Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chiến lược ứng dụng AI trong giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt mục tiêu đến năm 2035, AI sẽ trở thành công cụ phổ biến đối với mỗi người học, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Đây là nội dung trích trong dự thảo Chiến lược ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng.

Theo đó, ngày 25/3, tại hội thảo khoa học “Hoạt động chuyển giao công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học nhằm tạo ra sản phẩm công nghệ ưu tiên trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Thực trạng và giải pháp”, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Sơn Hải đã đưa ra một số nội dung cơ bản của dự thảo Chiến lược ứng dụng AI trong giáo dục.

Hướng đến ứng dụng AI một cách hệ thống vào các hoạt động của ngành giáo dục

 Theo Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin Nguyễn Sơn Hải, Chiến lược ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục xác định quan điểm phát triển hệ sinh thái AI phù hợp với văn hóa và giáo dục Việt Nam. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Theo Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin Nguyễn Sơn Hải, Chiến lược ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục xác định quan điểm phát triển hệ sinh thái AI phù hợp với văn hóa và giáo dục Việt Nam. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Theo Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin Nguyễn Sơn Hải, chiến lược này nhằm tận dụng sự tiến bộ của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là công nghệ AI để định hướng ứng dụng trong giáo dục một cách tổng thể, đồng bộ và bền vững; góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo, củng cố vị thế quốc gia trong lĩnh vực AI. Đồng thời, cải thiện, hiện đại hóa hệ thống giáo dục; tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo; nâng cao năng lực số cho người học, tạo nền tảng cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định, ứng dụng AI trong giáo dục là xu hướng tất yếu, giúp mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, nâng cao hiệu lực và chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên, việc triển khai cần đặt lợi ích của người học, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục làm trung tâm. Ứng dụng AI phải được tận dụng tối đa lợi thế, đồng thời đảm bảo các giá trị cốt lõi như tính trung thực, tư duy sáng tạo, năng lực tự học và kiểm soát các rủi ro có thể phát sinh.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đóng vai trò tiên phong trong ứng dụng AI vào công tác chuyên môn, hướng dẫn người học sử dụng AI có trách nhiệm. Đặc biệt, với học sinh phổ thông, việc sử dụng AI phải có sự kiểm soát chặt chẽ để tránh những tác động tiêu cực. Năng lực AI của giáo viên, cán bộ quản lý và người học là yếu tố quyết định sự thành công của ứng dụng AI trong ngành giáo dục. Vì vậy, đội ngũ nhà giáo cần thường xuyên cập nhật, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá để thích ứng với việc ứng dụng AI của người học.

Việc phát triển hệ sinh thái AI phù hợp với văn hóa và giáo dục Việt Nam là một trong những quan điểm chỉ đạo quan trọng, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của AI trong giáo dục. Đồng thời, ứng dụng AI cần tuân thủ các quy định về quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu cá nhân và đảm bảo sử dụng AI có trách nhiệm. Đặc biệt, việc triển khai ứng dụng AI cần có cách tiếp cận toàn diện, bài bản; các nội dung khó và nhạy cảm phải được thử nghiệm, đánh giá tác động trước khi áp dụng rộng rãi, nhất là với học sinh phổ thông.

Chiến lược đặt mục tiêu tổng quát là ứng dụng AI một cách tổng thể và có hệ thống vào các hoạt động của ngành giáo dục, hướng đến xây dựng một nền giáo dục số hiện đại, hiệu quả và bền vững. Định hướng đến năm 2035, AI sẽ trở thành công cụ phổ biến đối với mỗi người học, nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đồng thời hệ sinh thái AI do doanh nghiệp Việt Nam phát triển sẽ được sử dụng thống nhất trong giáo dục phổ thông.

Đề xuất 4 nhóm giải pháp ứng dụng AI trong giáo dục

 Ảnh minh họa: Sinh viên Trường Đại học CMC

Ảnh minh họa: Sinh viên Trường Đại học CMC

Để hiện thực hóa chiến lược ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra 4 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm đảm bảo AI được triển khai bài bản, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn giáo dục Việt Nam.

