Giới trẻ và áp lực mang tên 'kỳ vọng': Con ngoan, trò giỏi bỗng hóa... bất ổn

Hiện nay, có một thực trạng xã hội không mới, đang diễn ra là cha mẹ gián tiếp tạo áp lực nặng nề lên con cái vì sự kỳ vọng của mình.

Vì cố gắng làm hài lòng bố mẹ mà N.H.L. “nhồi nhét” hàng đống kiến thức vào đầu dẫn đến phát bệnh.

Vì cố gắng làm hài lòng bố mẹ mà N.H.L. “nhồi nhét” hàng đống kiến thức vào đầu dẫn đến phát bệnh.

Tuy nhiên, việc quá coi trọng điểm số, trường lớp “thương hiệu” dẫn đến ép buộc con phải học giỏi, dẫn đến nhiều hậu quả khó lường, khiến nhiều phụ huynh phải trả giá đắt.

Áp lực vô hình từ “con người ta”…

Lau vội giọt nước mắt, chị L.T.V. (34 tuổi, quận Gò Vấp, TPHCM) kể, N. D. - con trai chị vốn khỏe mạnh, thông minh, đạt được nhiều thành tích nổi bật ở trường lớp. Sau kỳ tuyển sinh lớp 10 năm 2022, N.D. đậu vào một trường có tiếng trên địa bàn TPHCM đúng mong muốn của bố mẹ.

Thời gian đầu nhập học, N.D được thầy cô, bạn bè yêu mến. Nhưng 2 tháng sau cậu rơi vào tình trạng mất ngủ, kéo dài, bỏ ăn, hạn chế tiếp xúc với mọi người, suốt ngày quanh quẩn trong phòng. Tâm lý và sức khỏe bất ổn dẫn đến kết quả học tập sa sút.

Gia đình quyết định đưa N.D. đi khám khi tình trạng của N. D. ngày một nặng hơn. N.D. không vệ sinh cá nhân và không muốn đến trường. Sau khi thăm khám tâm lý, các bác sĩ nhận định, N.D. bị stress khá nặng do phải học quá nhiều.

“Nếu gia đình tôi kịp đưa cháu đến bệnh viện sớm hơn, các bác sĩ có thể can thiệp bằng tư vấn. Nhưng, với tình hình sức khỏe tinh thần của N.D. bây giờ, bắt buộc phải kết hợp tư vấn và sử dụng thuốc. Tình trạng có thể cải thiện hay không còn tùy thuộc vào thể trạng và môi trường mà bệnh nhân tương tác”, chị V. buồn rầu chia sẻ.

Tương tự, N.H.L. (16 tuổi, quận Phú Nhuận, TPHCM) có học lực khá nhưng chưa bao giờ cha mẹ em hài lòng. Giọng nghẹn ngào khi kể về câu chuyện của mình, L. cho biết, trong mắt những người thân ở gia đình, dù L. có cố gắng vượt lên nổi bật thì vẫn thua xa con nhà cô, chú hàng xóm.

Vì muốn chứng minh và không để cha mẹ phiền lòng, mặc dù chỉ mới học lớp 9 nhưng L. đã mua sách chương trình lớp 10, 11 và đăng ký các khóa học trực tuyến trên mạng để luyện tập, mong tìm kiếm thành tích đột phá. Tự gây sức ép với bản thân đã khiến L. rơi vào khủng hoảng.

Sau một thời gian đắm mình với áp lực học hành, L. bắt đầu nổi loạn và chống đối. Từ chỗ chểnh mảng, L. bỏ học, không về nhà và cùng bạn bè xấu sử dụng chất kích thích để quên đi thời gian.

“Khi sử dụng, em cảm thấy bản thân rất tự tin. Đến khi gia đình phát hiện cũng là lúc em bị phát hiện loạn thần do sử dụng quá nhiều chất kích thích. Em được các bác sĩ đánh giá tình trạng nặng, có biểu hiện rối loạn hành vi, tự làm đau mình và không thể tiếp tục theo học mà phải nhập Khoa Chất cấm Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 điều trị”, L. buồn bã kể lại.

 Học sinh Trường THPT Gia Định (TPHCM) tham gia tiết sinh hoạt y tế học đường. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Học sinh Trường THPT Gia Định (TPHCM) tham gia tiết sinh hoạt y tế học đường. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Kiệt sức vì “chiếc ba lô” kỳ vọng

Chuyện các bạn trẻ gặp phải vấn đề khủng hoảng sức khỏe tâm thần do kỳ vọng quá nhiều từ gia đình được BS.CKI Hoàng Thị Phượng - Phụ trách Khoa Mãn tính nam - Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (tỉnh Đồng Nai) ví von như việc phải đeo những “chiếc ba lô” quá nặng.

