Bộ Giáo dục & Đào tạo đề xuất phương án thi tốt nghiệp đến năm 2025

Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12. Gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 1 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên; 1 bài thi tổ hợp Khoa học xã hội.

Tại phiên họp toàn thể của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực ngày 23/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất kế hoạch tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong giai đoạn từ 2021 đến 2025.

Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn giữ nguyên đến năm 2020. Mục đích của kỳ thi là lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT, làm cơ sở để đánh giá chất lượng dạy, học của trường phổ thông, làm cơ sở để điều chỉnh nội dung dạy, học của trường phổ thông và công tác chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục các cấp;

Phương thức kỳ thi sẽ được giữ ổn định như năm 2020 và có điều chỉnh một số điểm mang tính kỹ thuật.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án giữ nguyên kỳ thi tốt nghiệp đến năm 2025 (ảnh Trinh Phúc).

Nội dung thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.

Các bài thi gồm: 03 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ); 1 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) gồm tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học;

1 bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (KHXH) gồm tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân đối với thí sinh Giáo dục THPT (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh GDTX). Chỉ tính một đầu điểm cho bài thi tổ hợp KHTN, KHXH.

Hình thức tổ chức thi: Kết hợp cả hình thức thi trên giấy (theo phương thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020) lẫn thi trên máy tính.

Các địa phương được khuyến khích tổ chức thi trên máy tính khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, điều kiện: ngân hàng câu hỏi, nhân lực, thiết bị, quy trình,…theo các quy định của Bộ GD&ĐT và thí sinh được làm quen với hình thức thi trên máy.

Thi trên máy tính phải được tính toán để bảo đảm các yêu cầu tương quan với thi trên giấy và thí sinh có thể được dự thi một số lần trong năm.

Lộ trình thực hiện phương án thi: Năm 2020 có quyết định và công bố lộ trình triển khai để các bên liên quan biết, chủ động kế hoạch triển khai, nhất là đối với các sở GD&ĐT và các cơ sở GDĐH;

Năm 2021 tổ chức thi cơ bản ổn định như năm 2020; ban hành và hướng dẫn thực hiện các quy định về xây dựng ngân hàng câu hỏi và đề thi, quy định về tổ chức thi trên máy tính và thực hiện các thử nghiệm cần thiết;

Từ năm 2022, tổ chức thi cơ bản như năm 2020; từng bước triển khai thi trên máy tính (các địa phương đủ điều kiện) và giao các địa phương đủ điều kiện xây dựng và sử dụng ngân hàng câu hỏi, đề thi phù hợp với điều kiện của địa phương;

Từ năm 2023 chuẩn bị ngân hàng câu hỏi, đề thi phục vụ cho việc áp dụng chương trình GDPT mới từ năm 2025 với các hình thức thi trên máy tính do địa phương chủ trì toàn diện.

- Xét công nhận tốt nghiệp THPT là chỉ sử dụng kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-giao-duc-dao-tao-de-xuat-phuong-an-thi-tot-nghiep-den-nam-2025-post98275.html