Bỏ đói tế bào ung thư: Mối nguy hại từ ăn kiêng cực đoan

Dinh dưỡng hợp lý giúp duy trì sức khỏe, là nền tảng nuôi dưỡng tế bào lành, đủ sức chịu đựng khi điều trị các tế bào ung thư bằng hóa, xạ trị.

Không ít bệnh nhân ung thư tin rằng có thể bỏ đói tế bào ung thư bằng cách ăn kiêng nghiêm ngặt, thậm chí nhịn ăn hoàn toàn.

Đánh mất cơ hội vì ăn kiêng theo kiểu truyền miệng

Thống kê cho thấy, có đến 80% bệnh nhân ung thư bị giảm cân hoặc suy dinh dưỡng trong quá trình điều trị, trong đó có khoảng 50% đã thiếu hụt dinh dưỡng ngay từ thời điểm chẩn đoán.

Suy dinh dưỡng không chỉ khiến người bệnh mệt mỏi, giảm chất lượng sống, mà còn làm gián đoạn phác đồ điều trị, tăng nguy cơ biến chứng và thậm chí có thể cướp đi cơ hội sống.

 Bệnh nhân can thiệp dinh dưỡng tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Ảnh: DI LINH

Bệnh nhân can thiệp dinh dưỡng tại Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Ảnh: DI LINH

Từng điều trị cho hàng trăm bệnh nhân ung thư, Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Anh Tường, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM, không thể quên trường hợp một cô gái 30 tuổi ở Gò Vấp. Cô từng có hy vọng khỏi bệnh khi được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn đầu, nhưng lại đánh mất cơ hội ấy vì nghe theo một phương pháp ăn kiêng cực đoan nhằm tiêu diệt tế bào ung thư.

Bác sĩ Tường chia sẻ, khi được chuẩn đoán ung thư vú giai đoạn 1, bệnh nhân đã ăn kiêng thực dưỡng qua 7 cấp độ theo lời của một người thầy. Khi ăn được đến cấp độ 5 thì bệnh nhân đã gục ngã và sụt tới 30 kg. Sau đó, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy kiệt và chẩn đoán ung thư sang giai đoạn 4.

“Lúc này bệnh nhân đã không đủ thể trạng cũng như điều kiện để hóa trị, bệnh nhân rất đau khổ khi có quyết định không đúng đắn như vậy. Việc ăn kiêng quá khắc nghiệt không những không "bỏ đói" được tế bào ung thư, mà còn khiến cơ thể bị tước mất sức đề kháng cần thiết để chiến đấu với bệnh”, bác sĩ Tường kể.

Không dùng dinh dưỡng “giết” tế bào ung thư

Nhiều bệnh nhân lo ngại rằng việc ăn uống đầy đủ sẽ nuôi dưỡng khối ung thư. Theo bác sĩ Tường, mối lo này có phần đúng, nhưng bệnh nhân phải hiểu rõ cơ chế hoạt động của cơ thể.

Tế bào ung thư và tế bào lành đều cùng chia sẻ một hệ thống mạch máu. Điều này có nghĩa khi ăn uống bổ dưỡng, cả tế bào lành lẫn tế bào ung thư đều nhận được dưỡng chất. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nuôi dưỡng tế bào lành.

“Cơ thể phải sống để có thể chống chọi lại bệnh tật. Tế bào ung thư dù có nhận dưỡng chất cũng không thể tránh khỏi các phương pháp điều trị để tiêu diệt nó như hóa trị, xạ trị hay phẫu thuật. Vì vậy, chúng ta không thể dùng dinh dưỡng để “giết” tế bào ung thư, mà phải dùng các biện pháp điều trị y tế để diệt nó”, bác sĩ Tường nói.

Theo bác sĩ Tường, bệnh nhân cần phải có sức khỏe cơ bản để điều trị bệnh. Nếu cơ thể suy yếu vì thiếu dinh dưỡng, sẽ không đủ sức để chịu đựng các phương pháp điều trị như hóa trị hay xạ trị.

“Không đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ bệnh nhân sẽ mất cơ hội điều trị. Vì vậy, dinh dưỡng không phải là phương pháp điều trị ung thư, mà là nền tảng giúp bệnh nhân đủ sức để tiếp nhận các phương pháp điều trị như hóa trị và xạ trị”, bác sĩ Tường nhấn mạnh.

Cần can thiệp dinh dưỡng chủ động

Trong quá trình điều trị ung thư, dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng và cách thức can thiệp dinh dưỡng có thể thay đổi tùy theo quốc gia và phương pháp điều trị.

Bác sĩ Tường cho biết, tại Việt Nam hiện nay, dinh dưỡng điều trị chủ yếu được áp dụng khi bệnh nhân đã gặp phải vấn đề về dinh dưỡng, tức là khi tình trạng suy dinh dưỡng đã xuất hiện, bệnh nhân mới được gặp bác sĩ dinh dưỡng.

