Bộ GD&ĐT: Một bộ phận giáo viên chưa hiểu hết về quy định dạy thêm, học thêm

Sau hơn 1 tháng Thông tư 29/2024 có hiệu lực thi hành, Bộ GD&ĐT đánh giá vẫn còn một bộ phận cán bộ quản lí, giáo viên chưa hiểu hết quy định, tinh thần của Thông tư 29.

Chiều 28-3, Bộ GD&ĐT tổ chức chương trình hội nghị trực tuyến triển khai công tác tuyển sinh đầu cấp, tổ chức thi tốt nghiệp THPT và việc thực hiện Thông tư 29/2024 quy định về dạy thêm, học thêm.

Sau Thông tư 29, Bộ GD&ĐT nhận được nhiều lời cảm ơn

Tại hội nghị, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông, Bộ GD&ĐT cho biết, kết quả bước đầu khi triển khai Thông tư 29, Bộ GD&ĐT đã nhận được nhiều lời cảm ơn từ phía phụ huynh lẫn giáo viên.

 Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông, Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BỘ GD&ĐT

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Phổ thông, Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BỘ GD&ĐT

Cụ thể, nhiều phụ huynh gửi lời cảm ơn vì nhờ có Thông tư 29 nên con có thời gian gắn kết hơn với gia đình, giảm bớt áp lực học tập.

Còn đối với giáo viên, xuất hiện 2 luồng ý kiến. Giai đoạn đầu, giáo viên băn khoăn, lo lắng khi số lượng tiết dạy thêm trong nhà trường giảm, lo lắng việc ôn tập của học sinh. Tuy nhiên, sau khi Bộ GD&ĐT triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có điều chỉnh kiểm tra đánh giá một cách phù hợp, luồng ý kiến này giảm dần.

Bên cạnh đó, đại đa số giáo viên phấn khởi khi hoạt động dạy thêm được minh bạch, đem lại sự tôn nghiêm của nhà giáo. Một bộ phận giáo viên đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm quy định của Thông tư này.

Vụ trưởng Vụ giáo dục phổ thông cho biết thêm, ở cấp địa phương, đã có sự vào cuộc một cách quyết liệt của UBND các tỉnh/thành trong quá trình thực hiện Thông tư 29.

Cụ thể như Bắc Giang đã ra quyết định kỷ luật giáo viên khi vi phạm Thông tư 29. Trong khi đó, Hải Phòng đã có dự thảo sau 19 giờ 30 không tổ chức dạy thêm trên địa bàn để học sinh có thời gian nghỉ ngơi.

Về tồn tại hạn chế, ông Tài cho biết, ngay khi Thông tư 29 ra đời, chính người trong cuộc gồm giáo viên, quản lý chưa dành sự quan tâm, do đó việc hiểu về thông tư 29 còn lúng túng.

Ban đầu có ý kiến cho rằng tại sao lại cấm dạy thêm học thêm ở tiểu học có vi phạm quyền được học ở trẻ. Thực tế, việc cấm dạy thêm học thêm ở bậc tiểu học đã cấm từ lâu. Thông tư 29 chỉ quy định rõ hơn và cấm trong một số trường hợp chứ không phải cấm tuyệt đối mọi hoạt động theo nhu cầu của trẻ.

Nguyên nhân của tình trạng trên là ngay khi lấy ý kiến Thông tư vòng 1, vòng 2 và trước 1 tháng khi Thông tư 29 có hiệu lực, đội ngũ chưa dành sự quan tâm nên có sự lúng túng.

Bên cạnh đó, vẫn còn địa phương chậm ban hành văn bản hướng dẫn, ban hành quy định tại địa phương, dẫn tới lúng túng trong triển khai. Ngoài ra, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày chưa được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.

Theo ông Tài, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện hiệu quả thông tư 29. Cụ thể, tiếp tục tăng cường chỉ đạo, thực hiện công tác tuyên truyền, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện 2 buổi/ngày và đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm học 2 buổi/ngày, phát động, triển khai các phong trào tự học trong học sinh

Đề xuất tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT

 Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BỘ GD&ĐT

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BỘ GD&ĐT

Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT đã chia sẻ những thông tin liên quan về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

Theo đó, vào ngày 3-4, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức hội nghị tập huấn quy chế thi và công tác cho kỳ thi với 63 Sở GD&ĐT tại TP.HCM.

Ông Hà cho biết, nội dung của kỳ thi tốt nghiệp tập trung chủ yếu ở lớp 12, đề thi bám theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, sẽ không ra ngoài chương trình. Đề thi sẽ có 40% mức độ nhận biết, 30% mức độ hiểu và 30% ở cấp độ vận dụng.

Một điểm mới trong việc tính điểm xét tốt nghiệp năm nay theo tỉ lệ là 50% điểm của kỳ thi và 50% điểm học bạ của 3 năm học phổ thông. Điều này phù hợp với nội dung chương trình 2018 phát triển năng lực phẩm chất của học sinh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có nhiều điểm mới so với trước vì chỉ có 3 buổi thi. Trong đó buổi thi thứ 3 dành cho 2 môn thi. Vì thế cách sắp xếp phòng thi sẽ khác so với trước, số lượng mã đề thi cũng khác .

"Với những sự đổi mới như thế, để kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra thuận lợi, Bộ GD&ĐT rất mong các địa phương tổ chức các kỳ thi thử. Vừa qua một số địa phương đã làm rất tốt điều này. Có địa phương đã triển khai và cho biết mọi việc được thực hiện tốt, tuy nhiên cũng có địa phương tổ chức thi thử nhưng mô hình nhiều hơn 3 buổi thi. Do đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT nếu có tổ chức thi thử cần thực hiện theo đúng mô hình kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ diễn ra vào tháng 6 sắp tới" - ông Hà nói.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, trong quá trình địa phương tổ chức thi thử tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT sẽ hỗ trợ về chuyên môn cũng như phần mềm chấm thi nếu địa phương chưa thể triển khai.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ diễn ra trong 2 ngày 26 và 27-6.

NGUYỄN QUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-gddt-mot-bo-phan-giao-vien-chua-hieu-het-ve-quy-dinh-day-them-hoc-them-post841358.html