Bộ đội Trường Sơn 'chia lửa' trong Tết Mậu Thân 1968
Đêm 29-1-1968, các binh trạm phát động tổng công kích đợt 2 của Bộ đội Trường Sơn. Sau này, chúng tôi mới biết, trên tổ chức tổng công kích nhằm phục vụ chủ trương Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trên toàn chiến trường miền Nam vào Tết Mậu Thân 1968. Bằng cách riêng của mình, Bộ đội Trường Sơn đã hoàn thành nhiệm vụ 'chia lửa' với chiến dịch.
Năm 1967, tôi được bổ nhiệm làm Chính trị viên Đại đội 1, Tiểu đoàn 52, Binh trạm 14 thuộc Bộ tư lệnh 559. Giai đoạn này, hoạt động của Tiểu đoàn 52 diễn ra khá thuận lợi. Ở các trọng điểm như: Cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích, đèo Cốc Mạc, Lùm Bùm, Văng Mu... địch đều đánh chặn. Nhưng pháo phòng không của ta không để cho máy bay địch "làm mưa làm gió" như trước. Khi bom địch ném trúng đường, công binh kịp thời ứng cứu, giải tỏa ngay. Từ tắc ngày, tắc đêm trước đây, nay trường hợp đặc biệt công binh mới để tắc giờ, còn lại tắc đường là giải phóng ngay.
Lái xe chúng tôi chủ động tiếp cận trọng điểm, khi thông đường là mật tập vượt trọng điểm. Cùng với những Kim Ngọc Quản, Nguyễn Xuân Lục, Hoàng Văn Bản của tiểu đoàn tôi, thời gian này, các tay lái Lê Quang Biện (Tiểu đoàn 102), Hà Văn Tơ (Tiểu đoàn 51)... cũng nổi lên như những "chiến mã" Trường Sơn được anh em rất mến phục.
Kết thúc tổng công kích đợt 1 vào ngày 28-12-1967, Binh trạm 32 dẫn đầu toàn tuyến, được Bộ tư lệnh tặng danh hiệu Binh trạm vạn tấn. Những điển hình mà các đại đội, tiểu đoàn chọn xây dựng, qua tổng công kích đợt đầu đều được tặng danh hiệu Dũng sĩ lái xe vạn tấn. Riêng những tay lái của Tiểu đoàn 52 chúng tôi được Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên gọi với cái tên trìu mến "Đại bàng Trường Sơn".
Đêm 29-1-1968, các binh trạm trên toàn tuyến phát động tổng công kích đợt 2. Sau này, chúng tôi mới biết, trên tổ chức tổng công kích liên tục nhằm phục vụ chủ trương Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt trên toàn chiến trường miền Nam vào Tết Mậu Thân 1968. Nhưng khi đó, chúng tôi chỉ được quán triệt chủ trương của Bộ tư lệnh 559 là vừa đón Tết vừa ra quân lập thành tích mừng Xuân, mừng Đảng.
Ngay từ khi nhận lệnh phát động, các đơn vị vận tải Trường Sơn đã hừng hực khí thế, nhất là cánh lái xe không ai bảo ai nhưng đã phát động phong trào “vượt cung tăng chuyến” ở tất cả các tổ đội. Khi nhiệm vụ hoàn thành, bấy giờ chúng tôi mới được thông báo cụ thể là bảo đảm phục vụ chi viện cho các lực lượng tham gia Tổng tiến công. Niềm vui như được nhân lên gấp bội. Bằng cách riêng của mình, Bộ đội Trường Sơn đã chia lửa với chiến dịch.
Tôi nhớ khi ấy mệnh lệnh được phát ra đúng dịp Tết nguyên đán đang đến rất gần. Lại thêm một cái Tết cổ truyền của dân tộc nữa chúng tôi ở lại với Trường Sơn. Nhưng cái Tết này quả là đặc biệt. Thông thường toàn tuyến sẽ nghỉ, hoặc giảm cường độ hoạt động để đón Tết, để có những phút giây lắng đọng sau một năm công tác. Mọi người có thể ngồi lại suy ngẫm, nhớ nhung gia đình, quê hương... Nhưng những ngày cuối năm ấy, tất cả chúng tôi bị cuốn vào không khí hối thúc khẩn trương và rạo rực vô cùng. Cánh lái xe Trường Sơn tổ chức ăn Tết "Quang Trung", nghĩa là ăn Tết trước - Tết "thần tốc" để sau đó ngay lập tức cùng xe trên những cung đường ra phía trước.
Ngày xuất kích, hàng quân và 39 xe của Đại đội 1 chúng tôi, hàng hóa bốc xếp cẩn thận, đội hình nghiêm ngắn hùng dũng, khí thế bừng bừng. Thay mặt Ban chỉ huy đại đội, Đại đội trưởng Trần Quốc Vịnh phát biểu động viên anh em ra quân giành chiến thắng, thực hiện thắng lợi chỉ tiêu tổng công kích đợt 2 mà Bộ tư lệnh phát động.
