Bộ GD&ĐT đôn đốc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng
Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi các sở GD&ĐT đôn đốc thực hiện các quy định về quản lý chất lượng.
Văn bản lưu ý triển khai các quy định về: Thực hiện quy chế công khai; công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục; công tác quản lý văn bằng, chứng chỉ và tổ chức thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia.
Theo đó, với thực hiện quy chế công khai, Bộ GD&ĐT lưu ý các sở GD&ĐT yêu cầu các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục trực thuộc tuân thủ việc công khai theo các quy định của Bộ GD&ĐT và pháp luật có liên quan; bảo đảm về nội dung, hình thức, thời gian công khai và việc dễ dàng tiếp cận thông tin của các tổ chức, cá nhân có quan tâm. Thường xuyên kiểm tra, rà soát cập nhật thông tin theo quy định và kịp thời khắc phục các sự cố kỹ thuật, hạn chế tình trạng không truy cập được.
Về công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, các sở GD&ĐT cần tham mưu UBND cấp tỉnh lập kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục; lập kế hoạch, quy hoạch xây dựng các cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia.
Đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra các phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục trực thuộc triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; đặc biệt là công tác cải tiến chất lượng sau đánh giá, bảo đảm thực hiện theo quy định tại Điều 42, Điều 43 Thông tư số 17/2018/TT-BGDĐT, Thông tư số 18/2018/TT- BGDĐT và Thông tư số 19/2018/TT-BGDĐT, để không ngừng duy trì và nâng cao chất lượng.
Chú trọng công tác truyền thông, các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ; công tác thi đua, khen thưởng trong kiểm định chất lượng giáo dục để tạo động lực, góp phần thúc đẩy các đơn vị, nhà trường tích cực, chủ động và triển khai có hiệu quả hơn.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc triển khai công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với các cấp học.
Về quản lý văn bằng, chứng chỉ, Bộ GD&ĐT yêu cầu ban hành đầy đủ các văn bản và hướng dẫn; chỉ đạo các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục trực thuộc có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ ban hành các văn bản theo đúng quy định tại Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT.
Cùng với đó, thực hiện quản lý văn bằng, chứng chỉ và chỉ đạo các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục trực thuộc quản lý văn bằng, chứng chỉ bảo đảm khoa học, hiệu quả, đúng quy định; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm khi xảy ra sai phạm.
Hằng năm tổ chức tập huấn, hướng dẫn về công tác quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ đối với các phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục trực thuộc.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý văn bằng, chứng chỉ. Có giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu về văn bằng, chứng chỉ và công bố công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục theo quy định.
Tăng cường quản lý hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và Thông tư số 11/2022/TT-BGDĐT ngày 26/7/2022 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài.
Với công tác tổ chức thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia, cần thực hiện công khai phương thức tuyển chọn học sinh vào đội tuyển tham dự kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia và các báo cáo theo quy định tại Quy chế thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia ban hành kèm theo Thông tư số 17/2023/TT-BGDĐT ngày 10/10/2023 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Tổng hợp báo cáo kết quả từ các đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT trong năm 2023 cho thấy, về cơ bản các sở GD&ĐT đã tích cực, chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các lĩnh vực công tác quản lý chất lượng, bảo đảm theo đúng quy định hiện hành.
Tuy nhiên, một số địa phương, một số cơ sở giáo dục vẫn còn hạn chế, thiếu sót, bất cập trong việc chỉ đạo, thực hiện cần kịp thời chấn chỉnh, khắc phục.