Bộ GDĐT đánh giá sơ kết thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023

Việc đánh giá sơ kết tình hình thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023 là phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Chiều 26/12, tại Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tiểu ban Giáo dục đại học, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực tổ chức Phiên họp “Đánh giá sơ kết tình hình thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023”.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn - Trưởng Tiểu ban Giáo dục đại học chủ trì phiên họp.

Tham dự phiên họp có Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; Ủy viên Tiểu ban Giáo dục đại học và một số ủy viên của các Tiểu ban chuyên môn thuộc Hội đồng; đại diện một số cơ quan, ban ngành trung ương; lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học; các chuyên gia, nhà khoa học.

 Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2013, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34), có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019.

Luật số 34 được ban hành với 8 điểm mới cơ bản, như: xác định rõ hệ thống cơ sở giáo dục đại học, tiệm cận với xu hướng quốc tế, phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam; tạo ra sự bình đẳng giữa cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục, thúc đẩy sự phát triển của giáo dục đại học tư thục; tạo cơ sở pháp lý rõ ràng về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học; mở rộng phạm vi, nâng cao hiệu quả tự chủ đại học, gắn với trách nhiệm giải trình; đổi mới quản trị đại học, đảm bảo thực quyền của hội đồng trường với vai trò là cơ quan quản trị hiệu quả phù hợp với thông lệ quốc tế; đổi mới cơ chế quản lý tài chính, tài sản, các cơ sở giáo dục đại học tự chủ xây dựng và quyết định mức học phí đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo và công bố công khai; đổi mới quản lý đào tạo; đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học...

Phát biểu mở đầu phiên họp, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Trong đó, yêu cầu khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tăng cường đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học đủ năng lực, trình độ đáp ứng việc giảng dạy lĩnh vực khoa học cơ bản, công nghệ chip bán dẫn, vi mạch, kỹ thuật và công nghệ then chốt…

Vì vậy, việc đánh giá sơ kết tình hình thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023 phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW”.

 Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại phiên họp

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại phiên họp

Trước đó, xuất phát từ tình hình thực tiễn, Thường trực Chính phủ thống nhất giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát và sơ kết 5 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và văn bản pháp luật liên quan, báo cáo Chính phủ năm 2024.

Thứ trưởng mong muốn các đại biểu có những đóng góp, phân tích, đánh giá, tập trung vào những vấn đề lớn, có tính cấp bách, lâu dài, giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo có báo cáo đầy đủ, ngắn gọn súc tích để báo cáo Chính phủ, tiến tới xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung, phù hợp với tình hình mới.

Báo cáo tóm tắt về việc đánh giá sơ kết thực hiện Luật Giáo dục đại học giai đoạn 2019-2023, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, qua 5 năm thực hiện, Luật Giáo dục đại học cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn phát triển giáo dục đại học, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục đại học, nâng cao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm sự hội nhập quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nhân tài cho đất nước và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học Nguyễn Thị Thu Thủy báo cáo tại phiên họp

Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học Nguyễn Thị Thu Thủy báo cáo tại phiên họp

Tuy nhiên, trước những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế, một số quy định của Luật Giáo dục đại học đã không còn phù hợp so với yêu cầu thực tiễn.

Tại phiên họp, các đại biểu thống nhất cao Luật số 34 với việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện tự chủ đại học, được đánh giá là một chủ trương đúng đắn, đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, góp phần tạo nên diện mạo mới cho nhiều cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ trong thời gian qua. Đồng thời có những đóng góp, chỉ ra vướng mắc, bất cập, đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành Luật Giáo dục đại học trong thời gian tới.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội trao đổi tại phiên họp

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội trao đổi tại phiên họp

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, thời gian qua, thực hiện Luật số 34 với quy định về tự chủ đại học, Đại học Bách khoa Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như: tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả; số cán bộ giảng dạy tăng; giảm số lượng cán bộ hành chính; tăng 10% chương trình đào tạo bằng tiếng Anh trong 4 năm qua, rà soát đổi mới các chương trình đào tạo; hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp được thúc đẩy; phát triển hạ tầng, đầu tư cơ sở vật chất cho người thầy và người học; mô hình tổ chức được tinh gọn với 40 đơn vị thuộc, trực thuộc. Tự chủ đại học trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, sáng tạo, khởi nghiệp và hợp tác quốc tế với Đại học Bách khoa Hà Nội là rất lớn.

