Bộ GD-ĐT nói gì về việc đề thi Văn giống đề thi thử tại địa phương
Bộ GD-ĐT cho rằng việc đề thi sử dụng cùng một ngữ liệu là hoàn toàn bình thường. Sự khác nhau là cùng ngữ liệu đó nhưng mỗi đề thi có yêu cầu cụ thể khác nhau (phân tích, đánh giá, bình luận, nhận xét…)
Sau nghi vấn lộ đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, trên mạng xã hội tiếp tục lan truyền hình ảnh đề thi thử tốt nghiệp của Sở GD-ĐT Nghệ An có câu hỏi phần nghị luận văn học gần giống với đề thi của Bộ GD-ĐT.
Cả 2 đề thi cùng sử dụng chung 1 đoạn trích trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, nội dung câu hỏi cũng khá tương đồng.
Cụ thể, đề thi thử môn Ngữ của Sở GD-ĐT Nghệ An tổ chức ngày 15 - 16/4 yêu cầu: "Anh/chị hãy phân tích đoạn trích trên. Từ đó nhận xét sự mới mẻ của nhà văn Kim Lân khi viết về đề tài người nông dân trước cách mạng tháng Tám".
Còn đề Văn chính thức của Bộ GD-ĐT yêu cầu: "Anh/chị hãy phân tích đoạn trích trên, từ đó nhận xét cách nhìn cuộc sống của nhà văn Kim Lân được thể hiện trong đoạn trích".
Trao đổi với phóng viên, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã nắm được thông tin phản ánh “câu nghị luận văn học trong đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sử dụng ngữ liệu trùng với ngữ liệu đã được sử dụng trong đề thi thử tốt nghiệp của địa phương”. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT nhận thấy việc đề thi sử dụng cùng một ngữ liệu là hoàn toàn bình thường. Sự khác nhau là cùng ngữ liệu đó nhưng mỗi đề thi có yêu cầu cụ thể khác nhau (phân tích, đánh giá, bình luận, nhận xét…).