Bộ Giáo dục-Đào tạo đề xuất nới quy định về bồi hoàn học bổng đào tạo từ ngân sách
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất tăng thời gian bồi hoàn chi phí từ 60 lên 120 ngày; người chưa bồi hoàn sẽ không được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước; miễn bồi hoàn cho người đau ốm.

(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo tờ trình Chính phủ dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo.
Dự thảo có nhiều điểm mới như mở rộng đối tượng phải bồi hoàn, tăng thời gian bồi hoàn, miễn bồi hoàn cho người mắc bệnh hiểm nghèo, giảm mức bồi hoàn cho người nghèo và bổ sung quy định không tuyển dụng vào cơ quan Nhà nước với người chưa bồi hoàn.
Cụ thể, về đối tượng áp dụng, dự thảo bổ sung đối tượng là người học tham gia chương trình đào tạo ở trong nước bằng nguồn ngân sách Nhà nước nói chung. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết việc sửa đổi này nhằm bao quát hết được các trường hợp được cử đi học bằng ngân sách Nhà nước.
Về thời hạn trả và thu hồi chi phí bồi hoàn, dự thảo sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng thời hạn người học/gia đình người học phải hoàn trả chi phí bồi hoàn (tăng từ 60 ngày lên 120 ngày). Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời hạn 60 ngày tương đối ngắn. Việc tăng lên 120 ngày nhằm tạo thuận lợi cho người học/gia đình người học có thời gian thu xếp kinh phí để chi trả chi phí bồi hoàn theo quy định.
Về quy định đối với trường hợp không thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn, dự thảo bổ sung thêm trường hợp: “người học chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm bồi hoàn theo quyết định bồi hoàn chi phí đào tạo sẽ không được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan nhà nước.” Việc bổ sung quy định này nhằm hạn chế trường hợp người học không chấp hành sự điều động làm việc của Nhà nước để nộp hồ sơ tuyển dụng vào các cơ quan Nhà nước khác.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về miễn, giảm chi phí bồi hoàn. Cụ thể là thực hiện miễn, giảm chi phí bồi hoàn đối với các trường hợp: người học được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận mắc bệnh hiểm nghèo không đủ khả năng lao động hoặc từ trần được miễn chi phí bồi hoàn; người học thuộc hộ nghèo theo quy định được giảm tối đa 20% chi phí bồi hoàn quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 143.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, người học thuộc hộ nghèo có đủ điều kiện để thực hiện sự điều động làm việc của Nhà nước nhưng không thực hiện, về nguyên tắc người học phải thực hiện trách nhiệm bồi hoàn. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định đề xuất giảm tối đa 20% chi phí bồi hoàn để thống nhất với chính sách chung của Nhà nước về hỗ trợ đối với hộ nghèo.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2013/NĐ-CP để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định trong thời gian qua; nâng cao hiệu quả của công tác thu hồi chi phí đào tạo đối với những trường hợp không chấp hành sự điều động làm việc của Nhà nước./.