Bộ GD&ĐT làm việc với Đắk Nông về giám sát triển khai chương trình mới
Sáng 8/3, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì họp trực tuyến giữa Bộ GD&ĐT với Sở GD&ĐT Đắk Nông về giám sát thực hiện đổi mới CT, SGK GDPT.
Nhiều chuyển biến tích cực dù điều kiện triển khai còn khó khăn
Đắk Nông là 1 trong 8 địa phương trên cả nước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát trực tiếp về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 của Quốc hội.
Ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Nông cho biết:Khi tiếp cận Kế hoạch số 59 của Đoàn Giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở GD&ĐT chuẩn bị nội dung báo cáo theo đề cương.
Đặc biệt, sau buổi làm việc của Bộ GD&ĐT với 63 tỉnh thành về việc giám sát thực hiện chương trình, SGK giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT triển khai ngay 2 cuộc họp (với lãnh đạo, hiệu trưởng các đơn vị trực thuộc, phòng GD&ĐT; sau đó họp mở rộng ra đến lãnh đạo các cơ sở giáo dục phổ thông, phòng GD&ĐT, UBND các huyện/thành phố) để triển khai kế hoạch giám sát của Quốc hội. Đến nay, công tác chuẩn bị đã hoàn tất.
Sáng 10/3, lãnh đạo Sở sẽ làm việc trực tiếp với các đơn vị có trong danh sách đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát trực tiếp. Về phía tỉnh Đắk Nông, đoàn ĐBQH tỉnh cũng dự kiến làm việc trực tiếp, nghe báo cáo cụ thể về kết quả triển khai Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 vào 15/3 tới.
“Tinh thần chung được quán triệt là báo cáo về triển khai 2 nghị quyết của Quốc hội cần chính xác, khách quan, trung thực, chỉ rõ cả kết quả đạt được và những mặt mạnh, yếu, những tồn tại, hạn chế. Làm sao để từ đó đoàn ĐBQH có thể hỗ trợ tỉnh ở phạm vi vĩ mô”, ông Phan Thanh Hải cho hay.
Cũng theo ông Phan Thanh Hải, địa phương đã triển khai kịp thời, nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Nhiều chế độ, chính sách được tỉnh Đắk Nông ban hành, nhất là việc sắp xếp mạng lưới trường lớp học; chuẩn bị về giáo viên, biên chế; chuẩn bị về cơ sở vật chất và kinh phí mua sắm thiết bị tối thiểu theo quy định của Bộ để phục vụ đổi mới chương trình. Việc lựa chọn SGK cũng được đặc biệt quan tâm, làm sao thực hiện đúng, kịp thời.
Về biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, Đắk Nông thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, triển khai thực hiện kịp thời. Hiện đang tiếp tục biên soạn cho lớp 11 và triển khai chuẩn bị cho lớp 12, cũng như các lớp còn lại.
“Đánh giá chung, triển khai Chương trình GDPT 2018 tại Đắk Nông cơ bản đúng chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, không có vướng mắc gì lớn. Hai khó khăn lớn nhất, cũng là khó khăn chung, đó là tình trạng thiếu biên chế giáo viên các bậc học và điều kiện cơ sở vật chất”, ông Phan Thanh Hải chia sẻ.
Tại buổi làm việc, đại diện các cơ sở giáo dục tại Đắk Nông chia sẻ cụ thể hơn những kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn, cũng như các đề xuất, kiến nghị trong triển khai Chương trình GDPT 2018.
Trong đó các ý kiến cơ bản thống nhất nhận định: Lứa học sinh học theo chương trình mới có chuyển biến tích cực, năng động, sáng tạo hơn và kết quả khởi sắc hơn so với năm học trước.
Theo thầy Vũ Tiến Tiệp, Hiệu trưởng trường PTDT bán trú tiểu học Vừ A Dính, huyện Đắk Glong, sau 3 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, nhà trường đã có chuyển biến rõ nét. Theo đó, chuyển từ dạy học tập trung trang bị kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Cơ sở vật chất, đội ngũ được quan tâm đầu tư hơn. Học sinh tích cực, chủ động hơn trong khám phá, tiếp thu kiến thức cũng như hoạt động giáo dục; tăng cường được tính chủ động, tự giác trong học tập, giao tiếp.
