Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu thêm chính sách ưu tiên cho những học sinh xuất sắc
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ học sinh xuất sắc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục duy trì, bổ sung chính sách ưu tiên cử học sinh đi đào tạo đại học tại nước ngoài bằng học bổng do Nhà nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ đồng thời sẽ nghiên cứu thêm việc hỗ trợ cho các học sinh lọt vòng 2 nhưng không được chọn vào đội tuyển thi Olympic, chính sách hỗ trợ cho giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết tại buổi gặp mặt và tuyên dương học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học Kỹ thuật quốc tế năm 2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hôm nay, 16/12.
Liên tục nằm trong tốp 10
Thông tin tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết sau đại dịch COVID-19, năm 2023 là năm đầu tiên tất cả các đội tuyển Olympic đều tham dự trực tiếp tại nước đăng cai thay vì hình thức trực tuyến. Việc chuyển từ thi trực tuyến với những thí nghiệm ảo sang thi trực tiếp đối với những môn có nội dung thi thực nghiệm như Vật lý, Hóa học, Sinh học đòi hỏi phải có sự chuẩn bị, tập luyện kỹ cho học sinh đặc biệt là năng lực thực hành.
Chính vì vậy, ngay từ việc thi chọn và bồi dưỡng đội tuyển, Cục Quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều đổi mới. Việc tổ chức thi chọn đội tuyển với các môn có thí nghiệm được tổ chức chuyên nghiệp, yêu cầu cao hơn về các kỹ năng thực hành ở học sinh. Ngay sau khi các thành lập đội tuyển, Cục Quản lý chất lượng đã phân công các trưởng đoàn cùng với các trường đại học, các viện nghiên cứu trực tiếp triển khai tập huấn đội tuyển. Kế hoạch tập huấn được xây dựng chi tiết, khoa học. Các đội tuyển đều được học tập với những thầy cô, chuyên gia có kinh nghiệm, có thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi trên toàn quốc, được sử dụng các thiết bị, phương tiện tốt nhất trong quá trình tập huấn.
Dù có nhiều thách thức nhưng năm 2023, Việt Nam đã gặt hái được rất nhiều thành tích xuất sắc trong các kỳ thi Olympic quốc tế, khu vực và Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế. Việt Nam có 7 đoàn học sinh tham dự với 36 lượt học sinh tham gia, gồm 1 đoàn tham dự Olympic Tin học khu vực châu Á- Thái Bình Dương, 1 đoàn tham dự Olympic Vật lý khu vực châu Á và 5 đoàn tham dự Olympic quốc tế gồm Toán, Hóa học, Sinh học, Vật lý và Tin học.
Các đoàn học sinh Việt Nam đã đạt thành tích xuất sắc với 8 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng và 4 Bằng khen. Với kết quả trên, các đoàn Việt Nam dự thi liên tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất. Có nhiều học sinh Việt Nam đạt điểm số cao nhất.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Nguyễn Ngọc Hà cho hay kết quả Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023 đã khẳng định những chính sách đúng đắn, chiến lược phát triển giáo dục phù hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng sự nỗ lực, cố gắng của học sinh, dưới sự chỉ dẫn của thầy cô giáo. Bên cạnh đó là sự quan tâm, chăm lo và động viên, khích lệ kịp thời của bậc phụ huynh và các tổ chức, đoàn thể đối với các học sinh trong suốt quá trình học tập.
Theo ông Hà, đây cũng là kết quả của sự đổi mới của ngành giáo dục trong công tác tuyển chọn, bồi dưỡng các đội tuyển quốc gia tham gia các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế theo yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Nghiên cứu thêm chính sách hỗ trợ
Để duy trì, phát huy và nâng cao hơn nữa kết quả đạt được của các đội tuyển, ông Ngọc Hà cho biết Cục Quản lý chất lượng sẽ tiếp tục tham mưu tới lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, tạo tiền đề vững chắc cho giáo dục mũi nhọn phát triển.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục duy trì, bổ sung chính sách ưu tiên cử học sinh đi đào tạo đại học tại nước ngoài bằng học bổng do Nhà nước cấp hoặc do nước ngoài tài trợ. Bộ cũng sẽ duy trì kết nối hai chiều để tạo cơ hội cho các em vị trí việc làm xứng đáng, phù hợp khi các em về nước để góp phần phát huy trí tuệ xây dựng nước nhà.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nghiên cứu tạo điều kiện cho các em học sinh xuất sắc vào vòng 2 nhưng không nằm trong nhóm lựa chọn vào đội tuyển quốc tế được tham dự thêm các Kỳ thi Olympic quốc tế, khu vực nếu có sau đó, có thể theo hướng xã hội hóa. Điều này tạo cơ hội cho các học sinh có năng khiếu, có tố chất được phát triển tài năng cũng như không tạo cho kỳ thi áp lực.
Bên cạnh đó, với quan điểm phải có thầy giỏi mới có trò giỏi, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu chiến lược phát triển đội ngũ nhà giáo tâm huyết về nghề nghiệp để tăng cường công tác bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia quốc tế./.