Bộ GD&ĐT có đang 'ôm' kỳ thi tốt nghiệp THPT?

'Không nên bàn việc Bộ có muốn 'ôm' kỳ thi không vì có muốn ôm mà chỉ đạo của trên, của Chính phủ không như vậy thì cũng chịu', Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi nhấn mạnh tại buổi họp báo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 diễn ra vào chiều 29/6.

Thí sinh trao đổi sau khi kết thúc môn thi Ngoại ngữ. Ảnh: Ngọc Tú

Thí sinh trao đổi sau khi kết thúc môn thi Ngoại ngữ. Ảnh: Ngọc Tú

Trước câu hỏi Bộ GD&ĐT có đang "ôm" kỳ thi tốt nghiệp THPT, đến khi nào trả về cho địa phương, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi cho biết, về thời điểm phân cấp kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, hiện Bộ chưa tính tới.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, kỳ thi hiện đang thực hiện theo phương thức 3 chung: Chung đề, chung đợt, chung kết quả với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học (tỷ lệ 60%).

Tính chất kỳ thi như vậy, nếu giao về các tỉnh sẽ khó đảm bảo sự công bằng khi tỉnh ra đề thi dễ, tỉnh ra đề khó. Như vậy sẽ rất khó để đánh giá được năng lực thí sinh và đảm bảo công bằng trong xét tuyển. Ngoài ra, còn cần tính toán tới vấn đề về kinh tế, xã hội. Cùng với đó, hiện kỳ thi cũng đã có sự phân cấp về địa phương rất cao, Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát.

"Không nên bàn việc Bộ có muốn "ôm" kỳ thi không vì có muốn ôm mà chỉ đạo của trên, của Chính phủ không như vậy thì cũng chịu", Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.

PGS.TS Huỳnh Văn Chương cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức trên diện rộng phải đảm bảo kiến thức trong khung chương trình. Việc phân cấp kỳ thi về cho các địa phương, Bộ GD&ĐT đã cân nhắc rất nhiều. Bởi trong các công đoạn, ra đề thi là khâu khó nhất, đảm bảo tính công bằng, đánh giá chất lượng thí sinh vùng núi, đồng bằng là rất khó khăn. Khâu ra đề vất vả, huy động lực lượng rất lớn nếu giao về cho các địa phương công tác tổ chức sẽ cồng kềnh hơn rất nhiều.

“Một kỳ thi có 15 môn mà giao cho địa phương tổ chức thì tính bảo mật, an toàn của đề thi sẽ ra sao?”, ông Chương trăn trở và cho biết hiện Bộ GD&ĐT đã phân cấp cơ bản các công tác cho địa phương như: In sao đề thi, chấm thi, coi thi. Còn Bộ GD&ĐT là đơn vị quản lý cao nhất về kỳ thi này.

Liên quan đến đề thi, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khái quát, năm nào cũng có rất nhiều ý kiến. Đây là nội dung hết sức quan trọng thuộc trách nhiệm của Bộ. Chúng ta có nhiều kinh nghiệm, tích lũy nhiều năm và năm nay tiếp tục phát huy và củng cố, triển khai thêm.

Ban ra đề thi gần 100 cán bộ ở khắp các cùng miền thực hiện chuyên môn trong vòng gần 1 tháng. Đề thi được đánh giá độ tin cậy cao, đảm bảo về cấu trúc, phân hóa. Bộ cũng đã lắng nghe ý kiến từ dư luận và tiếp tục hoàn thiện hơn.

Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023

Kết luận họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá kỳ thi đã đảm bảo nghiêm túc, đúng quy chế, thể hiện trong 6 nhóm vấn đề.

Thứ nhất, sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và các cấp lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương hết sức sâu sát, kịp thời, chăm lo toàn diện. Trong đó, đã kịp thời dự báo những thuận lợi và khó khăn, đặc biệt là diễn biến phức tạp của gian lận thi cử công nghệ cao. Từ đó, các đơn vị đã có những giải pháp nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận.

Thứ hai, công tác phối hợp thống nhất từ Trung ương tới địa phương, giữa các bộ ngành.

Thứ ba, công tác chủ động tại các địa phương, hướng tới kỳ thi thành công, an toàn, đúng quy chế.

Thứ tư, đảm bảo an toàn cho kỳ thi, trong đó đánh giá cao sự tham gia lực lượng công an.

Thứ năm, công tác tuyên truyền từ địa phương tới Trung ương, cơ quan báo chí vào cuộc trúng những vấn đề xã hội quan tâm, vấn đề mà ngành chỉ đạo, dung lượng phù hợp.

Thứ sáu, công tác chuyên môn, hệ thống văn bản chỉ đạo toàn diện, ngày càng khoa học, bao quát hơn.

“Để thực hiện được 6 nhóm công tác này cần sự nỗ lực của cả hệ thống, sự phối hợp nhuần nhuyễn.

Bên cạnh đó cũng có những việc đáng tiếc xảy ra. Trước hết là 41 trường hợp vi phạm quy chế. Có tới 40 trường hợp sử dụng điện thoại, nguy cơ phát tán đề thi rất cao. Trong số này, có 2 trường hợp đã phát tán, còn lại 38 trường hợp là cán bộ coi thi, cán bộ làm nhiệm vụ thi đã chủ động phát hiện và xử lý. Đây là trường hợp cá biệt và rất đáng tiếc.

"Việc xử lý sẽ xét trên mức độ tính chất, mức độ ảnh hưởng, vừa nghiêm minh, vừa nhân văn” – Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bo-gddt-co-dang-om-ky-thi-tot-nghiep-thpt-342014.html