Bộ đội Quân khu 5: Tạm gác việc quân, ưu tiên việc dân
Trước diễn biến khốc liệt của thiên tai, LLVT Quân khu 5 luôn bám sát địa bàn, phát huy '4 tại chỗ' chủ động, quyết liệt phòng chống, ứng phó, cứu trợ, khắc phục hậu quả, giúp đồng bào vượt qua cơn hoạn nạn, sớm ổn định cuộc sống.
Thường xuyên theo dõi sát diễn biến tình hình, kịp thời rà soát, điều chỉnh các kế hoạch, phương án, trước khi các cơn bão ập đến, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã cử các đoàn công tác trực tiếp đến các vùng trọng điểm dự kiến bão đổ bộ để chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó.
LLVT Quân khuhiệp đồng chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn các địa phương thông tin, thông báo kêu gọi tàu, thuyền trên biển cơ động tránh trú, neo đậu an toàn, đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại. Rà soát, sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm trên biển, ven biển, kiên quyết không để người ở lại trên chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, trên tàu thuyền tại nơi neo đậu khi bão đổ bộ vào, có phương án đưa người dân ra khỏi các khu vực nguy cơ ngập sâu, sạt lở, lũ quét...
Trên đất liền và các đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cù lao Chàm (Quảng Nam), cán bộ, chiến sĩ Quân khu giúp nhân dân gia cố nhà cửa, trường học, cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cột tháp cao... Bố trí lực lượng chốt chặn, hạn chế người, phương tiện hoạt động trên đường trong thời gian bão đổ bộ hoặc đi vào vùng dự kiến bão ảnh hưởng.
Trong bão số 9, Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi điều động 2 xe thiết giáp đưa 2 người dân cần hỗ trợ đi cấp cứu; điều động cán bộ, chiến sĩ cùng 2 xe kéo, 2 ca nô khẩn trương cứu hộ, di dời 38 người dân sinh sống, lao động trên vùng gò nổi (đảo Ngọc) thôn Ân Phú, xã Tịnh An, thành phố Quảng Ngãi, đang bị nước lũ cô lập, đến nơi an toàn.
Góp sức cứu nạn người dân mất tích do sạt lở đất tại huyện Nam Trà My (Quảng Nam), lúc 3h sáng ngày 29/10, Quân khu 5 cử gần 200 cán bộ, chiến sĩ mang theo xe thông tin cơ động, thiết bị vệ tinh Vsat, xe cứu thương, máy đào, máy xúc lật, máy phát điện nhỏ, máy khoan cắt bê tông, cưa máy, cuốc, xẻng, pháo cứu sinh… cùng địa phương và các cơ quan liên quan nhanh chóng xác định vị trí, đường đi để thông tuyến.
Vượt đèo dốc quanh co, đất bùn trơn trượt, bộ đội tiến hành khắc phục cây cối ngã đổ, các điểm sạt lở, phối hợp với lực lượng tại chỗ tìm thấy 33 người dân, trong đó có 8 người bị thương nặng, nhanh chóng sơ cứu, chuyển đi bệnh viện điều trị. Đến vị trí sạt lở, cán bộ, chiến sĩ khẩn trương dàn quân tìm kiếm các nạn nhân. Ngay sau đó, Quân khu cử tiếp các lực lượng khác có mặt kịp thời khắc phục sạt lở núi làm nhiều người dân bị vùi lấp và mất tích do tại 2 huyện Phước Sơn, Bắc Trà My (Quảng Nam).
Tại tỉnh Bình Định, Bộ CHQS tỉnh đã bổ sung, kiện toàn lại 11 đại đội dự bị động viên ở huyện, 159 trung đội dân quân cơ động ở xã, 251 đội xung kích phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn ở các thôn, khu phố. Hiệp đồng với các đơn vị của Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 và các sở, ngành, đơn vị của tỉnh về các tình huống cơ bản trong mưa bão và các nội dung về đường cơ động, vị trí tập kết, lực lượng, phương tiện, khu vực đảm nhiệm...
Khi bão số 12 gây mưa lớn, một số khu vực ở huyện Vân Canh, thành phố Quy Nhơn và huyện Tuy Phước bị lũ chia cắt, gây ngập sâu nhiều khu dân cư, trong đêm ngày 10 rạng sáng 11/11, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh và phương tiện tàu, xuồng đã di dời người dân bị mắc kẹt trong lũ về nơi trú tránh. Tiếp đó, khẩn trương khắc phục các vị trí bị sạt lở, không để bị chia cắt, cô lập; chuẩn bị thực phẩm, thuốc men đầy đủ sẵn sàng hỗ trợ, không để người dân bị đói rét, dịch bệnh.
Trên địa bàn tỉnh Phú Yên, nhận được tin báo của chính quyền địa phương về việc có hàng chục hộ dân sinh sống ở các xã Xuân Lâm, Xuân Phú đang bị cô lập do nước lũ, rạng sáng 10/11, tuy trời vẫn mưa xối xả, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trung tá Đỗ Trọng Thuận, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Sông Cầu, lực lượng cứu hộ cùng 2 ca nô chuyên dụng đưa được 87 người dân, trong đó có nhiều phụ nữ mang thai, người già và trẻ em đến nơi sơ tán. Tại xã Xuân Đài, Bộ CHQS tỉnh tăng cường 60 cán bộ, chiến sĩ cùng 2 ca nô, thuyền máy xuống Sông Cầu di dời gần 300 người dân cùng nhiều tài sản, vật nuôi.
Do ảnh hưởng của bão số 12 đã khiến hàng nghìn hộ dân ở các huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), M’Đrăk, Krông Bông, Lắk (Đắk Lắk) bị cô lập, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất luôn tiềm ẩn. Bộ CHQS các tỉnh đã kịp thời điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cùng nhiều ca nô, tàu thuyền chuyên dụng ứng cứu, sơ tán, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người dân…
Cũng trong dịp này, đoàn công tác Quân khu 5 đã khảo sát địa điểm xây dựng công trình đoàn kết quân dân tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My (Quảng Nam) vừa bảo đảm sinh hoạt cộng đồng vừa làm nơi trú, tránh bão, lũ, sạt lở đất cho bà con.
Chia sẻ với những khó khăn, mất mát của nhân dân, Quân khu 5 đã tổ chức các đoàn công tác về các địa phương thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các gia đình có người thân không may mất tích, qua đời hoặc bị thiệt hại nặng bởi thiên tai. Bão vừa dứt, tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia thu dọn cây xanh gãy đổ, vệ sinh môi trường, tu sửa nhà ở, trường học, trạm xá, trụ sở làm việc của UBND các cấp; phun thuốc khử khuẩn, tổ chức khám, cấp phát thuốc, hướng dẫn nhân dân phòng chống dịch bệnh; khắc phục các điểm sạt lở khu dân cư, các tuyến giao thông, ven biển; thu hoạch hoa màu; nạo vét kênh mương nội đồng, giúp dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống…