Bộ GD&ĐT khẳng định: Đề thi tốt nghiệp THPT 2025 nằm trong giới hạn chương trình 2018
Theo Bộ GD&ĐT, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay gia tăng các các câu hỏi có tính phân hóa nhưng nội dung không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình GDPT mới.
Ngày 1/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố thông tin liên quan đến việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, trong đó làm rõ hơn về nội dung đề thi.
Thử nghiệm đề thi trên quy mô 12.000 thí sinh
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã tiến hành xây dựng cấu trúc và định dạng đề thi, công bố từ cuối năm 2023. Việc định hình rõ ràng cấu trúc đề thi nhằm đánh giá sát năng lực thực tế của học sinh, hạn chế tình trạng học tủ, học lệch. Đồng thời, đề thi có mức độ phân hóa hợp lý, tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng nhưng vẫn bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Việc công bố sớm cấu trúc, định dạng và các đề thi tham khảo đã giúp các trường học và học sinh có sự chuẩn bị chủ động hơn trong quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ cũng như ôn luyện kiến thức cho kỳ thi cuối cấp.

Theo Bộ GD&ĐT, việc công bố sớm cấu trúc, định dạng và các đề thi tham khảo đã giúp các trường học và học sinh có sự chuẩn bị chủ động hơn trong quá trình dạy học. Ảnh minh họa
Bộ cũng đã triển khai thử nghiệm một số đề thi trên quy mô rộng với khoảng 12.000 học sinh ở nhiều địa phương trên cả nước, bao gồm cả những tỉnh còn nhiều khó khăn. Kết quả từ đợt thử nghiệm này đã được phân tích bằng các phương pháp khảo thí hiện đại, trở thành căn cứ quan trọng để hội đồng xây dựng đề thi tham khảo, xác định mức độ đề thi phù hợp, bảo đảm tính phân hóa và đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29.
Đề thi thuộc chương trình, không vượt quá yêu cầu cần đạt
Theo Bộ GD&ĐT, đề thi năm nay đáp ứng các mục tiêu đề ra của Nghị quyết 29 "đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học".
Đề thi năm nay gia tăng các câu hỏi có tính phân hóa. Song, nội dung đề thi thuộc chương trình giáo dục phổ thông mới, không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình. Tỷ lệ cấp độ tư duy (liên quan đến độ khó) được yêu cầu bám sát đề tham khảo đã công bố; có tính phân hóa và dựa trên kết quả thử nghiệm ở 3 vùng miền.
“Nội dung đề thi thuộc chương trình GDPT 2018, không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình. Tỷ lệ cấp độ tư duy (liên quan đến độ khó) được yêu cầu bám sát đề tham khảo đã công bố; có tính phân hóa và dựa trên kết quả thử nghiệm ở 3 vùng miền”, báo cáo nêu rõ.
Bộ GD&ĐT nhìn nhận, việc có một số thông tin đánh giá đề khó, đặc biệt đối với môn Toán và môn tiếng Anh có thể do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên cần đợi khi có kết quả chấm thi mới có thể xác định rõ ràng.

Bộ GD&ĐT nhận định, đề thi thuộc chương trình, không vượt quá yêu cầu cần đạt. Ảnh minh họa
Một trong những nguyên nhân gia tăng độ khó đề thi, Bộ GD&ĐT phân tích thêm, những năm trước đây, đề thi còn ít câu hỏi để phân loại học sinh, dẫn đến khó khăn cho công tác tuyển sinh, kéo theo nhiều cơ sở giáo dục đại học phải tổ chức các kỳ thi riêng, gây tốn kém và lãng phí cho nguồn lực xã hội.
"Để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29, Kết luận số 91 của Trung ương và các thách thức đề ra với công tác đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đề thi đã có nhiều sự điều chỉnh. Dù định dạng đề thi và định hướng điều chỉnh công tác ra đề thi đã được công bố từ năm 2023 nhưng do cấu trúc định dạng đề thi mới nên khó tránh khỏi tình trạng giáo viên và học sinh bỡ ngỡ với đề thi năm nay", Bộ GD&ĐT khẳng định.
Bộ GD&ĐT đánh giá sơ bộ, kỳ thi được tổ chức đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, phù hợp với chủ trương đổi mới theo các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và Quốc hội; Quy chế thi tốt nghiệp THPT.