Bộ đôi sách tranh Nguyễn Đăng Phú
Độc giả quen thuộc của chuyên mục Hà Nội tạp văn hẳn dễ dàng nhận ra Nguyễn Đăng Phú là cái tên đã gắn bó với những bức tranh minh họa cho chuyên mục của báo Hànôịmới Cuối tuần từ nhiều năm nay. Mới đây, họa sĩ đã lựa chọn và tập hợp một phần nhỏ trong số gần 3.000 minh họa đã đăng trên các báo, tạp chí của mình cho cuốn sách tranh vừa được xuất bản trong mùa thu năm 2019 này.
Trong làng vẽ, từ lâu Nguyễn Đăng Phú đã nổi tiếng ở lĩnh vực thiết kế đồ họa với nhiều giải thưởng lớn nhỏ. Ông được coi là một trong những “họa sĩ gạo cội” của ngành đồ họa với nhiều ý tưởng sáng tạo nhưng lại được thể hiện hết sức bình dân, đại chúng khiến người xem dễ dàng hiểu được thông điệp qua mỗi tranh cổ động, logo.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, bức họa điếu thuốc bằng khẩu súng để nói về tác hại khói thuốc của Nguyễn Đăng Phú lúc đương thời “là một thành công vượt bậc, khi tranh cổ động Việt Nam vốn rất chữ nghĩa. Ở các lĩnh vực đồ họa khác như in khắc gỗ, in kim loại, in đá, in lưới cho thấy một tay nghề vững vàng, chắt lọc và phân cắt các mảng đen trắng cân đối, dường như ông Phú không chịu được sự buông thả nào”. Nguyễn Đăng Phú cẩn thận và tỉ mỉ, tinh tế ở từng nét vẽ chi tiết nhỏ, từ nếp áo, nếp quần đến cả bụi cây. Và chính sự cẩn trọng, cầu toàn ấy đưa ông đến với nấc thang thành công ở mảng tranh minh họa.
Xưa nay dân ta ít coi vẽ minh họa là một nghề, nhưng lịch sử mỹ thuật của đất nước lại minh chứng nhiều họa sĩ sống bằng minh họa và nổi tiếng cũng từ minh họa. Nguyễn Đăng Phú là một trong số ấy. Trong cuốn sách tranh 130 trang của ông, dễ nhận thấy số tranh minh họa chiếm phần lớn. Không sắp xếp theo trình tự thời gian hay theo cụm minh họa đăng trên các báo Hànôịmới Cuối tuần, Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội, Tạp chí Cửa Việt,... mà Nguyễn Đăng Phú xếp tranh minh họa theo nhóm, có thể là sự tương ứng về đề tài, cùng tông màu, cùng đường nét, chất liệu.
Ông dường như có dụng ý ghép những trang đôi minh họa, khiến bạn đọc nhận ra sự thú vị khi tìm được những sự liên kết tương đồng giữa hai bức tranh được vẽ ở các khoảng thời gian cách xa nhau trên những ấn phẩm báo chí khác nhau. Điều này cũng cho thấy một Nguyễn Đăng Phú đã định hình phong cách minh họa từ rất sớm, và trải qua thời gian rất dài, rất lâu nhưng trạng thái, đường nét, sắc màu của ông dường như không có nhiều biến đổi, vẫn giữ được phong cách riêng mà lại không gây nhàm chán, đơn điệu. Nhiều bức tranh minh họa khổ bé, sau đó tiếp tục được Nguyễn Đăng Phú chuyển thành tranh, và rất “đắt khách”.
Cùng với cuốn sách tranh đồ họa, trước đó vài tháng, Nguyễn Đăng Phú đã cho ra mắt cuốn sách tranh hội họa. Nguyễn Đăng Phú là họa sĩ thiên xanh, xem tranh của ông, đặc biệt ở tranh bột màu, thường nhận thấy màu xanh mướt của đồng lúa, màu xanh thẫm của lũy tre, màu xanh non của cỏ, màu xanh cốm của hoa lá hay con đường phơi rơm, ngay cả bầu trời của vạt nắng cuối ngày mà ông vẽ cũng thường ẩn hiện ít nhiều sắc xanh... Tranh bột màu Nguyễn Đăng Phú được vẽ rất trong trẻo, dễ nhận ra hồn quê giản dị, thanh bình, nên thơ trong từng tác phẩm.
Ở thể loại sơn dầu, màu xanh vẫn không thôi “ám ảnh” Nguyễn Đăng Phú, không chỉ ở tranh phong cảnh mà màu xanh còn “đi vào” tranh tĩnh vật, tranh chân dung. Nguyễn Đăng Phú hay “chơi” xanh lá, nhưng những bức tranh mang tông xanh dương của ông cũng đem đến những ấn tượng mạnh mẽ. Đặc biệt nhất trong cuốn sách tranh Nguyễn Đăng Phú là những tác phẩm có sự pha trộn giữa hội họa và đồ họa. Sự kết hợp giữa những nét mảnh của đồ họa tương phản với những vệt, những mảng miếng của sơn dầu lại hết sức đặc sắc, cuốn hút và đầy “chất Phú”.
Bộ đôi sách tranh Nguyễn Đăng Phú do NXB Mỹ thuật in ấn và phát hành.