Triển khai chương trình mới được 2 năm, thầy Đào Quang Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, huyện Đắk Glong nhận định, Chương trình theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, SGK có nhiều tiết thực hành nên học sinh hào hứng học tập hơn. Các thiết kế bài học theo chủ đề sáng tạo, mới mẻ, cũng khơi dậy hứng thú cho người học. Học sinh được mở rộng kiến thức cả về tự nhiên, xã hội, về chính mình để từng bước hoàn thiện bản thân. Lứa học sinh học theo chương trình mới tại trường năng động, sáng tạo hơn và kết quả khởi sắc hơn so với năm học trước.
Bên cạnh kết quả đạt được và thuận lợi, chia sẻ các nhà trường cũng cho thấy còn có khó khăn trong triển khai. Theo đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học vừa thiếu, vừa không đồng bộ. Số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục đang thiếu nhiều so với định mức. Trường tiểu học có nhiều học sinh dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn với lớp 1 vì học sinh sử dụng tiếng phổ thông chưa thành thạo…
Từ đó, ngành Giáo dục Đắk Nông kiến nghị được giao bổ sung số lượng người làm việc cho tỉnh trong năm 2023; xem xét không cắt giảm số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập của tỉnh năm 2022 và các năm tiếp theo. Bộ GD&ĐT phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tham mưu Chính phủ ưu tiên phân bổ kinh phí, trang thiết bị từ các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án… cho ngành Giáo dục tỉnh…
Đổi mới giáo dục là một quá trình
Tại buổi làm việc, đại diện các vụ, cục của Bộ GD&ĐT đã trao đổi, chia sẻ, giải đáp những nội dung địa phương, cơ sở giáo dục còn băn khoăn; đồng thời lưu ý một số vấn đề khi triển khai thực hiện chương trình, về cơ sở vật chất; đội ngũ; kinh phí, nguồn lực triển khai Chương trình GDPT 2018; việc triển khai chương trình ở từng cấp học…
Đánh giá Đắk Nông đã triển khai thực hiện đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông một cách bài bản, chặt chẽ, tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị Sở GD&ĐT Đắk Nông tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các vụ, cục.
Thứ trưởng đồng thời lưu ý, các ý kiến trước đoàn giám sát cần rất rõ, gọn, thật bản chất, đi thẳng vào vấn đề, giúp các đại biểu Quốc hội hiểu rõ những việc ngành Giáo dục đang làm. Điều này rất quan trọng để giúp đoàn xây dựng báo cáo giám sát khách quan, chính xác.
Nhấn mạnh giáo dục là một quá trình, Thứ trưởng cho rằng, Chương trình GDPT 2018 có những việc làm được ngay; nhưng cũng có việc cần cả quá trình, không phải có sẵn, đầy đủ mọi điều kiện mới làm.
Ví dụ như môn Khoa học tự nhiên, không phải đợi có đủ giáo viên (một giáo viên đảm nhiệm được cả môn học) mới triển khai giảng dạy mà phải hài hòa, phù hợp với điều kiện thực tế. Cùng với đó là lộ trình bồi dưỡng, đào tạo để dần xây dựng đội ngũ giáo viên từ “đơn môn” thành “đa môn”. Trên thế giới cũng vậy, không phải đã đầy đủ đội ngũ giáo viên có thể đảm nhiệm được cả các phân môn trong môn Khoa học tự nhiên.
Hoặc với lựa chọn môn học ở THPT, cần phải xây dựng tổ hợp để vừa đáp ứng với nhu cầu đa dạng của người học, vừa phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ… từng nhà trường.
Nhấn mạnh tới báo cáo kết quả triển khai Nghị quyết 88, Thứ trưởng lưu ý: Cần làm rõ văn bản chỉ đạo đã đầy đủ, hướng dẫn đã kỹ càng? Đánh giá về Chương trình GDPT 2018 với sự khác biệt, điểm mới và giáo viên phải hiểu thật sâu sắc về chương trình. Đồng thời, nói rõ các vấn đề liên quan đến SGK, như lựa chọn, tập huấn sử dụng SGK, phát hành, sử dụng SGK…; vấn đề dạy môn học mới và lựa chọn môn học; vấn đề bồi dưỡng, tập huấn giáo viên; xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành…
Thứ trưởng mong muốn, qua thực tiễn, ý kiến từ ngành Giáo dục địa phương, nhà trường sẽ làm rõ thêm, sâu sắc thêm để các đại biểu trong đoàn giám sát của Quốc hội hiểu hơn về những việc ngành Giáo dục đang triển khai. Trong đó có sự nỗ lực, đầy trách nhiệm của toàn ngành khi triển khai đổi mới, hướng tới có “sản phẩm” là các em học sinh thực sự tự tin, năng động, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực của đất nước trong bối cảnh mới.