 Dinh dưỡng cho người ung thư. Ảnh minh họa/internet

Dinh dưỡng cho người ung thư. Ảnh minh họa/internet

Trong khi đó, tại các quốc gia phát triển, việc can thiệp dinh dưỡng được thực hiện một cách chủ động ngay từ đầu. Điều này có nghĩa là các bác sĩ dinh dưỡng sẽ tiếp cận tất cả bệnh nhân suy dinh dưỡng lúc nhập viện, những bệnh nhân có nguy cơ cao như ung thư dạ dày thực quản hay phải điều trị nhiều mô thức khác nhau.

“Trong trường hợp bệnh nhân cùng lúc trải qua hóa trị và xạ trị, những phương pháp này có thể gây suy nhược nghiêm trọng và nhiều biến chứng, do đó việc bổ sung dinh dưỡng ngay từ giai đoạn đầu là vô cùng cần thiết.

Tương tự, sau khi mổ lớn và tiếp tục điều trị hóa trị, bệnh nhân cũng cần được can thiệp dinh dưỡng sớm vì quá trình điều trị ung thư thường kéo dài, không chỉ kết thúc sau phẫu thuật”, bác sĩ Tường chia sẻ.

Theo thống kê, có đến 80% bệnh nhân ung thư bị suy dinh dưỡng, một tỉ lệ cao cho thấy sự cần thiết phải can thiệp dinh dưỡng ngay từ khi bệnh nhân nhập viện. Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM hiện nay đang thực hiện rất nhiều chương trình can thiệp dinh dưỡng chủ động (hay còn gọi là can thiệp dinh dưỡng tích cực).

Theo bác sĩ Tường, bệnh nhân ung thư cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt để vừa duy trì sức khỏe, vừa hỗ trợ điều trị. Đầu tiên, cần cung cấp đủ năng lượng, với mức 30 kcal/kg cân nặng mỗi ngày. Nhu cầu chất đạm của bệnh nhân ung thư cũng tăng gấp đôi so với người bình thường, khoảng 1,5 g/kg. Do bệnh nhân khó ăn thịt, sữa cao đạm là nguồn thay thế hiệu quả.

Bên cạnh đó, omega-3 trong dầu cá giúp kháng viêm và chống suy mòn. Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư cần được cá thể hóa theo phương pháp điều trị (hóa trị, xạ trị, phẫu thuật), lộ trình điều trị và tình trạng sức khỏe, giúp bệnh nhân có đủ sức khỏe để đối mặt với các phương pháp điều trị và phục hồi nhanh chóng.

Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư

Cũng theo bác sĩ Tường, bệnh nhân và người nhà cần lựa chọn thực phẩm và xây dựng những chế độ ăn uống phù hợp trong quá trình điều trị ung thư. Chế độ dinh dưỡng có thể chia thành hai phần:

Với chế độ dinh dưỡng chung, bệnh nhân cần tự đánh giá tình trạng dinh dưỡng của mình thông qua ba dấu hiệu cảnh báo như giảm cân trên 5% so với cân nặng ban đầu; có cảm giác ăn uống không như trước, không thể ăn đủ hoặc cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng và chỉ số BMI dưới 20.

Khi nhận thấy các dấu hiệu này, bệnh nhân nên yêu cầu bác sĩ tư vấn dinh dưỡng để đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất, hỗ trợ tối đa trong quá trình điều trị. Việc tư vấn dinh dưỡng sớm giúp bệnh nhân hiểu rõ nhu cầu của cơ thể, từ đó điều chỉnh chế độ ăn hợp lý, giúp duy trì sức khỏe và tăng hiệu quả điều trị.

Với chế độ dinh dưỡng cá nhân hóa, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và phương pháp điều trị. Việc dinh dưỡng không chỉ là yếu tố bổ trợ mà còn là một phần quan trọng trong điều trị ung thư, ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sống sót và khả năng hồi phục của bệnh nhân.

Bệnh nhân ung thư cần được tư vấn dinh dưỡng theo từng giai đoạn điều trị: từ phẫu thuật, hóa trị đến xạ trị. Sau khi điều trị bệnh nhân có thể có các di chứng cần thay đổi kết cấu thức ăn để dung nạp, cần chế độ ăn lành mạnh, ngăn ngừa suy dinh dưỡng tiến triển, phục hồi chức năng thể chất tốt nhất với chế độ ăn phù hợp, khi đó chuyên gia dinh dưỡng sẽ hướng dẫn trước khi xuất viện

“Dinh dưỡng là một phần không thể thiếu trong quá trình điều trị ung thư. Bệnh nhân cần chủ động yêu cầu tư vấn dinh dưỡng từ bác sĩ để đảm bảo cơ thể nhận đủ dưỡng chất, giúp điều trị đạt hiệu quả tối ưu và phòng ngừa các biến chứng về sau”, bác sĩ Tường khuyến cáo.

DI LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-doi-te-bao-ung-thu-moi-nguy-hai-tu-an-kieng-cuc-doan-post845183.html