Bộ đội dân vận khéo

Muốn xây dựng thế trận lòng dân vững chắc thì phải nói cho dân hiểu, làm cho dân tin, mỗi lời nói phải đi cùng hành động. Với phương châm ấy, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã luôn gần dân, sát dân, vì nhân dân phục vụ, được nhân dân tin yêu, cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận.

Gần 500kg gạo cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hàng nghìn phần quà là chăn, màn, quần áo, đồ dùng học tập cho học sinh nghèo… Đó là những thống kê mà Đồn Biên phòng Na Cô Sa trực tiếp quyên góp hoặc đứng ra kêu gọi trong 3 năm gần đây cho người dân trên địa bàn xã. Những phần quà dù không nhiều song đã để lại hình ảnh đẹp trong lòng mỗi người dân nơi đây.

Chị Mùa Thị Chứ, xã Na Cô Sa (huyện Nậm Pồ) phấn khởi chia sẻ: Có các anh bộ đội biên phòng, cuộc sống, nhận thức của người dân chúng tôi thay đổi nhiều. Những khó khăn đều có các anh cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ, giúp đỡ. Những phần quà dù ít nhiều nhưng là tấm lòng của các anh dành cho bà con chúng tôi.

Đại úy Đỗ Xuân Điềm, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Na Cô Sa trao hỗ trợ sinh kế cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.

Đại úy Đỗ Xuân Điềm, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Na Cô Sa trao hỗ trợ sinh kế cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.

Là người thường xuyên kết nối, kêu gọi, vận động các nguồn xã hội hóa để giúp đỡ người dân, Đại úy Đỗ Xuân Điềm, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Na Cô Sa cho rằng đây không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm của mỗi quân nhân. “Hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống cũng là một nhiệm vụ quan trọng của mỗi cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Do vậy, cùng với việc nắm chắc tình hình địa bàn, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; mỗi năm, đơn vị chủ động kêu gọi các nguồn xã hội hóa để tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn; quyên góp hàng trăm kilôgam gạo trao đến người nghèo theo mô hình “Hũ gạo chiến sĩ” mà cấp trên phát động...” - Đại úy Đỗ Xuân Điềm chia sẻ.

Với hơn 455km đường biên giới trải dài 29 xã, đời sống người dân vùng biên cơ bản còn nhiều khó khăn. Đóng quân ở địa bàn biên giới, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh đã tích cực giúp đỡ, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo với phương châm “4 cùng”; giúp nhân dân làm đường giao thông, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả thiên tai do mưa lũ...

Cán bộ chiến sĩ biên phòng tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng chống cháy rừng cho người dân xã Pa Thơm, huyện Điện Biên.

Cán bộ chiến sĩ biên phòng tuyên truyền, nâng cao nhận thức phòng chống cháy rừng cho người dân xã Pa Thơm, huyện Điện Biên.

Hơn 2 năm qua, lực lượng biên phòng tỉnh đã tổ chức hơn 4.000 ngày công giúp dân lao động sản xuất; phối hợp làm và sửa trên 100km đường thôn, bản; tu sửa gần 500km kênh mương thủy lợi; trồng rừng, thu hoạch, chăm sóc hàng trăm héc-ta hoa màu; giúp dân sửa chữa và làm mới hàng chục căn nhà. BĐBP tỉnh huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, di dời nhà ở đến nơi an toàn; vận động, phối hợp thăm hỏi, tặng quà già làng, trưởng bản, người có uy tín, các gia đình chính sách và nhân dân với giá trị quy đổi hàng chục tỷ đồng...

CBCS Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thăm mô hình kinh tế của người dân xã Pa Thơm, huyện Điện Biên.

CBCS Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thăm mô hình kinh tế của người dân xã Pa Thơm, huyện Điện Biên.

Với phương châm ở đâu gian khó, hiểm nguy, ở đó có bộ đội sát cánh cùng nhân dân. Trải qua từng giai đoạn khác nhau, các đơn vị lực lượng vũ trang luôn là lực lượng tuyến đầu, kịp thời có mặt ở những nơi xung yếu, giúp nhân dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn. Đơn cử như việc hỗ trợ người dân sau trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) cuối tháng 7 vừa qua. Ngay khi nhận được tin báo, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh có mặt hỗ trợ di chuyển người, tài sản đến nơi ở an toàn; tích cực tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Lũ quét đi qua, bình yên trở lại, cán bộ chiến sĩ lại hành quân đến xã hỗ trợ nhân dân tái thiết cuộc sống.

CBCS Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giúp người dân xã Mường Pồn khắc phục bão lũ.

CBCS Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giúp người dân xã Mường Pồn khắc phục bão lũ.

Ông Quàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn cho biết: Khi thiên tai, lũ lụt xảy ra, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang luôn sẵn sàng các phương án tìm kiếm cứu nạn và hỗ trợ khắc phục với phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Đối với vị trí xung yếu có nguy cơ mất an toàn, mưa lũ làm sạt lở tuyến đường, bộ đội cũng nhanh chóng triển khai lực lượng phối hợp khắc phục hậu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.

CBCS Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giúp người dân xã Nậm Vì (huyện Mường Nhé) làm cầu dân sinh.

CBCS Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giúp người dân xã Nậm Vì (huyện Mường Nhé) làm cầu dân sinh.

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công…”, qua các giai đoạn chiến đấu và trưởng thành, cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, các đơn vị bộ đội trong tỉnh luôn thực hiện tốt công tác vận động quần chúng. Trong lực lượng ngày càng có nhiều mô hình, điển hình dân vận khéo. Điển hình như mô hình “Mỗi tuần một lời dạy của Bác”, “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”, “Mái ấm đại đoàn kết”, “5 không, 3 phát huy trong huấn luyện; làm việc theo chức trách, nêu gương theo hành động”, “Vòng tay nhân ái, ấm tình đồng đội”, “Làm hết việc, làm tốt việc, không chỉ làm hết giờ”… Qua các mô hình đã phát huy hiệu quả, có sức lan tỏa trong toàn xã hội, qua đó khẳng định vai trò, vị trí của công tác dân vận, khơi gợi sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thế trận biên phòng toàn dân vững chắc.

Bài, ảnh: Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/quoc-phong/bo-doi-dan-van-kkkheo...