Các nước phản ứng khi chính quyền ông Trump áp thuế đối ứng với hàng chục nền kinh tế
Chính phủ một số quốc gia trên thế giới đã đưa ra phản ứng và một số biện pháp đối phó với mức thuế mới của chính quyền ông Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ áp mức thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ và mức thuế cao hơn đối với một số đối tác thương mại lớn nhất của quốc gia này, gây ra sự phản đối từ các nhà lãnh đạo và chính phủ trên khắp thế giới.
Ông Trump không áp mức thuế toàn cầu mới 10% đối với hàng hóa từ các đối tác thương mại hàng đầu là Canada và Mexico khi sắc lệnh trước đó của ông vẫn có hiệu lực, theo đó, nhiều hàng hóa từ hai quốc gia này vẫn chịu mức thuế 25%, liên quan đến vấn đề kiểm soát biên giới và buôn bán fentanyl, Nhà Trắng cho hay.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra những bình luận về thuế quan tại Vườn Hồng, Nhà Trắng ngày 2/4. Ảnh: Reuters
Chính phủ một số quốc gia trên thế giới đã đưa ra phản ứng và một số biện pháp đối phó với mức thuế mới của chính quyền ông Trump.
Brazil hôm 2/4 cho biết đang đánh giá mọi phản ứng tiềm năng đối với mức thuế 10% của Mỹ với hàng nhập khẩu từ nền kinh tế lớn nhất của Mỹ Latinh này, trong khi Quốc hội Brazil đã thông qua một dự luật, phác thảo khuôn khổ cho việc trả đũa thương mại.
"Chính phủ Brazil đang đánh giá mọi hành động có thể để đảm bảo tính có đi có lại trong thương mại song phương, bao gồm cả việc nhờ đến Tổ chức Thương mại Thế giới để bảo vệ lợi ích quốc gia hợp pháp", chính phủ Brazil cho biết trong một tuyên bố.
Trước đó, Quốc hội Brazil đã thông qua một dự luật, vẫn cần được Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva phê chuẩn, thiết lập một khuôn khổ pháp lý để Brazil phản ứng với các biện pháp thương mại đơn phương tiềm năng nhắm vào hàng hóa và dịch vụ của mình, bao gồm các biện pháp đối phó như thuế quan.
Brazil cũng cho biết họ vẫn sẵn sàng đối thoại và tin rằng tuyên bố của Mỹ về mức thuế đối ứng không "phản ánh thực tế", chỉ ra rằng Mỹ đang ghi nhận "thặng dư thương mại đáng kể và thường xuyên về hàng hóa và dịch vụ với Brazil".
Trong khi đó, Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết: "Ông Trump đã bảo vệ một số yếu tố quan trọng trong mối quan hệ của chúng tôi, mối quan hệ thương mại giữa Canada và Mỹ. Tuy nhiên, thuế quan với fentanyl vẫn được áp dụng cùng như thuế quan đối với thép và nhôm".
Ông tuyên bố: "Chúng tôi sẽ chống lại các mức thuế quan này bằng các biện pháp đối phó. Chúng tôi sẽ bảo vệ người lao động của mình và xây dựng nền kinh tế mạnh nhất trong G7".
Thủ tướng Australia Anthony Albanese cũng bày tỏ quan điểm: "Mức thuế của chính quyền Tổng thống Trump không có cơ sở logic và đi ngược lại nền tảng quan hệ đối tác giữa hai quốc gia chúng ta. Đây không phải là hành động của một người bạn. Quyết định ngày hôm nay sẽ làm tăng thêm sự không chắc chắn với nền kinh tế toàn cầu và đẩy chi phí của các hộ gia đình Mỹ lên cao".
Trong khi đó, Quyền Tổng thống Hàn Quốc Han Duck-soo đã ra lệnh áp dụng các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi việc áp thuế của Mỹ, bao gồm cả ô tô, Bộ Công nghiệp nước này cho biết ngày 3/4.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế quan có đi có lại toàn cầu, bao gồm mức thuế 25% đối với Hàn Quốc.
Bộ Công nghiệp Hàn Quốc cho biết ông Han Duck-soo đã yêu cầu Bộ trưởng Công nghiệp phân tích nội dung của các mức thuế quan và tích cực đàm phán với Washington để giảm thiểu tác động của mức thuế quan có đi có lại của Mỹ.
Theo Bộ Công nghiệp: "Khi chiến tranh thương mại toàn cầu đã trở thành hiện thực, chính phủ phải huy động mọi khả năng để vượt qua cuộc khủng hoảng thương mại".
Trong bài phát biểu của mình, ông Trump đã chỉ đích danh các đồng minh an ninh châu Á của Washington là Hàn Quốc và Nhật Bản, cáo buộc họ là một trong những nước vi phạm tồi tệ nhất vì thực hiện các hoạt động thương mại không công bằng đối với Mỹ.
Phản ứng trước mức thuế mới của chính quyền ông Trump, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd Mcclay lên tiếng: "Lợi ích của New Zealand được phát huy tốt nhất là trong một thế giới mà thương mại được tự do lưu thông... Mối quan hệ song phương của New Zealand với Mỹ vẫn bền chặt. Chúng tôi sẽ trao đổi với chính quyền để có thêm thông tin và các nhà xuất khẩu của chúng tôi để hiểu rõ hơn về tác động của thông báo này".
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez thì khẳng định: "Tây Ban Nha sẽ bảo vệ các công ty và người lao động của mình, đồng thời sẽ tiếp tục cam kết với một thế giới mở".
"Chúng tôi không muốn rào cản thương mại ngày càng gia tăng. Chúng tôi không muốn chiến tranh thương mại... Chúng tôi muốn tìm đường quay trở lại con đường thương mại và hợp tác cùng với Mỹ để người dân ở các quốc gia của chúng ta có thể tận hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn", Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson khẳng định.
Thủ tướng Ireland Michael Martin thì cho rằng, quyết định của Mỹ về việc áp thuế 20% đối với hàng nhập khẩu từ khắp EU là "vô cùng đáng tiếc".
"Tôi tin chắc rằng thuế quan không có lợi cho bất kỳ ai. Ưu tiên của tôi và của chính phủ là bảo vệ việc làm của người dân Ireland và nền kinh tế Ireland".
Thủ tướng Italy Giorgia Meloni tuyên bố: "Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để hướng tới một thỏa thuận với Mỹ với mục tiêu tránh một cuộc chiến thương mại chắc chắn sẽ làm suy yếu phương Tây theo hướng có lợi cho các thế lực toàn cầu khác".
Ông Manfred Weber, Chủ tịch EPP - Đảng lớn nhất tại Nghị viện châu Âu nhận định: "Đối với những người bạn Mỹ của chúng tôi, hôm nay không phải là ngày giải phóng mà là ngày oán giận. Thuế quan của ông Donald Trump không bảo vệ thương mại công bằng. Chúng gây tổn hại cho cả hai bờ Đại Tây Dương. Châu Âu đoàn kết, sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình và cởi mở với các cuộc đàm phán công bằng, kiên quyết".
Chính phủ Guatemala cũng cho biết hôm 2/4 rằng mức thuế cơ bản 10% của Tổng thống Mỹ Donald Trump vi phạm các điều khoản của DR-CAFTA, một hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ, Cộng hòa Dominica và các nước Trung Mỹ bao gồm Guatemala. Trong một tuyên bố từ Bộ Kinh tế Guatemala, chính phủ cho biết vẫn có chỗ để đàm phán với Washington, đặc biệt là bằng cách giải quyết các rào cản thương mại do chính phủ Mỹ vạch ra.