Bộ GD – ĐT lấy ý kiến dự thảo thông tin về trả lương dạy thêm giờ cho giáo viên công lập

Ngày 15/5, Bộ GD - ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư quy định chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập. Dự thảo được đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến đóng góp rộng rãi từ xã hội trước khi ban hành chính thức.

Dự thảo này được kỳ vọng sẽ thay thế Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC – vốn đang bộc lộ nhiều bất cập trong quá trình triển khai. Cụ thể, Thông tư hiện hành chưa phản ánh đầy đủ thực tiễn lao động của nhà giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non, đồng thời gặp vướng mắc trong quy định điều kiện chi trả và giới hạn giờ làm thêm.

Gỡ vướng, tạo hành lang pháp lý mới

Một trong những điểm mới đáng chú ý của Dự thảo là việc bỏ quy định ràng buộc về điều kiện chi trả chế độ thêm giờ cho nhà giáo. Thay vào đó, quy định mới cho phép mỗi cơ sở giáo dục được chi trả tiền lương dạy thêm giờ trong phạm vi tổng số giờ tối đa được xác định theo năm học, đồng thời cho phép linh hoạt xử lý các trường hợp giáo viên phải dạy vượt định mức do thiếu người.

Bộ GD – ĐT lấy ý kiến dự thảo thông tin về trả lương dạy thêm giờ cho giáo viên công lập.

Bộ GD – ĐT lấy ý kiến dự thảo thông tin về trả lương dạy thêm giờ cho giáo viên công lập.

Đối với giáo viên mầm non – nhóm đối tượng thường xuyên phải làm việc 9 – 10 giờ/ngày – Dự thảo quy định tổng số giờ dạy thêm không vượt quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật về lao động. Trong khi đó, giáo viên các bậc học khác được thanh toán tối đa 150 giờ dạy thêm/năm học. Quy định mới được đánh giá là sát thực tế nghề nghiệp, đảm bảo giáo viên không bị quá tải và có thời gian tái tạo sức lao động.

Rõ trách nhiệm, minh bạch chi trả

Dự thảo cũng bổ sung quy định chi trả tiền lương dạy thêm giờ đối với giáo viên dạy liên trường hoặc biệt phái. Theo đó, cơ sở giáo dục nơi giáo viên đến công tác sẽ có trách nhiệm thanh toán tiền lương dạy thêm. Trường hợp dạy từ ba cơ sở trở lên, số giờ dạy thêm sẽ được chia đều và thanh toán tương ứng từ các đơn vị.

Đáng chú ý, các nhiệm vụ đã nhận thù lao bằng tiền hoặc phụ cấp sẽ không được quy đổi ra giờ dạy thêm giờ để tránh chồng chéo, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Một điểm mới khác là thời điểm chi trả được ấn định sau khi kết thúc năm học, thay vì tùy nghi như trước đây. Quy định này nhằm đảm bảo tính hệ thống và minh bạch trong chi trả.

Hướng tới sự công bằng và tự chủ

Đối với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng và các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của các bộ, ngành, địa phương, Dự thảo cho phép các đơn vị này căn cứ điều kiện thực tế để xây dựng mức chi trả lương dạy thêm giờ không thấp hơn mức tối thiểu quy định, góp phần nâng cao tính tự chủ trong quản lý tài chính.

Đặc biệt, nhà giáo công tác không trọn vẹn một năm học do nghỉ thai sản, nghỉ ốm đau hoặc nghỉ việc không lương… vẫn được hưởng lương dạy thêm theo số giờ thực tế giảng dạy. Quy định này được xem là một bước tiến mới, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho giáo viên trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Dự thảo Thông tư dự kiến áp dụng từ năm học 2024 – 2025, giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong thực tiễn triển khai chi trả lương dạy thêm giờ hiện nay. Bộ GD - ĐT cho biết, việc xây dựng văn bản đã có sự phối hợp của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính, nhằm bảo đảm tính khả thi và thống nhất với các quy định hiện hành.

Dương Triều

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/bo-gd-dt-lay-y-kien-du-thao-thong-tin-ve-tra-luong-day-them-gio-cho-giao-vien-cong-lap-post1742599.tpo