Cha mẹ khoác lên vai các con nhưng các con không thể đeo, mà chỉ có thể kéo lê, rồi vấp ngã.

“Thực tế, áp lực học hành của trẻ ở trường đã nhiều, áp lực điểm số phụ huynh đặt lên con còn nhiều hơn. Muốn con trẻ học hành tiến bộ, thay vì kỳ vọng, bắt ép con học, phụ huynh nên giáo dục kỹ năng tự học cho con ngay từ lúc nhỏ. Như thế sẽ tạo tâm lý thoải mái, vừa giúp trẻ phát huy hết năng lực của mình", BS Phượng nói.

Theo BS Phượng, về cơ bản, không thể phủ nhận tính hiệu quả của việc tạo áp lực cho con cái vì điều đó có thể giúp con trẻ làm việc có kỷ luật, có sự nghiêm túc, tự giác trong việc học tập. Người trẻ cần có áp lực để lớn lên, nhưng loại áp lực quá sức chịu đựng, không phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và sinh ra từ sự kỳ vọng theo kiểu cố chấp của người lớn là rất nguy hại.

“Ở Việt Nam, vấn đề chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tâm thần của tuổi học đường chưa được chú trọng. Việc chăm lo cho con trẻ, đầu tư, định hướng là việc làm tốt, nhưng phụ huynh cần chú ý tới yếu tố phù hợp với tâm sinh lý của con, đặc biệt trong giai đoạn tuổi dậy thì.

Thay vì dồn ép con học thì phụ huynh nên lắng nghe mong muốn, nguyện vọng của con trẻ để giúp con học tập tốt hơn, tránh bị áp lực về tinh thần. Cần tạo môi trường học tập thoải mái, lành mạnh, sắp xếp lịch học tập và thi cử hợp lý khoa học cho từng đứa trẻ”, BS Phượng nhấn mạnh.

Cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (TPHCM) thì cho rằng việc học sinh được học tập, vui chơi hợp lý sẽ phát triển trí thông minh, giúp các em có đời sống tâm hồn phong phú và an toàn hơn.

Ngược lại, nếu phụ huynh chỉ ép học sinh tập trung học tập mà không có thời gian hòa mình trong các mối quan hệ ngoài trường lớp, không tiếp xúc với các hoạt động ngoài trời sẽ khiến con mình “kém thông minh đa dạng” hơn những trẻ khác.

“Một học sinh dành quá nhiều thời gian cho việc học chữ sẽ tỉ lệ thuận với sự khó khăn trong các kỹ năng xã hội. Có nghĩa là, trẻ được dạy chữ nhiều hơn rèn người thì quá trình hình thành, phát triển nhân cách có thể trở nên lệch chuẩn. Các em dễ tổn thương do áp lực, tự đánh giá thấp về bản thân, nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần cao hơn", cô Vân lý giải.

Để tháo gỡ vấn đề, cô Khánh Vân cho rằng, về phía nhà trường cần thường xuyên tổ chức các buổi khảo sát, nghiên cứu, phân tích, đánh giá cụ thể về tình hình sức khỏe của học sinh. Làm tốt việc này sẽ kịp thời phát hiện ra các trường hợp có dấu hiệu bất ổn về sức khỏe tâm thần.

Hoạt động tham vấn tâm lý học đường tại trường có thể tổ chức dưới hình thức các buổi sinh hoạt ngoại khóa tập thể. Đối với các trường hợp cần quan tâm đặc biệt, Trường THPT Gia Định sẽ dành không gian riêng (1 kèm 1) để học sinh cởi mở trò chuyện, tâm sự cùng chuyên gia tâm lý trị liệu một cách thoải mái, tin cậy.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2023, bệnh trầm cảm được xếp ở vị trí thứ ba trong danh sách gánh nặng bệnh tật thế giới. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, tổ chức này dự báo đến năm 2030, bệnh trầm cảm sẽ đứng ở vị trí số 1. Đáng nói, độ tuổi bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm ngày càng trẻ hóa, tập trung chủ yếu ở độ tuổi thanh, thiếu niên.

Lâm Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gioi-tre-va-ap-luc-mang-ten-ky-vong-con-ngoan-tro-gioi-bong-hoa-bat-on-post696432.html