Tuy nhiên, theo thầy Thắng, trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số khó khăn trong thực hiện Luật số 34 như: chưa có quy định cụ thể về gắn kết giữa hoạt động đào tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học; thiếu quy định về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ chế đặt hàng nghiên cứu với những lĩnh vực đặc thù phục vụ phát triển đất nước; chưa xây dựng quy định cụ thể hỗ trợ việc tuyển dụng, thu hút nhân tài, các chuyên gia nước ngoài đến làm việc, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội ghi nhận những đánh giá chi tiết, chính xác, nhận diện các vấn đề cần sửa đổi của Luật số 34.

 Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại phiên họp

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại phiên họp

Khẳng định Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 và sau đó là Luật số 34 đã mở ra hệ thống pháp lý rất tốt cho giáo dục đại học, tạo căn cứ cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt hơn, thầy Thanh cho rằng, cần đưa các trường cao đẳng thuộc giáo dục đại học để đảm bảo tính hệ thống và phân tầng cơ sở giáo dục đại học nhằm phục vụ công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện quản lý nhà nước.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên đánh giá, hiện nay, các cơ sở giáo dục có năng lực không đồng đều nhau về nguồn nhân lực chất lượng cao, do vậy, việc cần thiết ban hành Luật trong bối cảnh thực hiện vai trò dẫn dắt hệ thống, đảm bảo đầu ra thống nhất và công bằng. Đồng thời, đề xuất bổ sung giao trách nhiệm Bộ chủ quản phải ban hành chuẩn theo Luật, để minh bạch, rõ ràng trong quản lý nhà nước; cần làm rõ rõ tự chủ bộ máy, tổ chức với tự chủ tài chính - là điều kiện của tự chủ học thuật chuyên môn…

 Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên phát biểu tại phiên họp

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang - Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên phát biểu tại phiên họp

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần thiết ban hành sửa đổi Luật số 34, bởi chúng ta đang hướng tới kỉ nguyên mới - kỉ nguyên của công nghệ cao. Đúng như tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW, vì thế, Luật Giáo dục đại học phải thay đổi, bởi các trường đại học, các viện nghiên cứu chính là nơi tập trung cao nhất của trí tuệ để các trường đại học có tâm thế, vị trí mới, đào tạo nhân lực, đáp ứng thời đại mới.

Đánh giá cao Luật số 34 như một luồng gió mới với nhiều thành công lớn trong chuyển đổi cơ cấu chương trình đào tạo, như: nâng cao sức hội nhập quốc tế; đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường, thầy Đức cho rằng, nếu không có cạnh tranh, không có tự chủ thì khó có được những điều đổi mới như vậy.

Thầy Đức mong muốn với sự chuyển biến mạnh mẽ của thời đại công nghệ số, Luật Giáo dục đại học cũng sẽ được sửa đổi, hoàn thiện, có cơ chế thúc đẩy, đào tạo nhân tài, góp phần vào sự phát triển lớn mạnh của đất nước.

 Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại phiên họp

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ tại phiên họp

Một số vấn đề cũng được các đại biểu quan tâm trong phiên họp như: tự chủ trong tuyển giảng viên nước ngoài; cần có một bộ Luật chung thống nhất, cụ thể hóa các bộ luật liên quan hiện nay; luật hóa chức năng nghiên cứu viên; ghi nhận vai trò của Bộ môn trong các cơ sở giáo dục đại học; đầu tư thời gian, công sức để có Luật mới thực sự chất lượng và phù hợp nhu cầu của thực tiễn…

Kết thúc phiên họp, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đánh giá, Luật số 34 đã mở ra hành lang pháp lý rất quan trọng, tạo ra sinh khí mới, hệ thống giáo dục đại học đang trưởng thành, thay đổi hẳn về chất và lượng, đặc biệt là về năng lực quản trị đại học, tự chủ, chất lượng chương trình đào tạo. Tất cả đã tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, tạo ra động lực mới để phát triển, chuẩn hóa chất lượng, nâng cao chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường..

Với một số điểm nghẽn còn đang tồn tại, Thứ trưởng nhấn mạnh cần bắt tay vào làm ngay, để có thời gian nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, hướng tới xây dựng Luật hiệu quả, phù hợp thực tiễn, có hiệu lực lâu dài.

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/bo-gddt-danh-gia-so-ket-thuc-hien-luat-giao-duc-dai-hoc-giai-doan-2019-2023-post248111.gd