Đề xuất nhiều nội dung sửa đổi Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục Nghề nghiệp
Chiều 29/3, tại Hải Phòng, Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức tọa đàm tham vấn chính sách xây dựng Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) và Luật Giáo dục Nghề nghiệp (GDNN).
Thực tế, sau nhiều năm triển khai thực hiện, Luật GDĐH và Luật GDNN đã mang lại những chuyển biến tích cực trong đào tạo nguồn nhân lực có trình độ. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới với những yêu cầu ngày càng cao về hội nhập quốc tế, chuyển đổi số, tự chủ đại học, liên thông hệ thống, có nhiều vướng mắc cần được rà soát, đánh giá và điều chỉnh kịp thời.

Tọa đàm tham vấn chính sách xây dựng Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) và Luật Giáo dục Nghề nghiệp (GDNN) được Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức. Ảnh: Nguyễn Dịu.
Trên cơ sở đó, năm 2024, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã tiến hành tổng kết, đánh giá và đề xuất Chính phủ đưa hai dự án luật vào kế hoạch xây dựng văn bản pháp luật năm 2025, với mục tiêu trình Quốc hội vào kỳ họp tháng 10/2025.
Tại phiên tọa đàm chuyên sâu Luật GDĐH, Bộ Giáo dục & Đào tạo lấy ý kiến các trường đại học 20 nội dung được đề xuất sửa đổi. Các đại biểu cùng thảo luận, góp ý những vấn đề chính sách liên quan như: Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật GDĐH; Quy định rõ các loại hình cơ sở GDĐH, đặc biệt là tư thục, viện nghiên cứu, học viện; Làm rõ vai trò, trách nhiệm của Hội đồng trường và hiệu trưởng; Bổ sung khung pháp lý cho giảng viên, chuyên gia nước ngoài....
Trong đó, nội dung liên quan đến học phí nhận được nhiều sự quan tâm. Nhiều ý kiến đề xuất rằng cơ sở giáo dục đại học được tự chủ xác định mức học phí, gắn với cam kết chất lượng đào tạo; đối với trường công lập, mức học phí không vượt quá 50% thu nhập bình quân đầu người.

Đại biểu Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình phát biểu tại Tọa đảm. Ảnh: Nguyễn Dịu.
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục & Đào tạo nêu quan điểm: Tự chủ học phí là một phần của cơ chế tự chủ đại học và cần thiết để các trường nâng cao chất lượng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, cần có giới hạn phù hợp để tránh gánh nặng tài chính cho người học, đặc biệt ở các trường công lập. Hiện chưa có quy định mang tính nguyên tắc về mức trần học phí so với thu nhập người dân.
Ngoài ra, tại tọa đàm, nhiều ý kiến đề xuất Luật GDĐH cần quy định rõ việc cho phép triển khai đào tạo trực tuyến, đào tạo kết hợp với giá trị văn bằng nếu đảm bảo chuẩn đầu ra và chất lượng; cơ chế cho phép các cơ sở GDĐH Việt Nam được cung cấp dịch vụ giáo dục ra nước ngoài và có chính sách thu hút sinh viên quốc tế đến học tại Việt Nam.
Nhiều đại biểu cũng nêu đề xuất chính sách không thu tiền sử dụng đất và miễn thuế đất với các cơ sở giáo dục; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp với các trường không vì lợi nhuận; ưu đãi thuế để khuyến khích đầu tư tư nhân vào lĩnh vực giáo dục…
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật GDĐH và Luật GDNN trước nhu cầu phát triển của đất nước. Trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, các đại biểu mạnh dạn chỉ rõ những "điểm nghẽn" và tập trung phân tích, đưa ra những đề xuất ban đầu về cơ chế, để bổ sung, xây dựng mới chính sách phù hợp với điều kiện thực tế.