Trong khi ấy, tôi nhìn sang cánh rừng phía bên kia, đội hình xe của Đại đội 5 cũng trong tư thế sẵn sàng chờ lệnh. Chứng kiến không khí ra quân của các đại đội, Chính trị viên tiểu đoàn Nguyễn Tiến Du và Trợ lý chính trị Nguyễn Văn Thủy (người Sơn Đông, Sơn Tây) - bạn đồng ngũ với tôi không nén nổi xúc động. Anh Du quả quyết:
- Tuấn ơi, cứ đà này, Binh trạm ta không chỉ dừng ở vạn tấn đâu, mà còn hơn thế nữa.
- Chúng em cũng tin như vậy! - Tôi trả lời.
Chuyến này, tôi và anh Liệu - Chính trị viên phó được phân công ở nhà tổ chức đón giao thừa cho số anh em trong đại đội còn lại và chuẩn bị cứu kéo khi lực lượng vận chuyển gặp sự cố. Đêm ấy, khi mọi việc cơ bản đã xong xuôi, tôi cho tập trung số anh em ở nhà tại hầm chỉ huy đại đội để đón Giao thừa. Hầm có cấu trúc hình vuông ở giữa, hai đầu có hai hầm chữ A khá kiên cố, có thể hạn chế được sát thương nếu trúng rốc-két của địch. Giao thừa đến, cả hầm lắng lại nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết: "Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua/ Thắng trận tin vui khắp nước nhà/ Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!".
Lời căn dặn của Người đến với chúng tôi giữa đại ngàn Trường Sơn. Tiếng thơ của Bác làm ấm lòng chiến sĩ, động viên cổ vũ chúng tôi quyết giành thắng lợi. Cũng thời khắc này, qua làn sóng của Đài tiếng nói Việt Nam, chúng tôi mới biết, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, chuyển cách mạng miền Nam sang giai đoạn mới, giai đoạn giành thắng lợi quyết định, quân và dân ta đã tiến hành Tổng tiến công và nổi dậy trên khắp miền Nam, đồng loạt tiến công vào Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng và hầu hết các thành phố, thị xã trên toàn miền Nam.
Lúc ấy, từ sâu thẳm lòng mình, tôi cảm thấy xúc động tự hào. Ngay lúc này đây, những "chiến mã" Trường Sơn mang nặng hàng đang vượt suối, băng đèo, băng băng ra phía trước. Chúng tôi đã góp một phần nhỏ bé của mình cho sự kiện "Tết Mậu Thân 1968" ở miền Nam.
Theo kế hoạch, chúng tôi đi cung hai đêm một chuyến, từ Lùm Bùm vào Đường số 9, nhưng mờ sáng hôm sau - mùng Một Tết, vừa thức giấc, tôi đã nghe tiếng động cơ xe ầm ì. Và ba chiếc xe đang tiến vào bãi gửi xe. Lúc đầu tôi giật mình, ngỡ là có sự cố gì mà anh em phải quay lại. "Năm mới xuất quân thế này thì rủi ro quá! - tôi bấm bụng thầm nhủ. Nhưng khi thấy Kim Ngọc Quản, Hoàng Văn Mần, Phạm Ngọc Khôi từ trên ca bin bước xuống, mặt mũi tươi rói, thì tôi biết anh em đã thắng trận trở về. Chỉ trong một đêm các chiến sĩ ta đã vào giao hàng ở Đường 9 và trở về an toàn…
Đến đầu tháng 3-1968, Bộ tư lệnh Trường Sơn phát động tổng công kích đợt 3 trên toàn tuyến và cũng như các đợt trước, trong đợt 3, Binh trạm 32 và binh trạm tôi đều giành thắng lợi giòn giã. Lúc này không chỉ là "Binh trạm vạn tấn", mà trong một tháng, chúng tôi đã chuyển một vạn ba, rồi một vạn rưỡi tấn hàng vào khu vực đường số 9. Tất nhiên có tình trạng xe hỏng cầu, két nước, lột biên hay sục dầu vì hoạt động liên tục với cường độ cao, trong điều kiện đường xấu, lại bị địch đánh chặn quyết liệt là không thể tránh khỏi. Rất may là do chủ động tổ chức, sẵn sàng thay thế khi phát sinh tình huống nên chúng tôi đã kịp thời sửa chữa, khôi phục đủ đầu xe để thực hành tổng công kích giành thắng lợi.
Là một người lính trưởng thành từ chiến sĩ lái xe ở Trường Sơn và nay đã nghỉ công tác nhiều năm nhưng trong tôi kỷ niệm những ngày thử lửa cách đây 55 năm chưa bao giờ phai nhạt. Trong khả năng của mình, chúng tôi đã nỗ lực cố gắng thực hiện nhiệm vụ: Chi viện sức người, sức của; vận chuyển vật chất hậu cần, vũ khí trang bị... cho các đơn vị trực tiếp chiến đấu với kẻ thù. Bộ đội Trường Sơn năm xưa, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh hôm nay nguyện mãi mãi tỏa sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ - bộ đội của dân.
SONG THANH - VĂN TUẤN (Ghi theo lời kể của Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam)