Bộ GD yêu cầu bổ nhiệm, xếp lương trước 30/11, có nơi vẫn 'im', GV sẽ thiệt thòi
Nếu chậm trễ, có thể đến 01/7/2024 khi thực hiện cải cách tổng thể tiền lương mới theo vị trí việc làm, giáo viên sẽ bị thiệt thòi.
Ngày 14/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn, xếp lương giáo viên.
Ngày 21/7/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ký ban hành Văn bản hợp nhất 08, 09, 10, 11/VBHN-BGDĐT hợp nhất Thông tư 01, 02, 03, 04/TT-BGDĐT và Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT về bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập.
Quy định bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới của Thông tư 08/2023/BGDĐT ra sao?
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có ban hành Công văn số 4306/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 14/8/2023 về bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông trong đó có hướng dẫn khi bổ nhiệm, chuyển xếp chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở từ các thông tư liên tịch (20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) sang chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định tại các thông tư (01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT), thì chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thấp hơn liền kề, không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng được bổ nhiệm,...
Có thể hiểu đơn giản đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn trình độ đào tạo thì 100% sẽ được bổ nhiệm từ hạng III, IV cũ sang hạng III mới, giáo viên hạng II cũ nếu đủ thời gian giữ hạng và tương đương (đủ thời gian công tác) sẽ được bổ nhiệm hạng II mới không cần đạt bất kỳ tiêu chuẩn, thành tích nào khác.
Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non như sau:
Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non theo quy định tại Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nay được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non quy định tại Thông tư này như sau:
Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26) đối với giáo viên mầm non hạng IV (mã số V.07.02.06) đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26);
Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.26) đối với giáo viên mầm non hạng III (mã số V.07.02.05);
Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.25) đối với giáo viên mầm non hạng II (mã số V.07.02.04)…”
Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học
Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nay được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học quy định tại Thông tư này như sau:
Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) đối với giáo viên tiểu học hạng IV (mã số V.07.03.09) đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29);
Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) đối với giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.08) đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29);
Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) đối với giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.07) có tổng thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.08) và hạng II (mã số V.07.03.07) hoặc tương đương từ đủ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự)…”
Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở
Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nay được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở quy định tại Thông tư này như sau:
Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) đối với giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) đạt tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32);
Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) đối với giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.11) có tổng thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) và hạng II (mã số V.07.04.11) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự);
Bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.30) đối với giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.10).
Đối với giáo viên trung học phổ thông chuyển từ hạng cũ sang hạng mới là tương đương về hệ số lương, chỉ khác mã số.
Như vậy giáo viên nếu đảm bảo chuẩn trình độ đào tạo và thời gian giữ hạng thì sẽ được bổ nhiệm hạng mới.
Có địa phương lại trễ hạn bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới
Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn, xếp lương giáo viên, Thông tư này có hiệu lực từ 30/5/2023.
Tại khoản 1, khoản 13 Điều 5 Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT điều khoản thi hành có quy định về hiệu lực và thời hạn bổ nhiệm như sau:
“1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 5 năm 2023…
13. Việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập phải được hoàn thành và báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vòng 06 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.”
Như vậy, hiệu lực của Thông tư 08/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 30/5/2023 và Thông tư 08/2023 quy định việc bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông công lập phải được hoàn thành và báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vòng 06 tháng tức là triển khai bổ nhiệm lương mới cho giáo viên từ các Thông tư 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV sang Văn bản hợp nhất 08,09,10,11/VBHN-BGDĐT, trước ngày 30/11/2023.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của người viết còn nhiều địa phương trong cả nước chưa thực hiện quyết định bổ nhiệm từ hạng I, II cũ sang hạng I, II mới dù họ đạt các tiêu chuẩn của Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT về tiêu chuẩn, xếp lương khiến nhiều giáo viên bị thiệt thòi.
Trong cùng đơn vị hành chính tỉnh/thành thì vẫn có huyện/thành phố thuộc tỉnh đã bổ nhiệm xong, vẫn còn huyện/thành phố vẫn chưa tiến hành bổ nhiệm.
Người viết là giáo viên công tác tại tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, đến ngày hôm nay chưa có huyện nào trong tỉnh thực hiện bổ nhiệm từ hạng I, II cũ sang hạng I, II mới.
Đến thời điểm hiện nay, sau nhiều hướng dẫn, gần nhất là Công văn số 4306/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 14/8/2023 thì việc bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới vẫn còn chưa được triển khai đồng bộ, thống nhất, dẫn đến quyền lợi của một số giáo viên chưa được bổ nhiệm thiệt thòi.
Hiện nay, vẫn còn nhiều địa phương chưa thực hiện quyết định bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới cho giáo viên, nhiều trường hợp giáo viên hiện nay vẫn còn hưởng lương hạng I, II cũ theo Thông tư 20-23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT.
Người viết cho rằng một số địa phương đã chưa làm hết trách nhiệm, quy định đã có, hướng dẫn đã có, nếu còn vướng mắc có thể trực tiếp trao đổi với Bộ Giáo dục và Đào tạo để tiến hành bổ nhiệm đúng tiến độ, theo đúng quy định để đảm bảo quyền lợi giáo viên.
Trường hợp nào đạt tiêu chuẩn phải được bổ nhiệm hạng mới kịp thời, trường hợp nào chưa đạt chưa tiến hành bổ nhiệm phải công khai cho giáo viên được biết nguyên nhân để giáo viên phấn đấu và đạt tiêu chuẩn để được bổ nhiệm, nếu không bổ nhiệm sẽ vô cùng thiệt thòi cho các trường hợp đạt tiêu chuẩn.
Người viết mong các địa phương nào chưa tiến hành bổ nhiệm nghiên cứu kỹ các quy định, sớm tiến hành bổ nhiệm từ hạng cũ sang hạng mới cho giáo viên kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho họ.
Nếu bổ nhiệm chậm trễ đến 01/7/2024 khi thực hiện cải cách tổng thể tiền lương mới theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc, giáo viên sẽ bị thiệt thòi.