Bộ GD&ĐT thừa nhận thiếu giáo viên nhiều môn, địa phương bị động nguồn tuyển
Hôm nay (12/8), Bộ GD&ĐT tổng kết năm học 2021-2022, trong đó báo cáo kết quả thực hiện năm học chỉ ra: năm học vừa qua ngành chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, đặc biệt thiếu giáo viên ở nhiều môn và một số địa phương bị động về nguồn tuyển dụng.
Năm học vừa qua lần đầu tiên việc khai phải tổ chức theo hình thức trực tuyến. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi; gần 20 triệu học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp.
Nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục không thể tiến hành theo đúng kế hoạch, ảnh hưởng mạnh mẽ tới phát triển đội ngũ, tài chính, việc dạy, học và đảm bảo chất lượng giáo dục; tới tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em, học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh.
Do đó, bên cạnh một số kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện kế hoạch năm học vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế phải kể đến như:
Các quy định, hướng dẫn của Bộ triển khai việc dạy và học trong bối cảnh dịch COVID-19 còn mang tính ứng phó tạm thời, chưa thực sự chủ động. Nhiều địa phương thiếu trang thiết bị học trực tuyến, đặc biệt là các tỉnh có vùng dân tộc, miền núi, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học trực tuyến.
Bên cạnh đó, do sử dụng phần mềm dạy học miễn phí nên chất lượng không tốt, đường truyền internet có nhiều nơi, nhiều lúc không ổn định, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy, học.
Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này. Thời gian dạy học trực tuyến kéo dài trong bối cảnh các điều kiện thực hiện còn nhiều hạn chế đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của học sinh.
Tổ chức quản lý, hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhiều cơ sở có nguy cơ phải đóng cửa vì không duy trì được hợp đồng giáo viên, không có kinh phí chi trả cho giáo viên.
Tỉ lệ trường tiểu học tổ chức bán trú còn thấp nên cha mẹ học sinh gặp khó khăn khi đưa con đến trường học 2 buổi/ngày. Các trường tiểu học ở các huyện miền núi có nhiều điểm trường lẻ và lớp ghép với khoảng cách xa nên việc quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục có nhiều bất cập. Một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp cao như: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai...
Tỉ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình GDPT 2018. Thiếu giáo viên môn Tiếng Anh, Tin học đối với tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với trung học phổ thông khi áp dụng Chương trình GDPT 2018 từ năm học 2022 - 2023. Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở các địa bàn khó khăn; không có chính sách thu hút giáo viên đến công tác ở những địa bàn khó khăn hơn.
Đặc biệt, vẫn còn nhiều bất cập trong việc bố trí giáo viên Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ dạy liên trường, liên cấp. Nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch.
Sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 biên soạn theo Chương trình GDPT 2018 còn có ý kiến phản ánh về một số vấn đề liên quan như kênh hình, kênh chữ còn chưa phù hợp với một số vùng miền, một số từ ngữ mang tính địa phương - phương ngữ; một số đoạn văn, bài thơ đưa vào sách giáo khoa chưa hay; một số thông tin trong một số môn học chưa cụ thể và gần gũi với học sinh.
Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục. Chất lượng, cơ cấu đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số còn bất cập.
TPHCM lo thiếu giáo viên khi học sinh tăng nhanh
Dự kiến, năm học tới TPHCM sẽ tăng gần 22.000 học sinh. Học sinh tăng cao nhưng số lượng giáo viên có hạn, một số nơi đối mặt với nguy cơ thiếu hụt giáo viên các môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc… ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Thông tin trên được ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho biết tại buổi họp báo chiều 11/8. Theo đó, trong số học sinh tăng thêm có 15.282 học sinh công lập và 6.543 học sinh ngoài công lập. Cấp mầm non tăng 6.587 học sinh, tiểu học giảm 11.184 học sinh, trung học cơ sở tăng 13.661 học sinh, THPT tăng 12.761 học sinh.
Sự gia tăng của học sinh các cấp tập trung chủ yếu tại thành phố Thủ Đức, Quận 12, Quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn. Nguyên nhân là do các địa phương trên đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh dẫn đến tình trạng tăng dân số cơ học.
Theo phân tích của đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, số lượng học sinh tăng sẽ khiến sĩ số lớp tăng cao so với chuẩn quy định, bên cạnh đó học sinh tham gia học 2 buổi mỗi ngày sẽ giảm. Mặt khác, học sinh tăng cao sẽ khiến diện tích sân chơi, bãi tập, thư viện… quá tải gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Ngoài ra, khi học sinh tăng đòi hỏi phải gia tăng số cán bộ, giáo viên và nhân viên của các trường.
Để đáp ứng với tình trạng học sinh tăng cao, dự kiến trong năm học tới, ngành giáo dục thành phố sẽ phải tuyển thêm gần 900 giáo viên khối mầm non, hơn 2.300 giáo viên tiểu học, gần 1.700 giáo viên trung học cơ sở và gần 300 giáo viên trung học phổ thông.
Tuy nhiên việc tuyển dụng trên thực tế gặp nhiều khó khăn, đặc biệt giáo viên thuộc các tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật rất khó tuyển dụng do trước đây các trường đào tạo sư phạm rất ít đào tạo nhân lực các bộ môn trên hoặc có đào tạo nhưng thiếu nghiệp vụ sư phạm.
Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, ông Tấn Minh cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo đang đặt hàng các trường đại học đạo tạo nguồn nhân lực cho các bộ môn bị thiếu hoặc khó tuyển giáo viên. Mặc khác, các trường sẽ tăng cường đạo tạo nghiệp vụ sư phạm cho các nghệ sĩ, nghệ nhân có tốt nghiệp đại học về chuyên ngành để giảng dạy những môn về âm nhạc, mỹ thuật.
“Nói ra thì cũng rất nghịch lý, hiện thành phố đang thiếu giáo viên tiếng Anh và tin học. Nhân sự được đào tạo để trở thành giáo viên tin học hay tiếng Anh sau khi ra trường họ có nhiều sự lựa chọn giữa đi dạy hoặc đi làm việc bên ngoài. Nhiều người chọn đi làm bên ngoài dẫn đến nguồn giáo viên ở 2 bộ môn này thiếu trầm trọng. Tình trạng thiếu giáo viên nhiều nhất đang diễn ra tại huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ” – ông Hồ Tấn Minh nói.