Bộ Giáo dục công bố 38 ngành đào tạo bán dẫn: TS. Hoàng Ngọc Vinh nói...vẫn thiếu
Bộ GD&ĐT vừa công bố chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ, áp dụng với các trường đại học tham gia thực hiện chương trình 'Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050' của Chính phủ.
Theo đó, có 38 ngành ở trình độ đại học và 37 ngành ở trình độ thạc sĩ liên quan đến vi mạch bán dẫn, có thể tham gia đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Danh sách cụ thể như sau:



TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, Bộ GD&ĐT đưa ra danh mục 38 ngành học liên quan đến đào tạo nhân lực bán dẫn có vẻ vẫn còn thiếu.
Theo ông Vinh, danh sách này mới chỉ là những ngành cốt lõi về kỹ thuật. Bộ GD&ĐT nên bổ sung thêm nhân lực ở các ngành khác để hoàn chỉnh chuỗi sản xuất cung ứng ngành bán dẫn.
Ông Vinh thông tin các ngành đào tạo để phụ nhân lực ngành bán dẫn có thể kể đến: Kỹ thuật đóng gói và kiểm thử bán dẫn; Quản lý chất lượng công nghệ cao; Quản trị sản xuất ngành công nghệ cao (Quản trị đổi mới sáng tạo công nghệ; Kinh doanh công nghệ cao; Kỹ nghệ hệ thống (Systems Engineering); Chuỗi cung ứng bán dẫn và logistics kỹ thuật (Quản trị chuỗi cung ứng kỹ thuật cao; Quản lý vận hành sản xuất tự động hóa);…thì chưa có.
“Ngoài ra, có thể thêm vào danh mục ngành An toàn lao động – môi trường – năng lượng (Kỹ thuật môi trường vi mô; An toàn phòng sạch và vi điện tử; Kỹ thuật năng lượng cho nhà máy công nghệ cao”- ông Vinh nói.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT)
Về chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo, theo quy định, thí sinh muốn học hệ cử nhân, kỹ sư các ngành về vi mạch bán dẫn, nếu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, phải sử dụng tổ hợp có môn Toán và có ít nhất một môn Khoa học tự nhiên phù hợp với chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn.
Tổng điểm của các môn trong tổ hợp xét tuyển phải đạt tối thiểu 80% thang điểm xét, ví dụ tối thiểu là 24/30 với tổ hợp ba môn. Ngoài ra, điểm Toán đạt ít nhất 80% thang điểm xét, ví dụ tối thiểu 8/10.
Với người đã có bằng tốt nghiệp đại học cần có bằng tốt nghiệp phù hợp với ngành đào tạo dự tuyển và có điểm trung bình tích lũy (GPA) đạt từ 2,8/4 trở lên.
Với sinh viên đang học đại học ngành khác chuyển sang ngành vi mạch bán dẫn tại thời điểm xét cần có GPA đạt từ 2,5/4 trở lên.
Với trình độ thạc sĩ, yêu cầu với GPA ở bậc đại học đạt từ 2,8/4 trở lên.
Về vấn đề “ siết” chuẩn đầu vào ngành đào tạo bậc đại học phục vụ nhân lực ngành bán dẫn, TS Hoàng Ngọc Vinh cho là phù hợp. “Nhưng quan trọng cần tránh cảnh “trăm hoa đua nở” mà thiếu giảng viên, phòng lab, thiết bị, tài chính, nguồn tuyển sinh viên xuất sắc”- ông Vinh nêu quan điểm.