyến đường chiến lược 14. Được bảo vệ kiên cố với công sự dày đặc, hàng rào thép gai và lính tuần tra liên tục, Bù Bông được xem là “lá chắn thép” của địch ở miền Đông Nam Bộ. Sau nhiều ngày trinh sát, lực lượng Đc công 429 lên kế hoạch tập kích. Đêm 3/11, các tổ chiến đấu âm thầm tiếp cận mục tiêu. Nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc công đã mở 7 cửa tiến vào mà không bị phát hiện. Đúng 3 giờ 15 phút, sáng 4/11, hàng loạt bộc phá đồng loạt xé toang màn đêm, đánh thẳng vào sở chỉ huy, trận địa pháo, kho đạn. Sau 13 giờ giao tranh, quân ta làm chủ hoàn toàn căn cứ, tiêu diệt hơn 600 tên địch, bắt sống hàng trăm tên, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh.

Thất bại tại Bù Bông khiến địch dồn lực lượng về Chi khu Kiến Đức, tăng cường xe tăng, pháo binh và công sự kiên cố. Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định giao nhiệm vụ cho đặc công đánh vào Kiến Đức. Đêm 3/12, các tổ đặc công bí mật gỡ mìn, cắt rào, mở đường cho đồng đội tiếp cận. Khi tiếng lệnh khai hỏa vang lên, quân ta đồng loạt đánh thẳng vào sở chỉ huy, kho đạn, trận địa pháo. Sau hơn 10 giờ giao tranh, Đặc công 429 cùng các đơn vị phối hợp làm chủ hoàn toàn Chi khu Kiến Đức, tiêu diệt 350 tên địch, phá hủy nhiều công sự phòng thủ. Thắng lợi này góp phần tạo bàn đạp chiến lược cho chiến dịch giải phóng Phước Long sau này. Những chiến công hiển hách của Lữ đoàn Đặc công Bộ 429 không chỉ khẳng định sự tinh nhuệ, táo bạo của đặc công Việt Nam mà còn để lại bài học sâu sắc về nghệ thuật tác chiến. Đây là những dấu mốc quan trọng góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Chiến binh thép

Các chiến sĩ đặc công thuộc Lữ đoàn Đặc công Bộ 429 được huấn luyện là lực lượng tinh nhuệ, đi đầu trong nhiều trận đánh then chốt. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN

Các chiến sĩ đặc công thuộc Lữ đoàn Đặc công Bộ 429 được huấn luyện là lực lượng tinh nhuệ, đi đầu trong nhiều trận đánh then chốt. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN

Ra đời trong lửa đạn chiến tranh, Lữ đoàn Đặc công Bộ 429 không chỉ là một đơn vị chiến đấu mà còn là biểu tượng của nghệ thuật tác chiến đặc công Việt Nam. Ngày 4/2/1969, tại chiến khu Dương Minh Châu (Tây Ninh), trước yêu cầu cấp bách của chiến trường miền Đông Nam Bộ, Bộ Tư lệnh Miền quyết định thành lập Trung đoàn Đặc công Bộ 429 – tiền thân của Lữ đoàn ngày nay. Đây là đơn vị đặc công cơ động đầu tiên của miền Đông, mang trên vai sứ mệnh đặc biệt: độc lập tác chiến, đột nhập sâu vào lòng địch, tiêu diệt những mục tiêu quan trọng, phá vỡ hệ thống phòng thủ kiên cố của quân thù.

Hiện nay, lữ đoàn đóng quân tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương nhưng hơn nửa thế kỷ trước, những người lính đầu tiên của đơn vị đã hành quân xuyên rừng, huấn luyện trong điều kiện gian khổ, vừa học tập vừa bước ngay vào thực chiến. Chỉ sau thời gian ngắn thành lập, đơn vị đã lập nên những chiến công vang dội. Các trận đánh tiêu biểu như Đồng Dù (1969), tiêu diệt hậu cứ Dầu Tiếng (1971), san phẳng căn cứ Bù Bông (1973), đập tan tuyến phòng thủ Chi khu Kiến Đức (1973)… khiến quân địch khiếp sợ, đồng thời góp phần làm thay đổi cục diện chiến trường miền Đông.

Đại tá Đào Xuân Dũng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Đặc công Bộ 429 khẳng định: "Bộ đội đặc công luôn giữ vững tinh thần thép, phát huy lối đánh linh hoạt, bí mật, bất ngờ. Mỗi trận đánh là bài học quý về nghệ thuật chiến đấu, giúp thế hệ hôm nay tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang".

Tháng 4/1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Lữ đoàn Đặc công Bộ 429 tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ then chốt. Đặc công lặng lẽ đột nhập nội đô, vô hiệu hóa các mục tiêu trọng yếu như kho xăng, sân bay, hệ thống liên lạc địch. Trong thời khắc quyết định, họ mở đường cho đại quân tiến vào Sài Gòn, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975.

Lữ đoàn Đặc công Bộ 429 luôn là lực lượng tinh nhuệ, đi đầu trong nhiều trận đánh then chốt nên được huấn luyện cách đánh bí mật, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm – những nguyên tắc làm nên thương hiệu đặc công. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN

Lữ đoàn Đặc công Bộ 429 luôn là lực lượng tinh nhuệ, đi đầu trong nhiều trận đánh then chốt nên được huấn luyện cách đánh bí mật, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm – những nguyên tắc làm nên thương hiệu đặc công. Ảnh: Dương Chí Tưởng-TTXVN

Với những đóng góp xuất sắc, Lữ đoàn Đặc công Bộ 429 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đơn vị có 8 cá nhân được tuyên dương Anh hùng, cùng hàng trăm huân, huy chương cao quý. Những thành tích ấy không chỉ là niềm tự hào mà còn tiếp thêm động lực để lớp lớp chiến sĩ đặc công hôm nay tiếp tục rèn luyện, giữ vững bản lĩnh của một lực lượng tinh nhuệ, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Lữ đoàn Đặc công Bộ 429 với 16 chữ vàng: “Tự lực tự cường, độc đảm kiên cường, luồn sâu đánh hiểm, đoàn kết chiến thắng”.

Ngày nay, trên thao trường Phú Giáo, những chiến sĩ đặc công của Lữ đoàn vẫn miệt mài tôi luyện kỹ năng tác chiến, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống. Những bước chân thần tốc, những pha vượt vật cản điêu luyện hay những đợt tập kích giả định vẫn thấm đẫm tinh thần chiến đấu anh hùng. "Không còn bom rơi đạn nổ, nhưng chúng tôi vẫn rèn quân mỗi ngày, luôn sẵn sàng cho mọi tình huống sát với thực tế chiến đấu" - một chiến sĩ trẻ khẳng định, ánh mắt đầy kiên định.

Chí Tưởng- Văn Hướng (TTXVN)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/bo-doi-dac-cong-cu-ho-50-nam-mo-duong-giu-nuoc-mui-nhon-xung-kich/368459.html