Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chuẩn chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ, áp dụng cho các cơ sở giáo dục đại học tham gia Chương trình 'Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050' của Chính phủ.

Học viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. (Ảnh minh họa: PTIT)

Học viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. (Ảnh minh họa: PTIT)

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuẩn chương trình đào tạo là những yêu cầu chung tối thiểu áp dụng cho tất cả các chuẩn chương trình đào tạo của các ngành đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn ở trình độ đại học và thạc sĩ, bao gồm các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn đầu ra, chuẩn đầu vào, khối lượng học tập, cấu trúc, nội dung, phương pháp giảng dạy, đánh giá, đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất, công nghệ và học liệu.

Chuẩn chương trình đào tạo sẽ là cơ sở để các cơ sở đào tạo xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn. Chuẩn này cũng là nền tảng để thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo ngành chính - ngành phụ, song bằng hoặc liên ngành về vi mạch bán dẫn.

Quyết định này đặt ra một bộ khung tiêu chuẩn toàn diện và chi tiết cho việc đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, từ mục tiêu, nội dung đào tạo đến yêu cầu về giảng viên và cơ sở vật chất, đồng thời nhấn mạnh sự gắn kết với thực tiễn ngành công nghiệp.

Mục tiêu chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, có tư duy công nghệ, năng lực sáng tạo và khả năng làm việc trong môi trường toàn cầu; sẵn sàng đảm nhiệm các vị trí việc làm trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm: thiết kế và chế tạo vi mạch tích hợp (Integrated Device Manufacturer - IDM), thiết kế không xưởng (Fabless Design), gia công sản xuất vi mạch (Foundry) và sản xuất thiết bị và công cụ (Tool Manufacturer). Người học được trang bị nền tảng kiến thức, kỹ năng và năng lực đưa vào hành để đảm nhiệm các vị trí khác nhau trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời có khả năng thích ứng với sự phát triển nhanh của công nghệ và tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng công bố danh mục các ngành đào tạo phục vụ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, thống kê các ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn có thể tham gia đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn theo quy định hiện hành. Ngoài các ngành đào tạo được nêu tại danh mục này, những ngành đào tạo được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thực hiện thí điểm hoặc bổ sung vào danh mục đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ về vi mạch bán dẫn phải thực hiện theo quy định.

Danh mục các ngành đào tạo phục vụ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn:

Quyết định ban hành Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn trình độ đại học, thạc sĩ, mời xem .

ANH HUY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bo-giao-duc-va-dao-tao-ban-hanh-chuan-chuong-trinh-dao-tao-vi-mach-ban-dan-post879893.html