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách về ứng dụng AI. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành khung hướng dẫn ứng dụng AI trong giáo dục; mỗi cơ sở giáo dục ban hành quy chế và quy tắc ứng xử liên quan đến việc sử dụng AI trong nhà trường. Đồng thời, một khung năng lực AI và bộ tiêu chí đánh giá năng lực AI dành cho người học và nhà giáo sẽ được xây dựng. Bên cạnh đó, các quy định về quản lý dữ liệu và bảo mật thông tin cũng sẽ được hoàn thiện nhằm đảm bảo AI được ứng dụng an toàn, hiệu quả. Đặc biệt, Bộ sẽ hỗ trợ để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong nước, tham gia phát triển hệ sinh thái AI trong giáo dục.

Thứ hai, nâng cao nhận thức và phát triển năng lực AI. AI sẽ được tích hợp vào chương trình giáo dục phổ thông, đại học và giáo dục nghề nghiệp theo lộ trình phù hợp với từng cấp học và đối tượng. Chương trình đào tạo cho sinh viên sư phạm cũng sẽ được cập nhật để chuẩn bị cho việc ứng dụng AI trong giảng dạy. Ngoài ra, các cuộc thi AI quy mô quốc gia và quốc tế sẽ được tổ chức; đồng thời triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Thứ ba, phát triển hệ sinh thái AI trong giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lựa chọn, phổ biến và hướng dẫn sử dụng các công cụ AI phù hợp với hoạt động giảng dạy. Một nền tảng dữ liệu mở cũng sẽ được xây dựng, cho phép AI hỗ trợ phân tích, dự báo và hoạch định chính sách giáo dục và chia sẻ phục vụ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái ứng dụng AI cho giáo dục Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ sẽ được khuyến khích phát triển chatbot, gia sư ảo, trợ giảng AI, hệ thống đánh giá năng lực người học và công cụ giám sát, chấm điểm tự động. Để đảm bảo điều kiện triển khai, hạ tầng, trang thiết bị, kết nối Internet ở các cơ sở giáo dục cũng được rà soát, nâng cấp kịp thời để triển khai chuyển đối số và ứng dụng AI.

Thứ tư, thúc đẩy hợp tác trong và ngoài nước. Tăng cường hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp công nghệ để nghiên cứu và phát triển các ứng dụng AI phù hợp với hệ thống giáo dục Việt Nam. Đồng thời, sự liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp sẽ được đẩy mạnh nhằm đào tạo nguồn nhân lực AI chất lượng cao. Ngoài ra, các chương trình bồi dưỡng, tập huấn về ứng dụng AI cũng sẽ được tổ chức với sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và người học.

Ứng dụng AI trong giáo dục cần gắn với bản sắc văn hóa dân tộc

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục, đồng thời mong muốn nhận được sự đóng góp ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học và tổ chức trong nước cũng như quốc tế. Những kinh nghiệm thực tiễn về AI trên thế giới sẽ giúp Bộ hoàn thiện dự thảo kế hoạch triển khai AI trong giáo dục.

 Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, việc phát triển ứng dụng AI phải đảm bảo giữ gìn bản sắc, văn hóa truyền thống dân tộc. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, việc phát triển ứng dụng AI phải đảm bảo giữ gìn bản sắc, văn hóa truyền thống dân tộc. Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo

“Trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực còn mới mẻ và thay đổi rất nhanh chóng. Với tinh thần cầu thị, Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn lắng nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học để có cách tiếp cận phù hợp và hiệu quả,” Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt lưu ý việc phát triển ứng dụng AI phải đảm bảo giữ gìn bản sắc, văn hóa truyền thống dân tộc. Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, điều quan trọng là khai thác tối đa lợi ích của AI và hạn chế tối đa những tác động tiêu cực.

“Việc ứng dụng AI trong giáo dục phải giúp học sinh, sinh viên có thêm cơ hội học tập hiệu quả, sáng tạo và hạnh phúc hơn, thay vì tạo ra tâm lý ỷ lại, thụ động. Nếu được khai thác đúng cách, AI sẽ là cơ hội tuyệt vời để xây dựng một xã hội học tập suốt đời,” Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/bo-giao-duc-va-dao-tao-xay-dung-chien-luoc-ung-dung-ai-trong-giao-duc-post250172.gd