Bộ Giao thông vận tải Họp báo về dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông

Chiều 28.12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy chủ trì buổi Họp báo thông tin về tình hình triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được khởi công đồng loạt vào đúng dịp Tết Dương lịch 2023.

Cụ thể, sáng 31.12, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức khánh thành dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn tại nút giao Cầu Tuần, xã Hương Thọ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngay sau đó một ngày, sáng 1.1, Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đồng loạt diễn ra tại 12 dự án thành phần tại 9 tỉnh. Trong đó 3 điểm đầu cầu chính tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Ngãi và Hậu Giang.

Riêng điểm cầu trung tâm Quảng Ngãi (Dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn) có sự tham dự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 9 điểm cầu (9 gói thầu/9 dự án thành phần) còn lại diễn ra tại địa bàn các tỉnh: Hà Tĩnh (2 điểm), Quảng Bình (1 điểm), Quảng Trị (1 điểm) Bình Định (1 điểm), Phú Yên (2 điểm), Khánh Hòa (1 điểm), Cà Mau (1 điểm).

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy cho biết đây là lần đầu tiên Bộ Giao thông Vận tải tổ chức đồng loạt 12 dự án, thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm của Chính phủ cùng sự đồng lòng của Nhân dân nỗ lực, phấn đấu thực hiện thành công 1 trong 3 đột phá chiến lược đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra với mục tiêu đến năm 2025, cả nước có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc; trong đó cơ bản hoàn thành toàn bộ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Trước đó, tại kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, QH Khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 44/2022/QH15 ngày 11.1.2022 về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025: Nghị quyết được ban hành gồm 4 điều, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong trung và dài hạn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, kết nối các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của Nhân dân, giúp giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau.

Dự án đầu tư khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 5.481 ha, trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 146.990 tỷ đồng.

Theo kế hoạch được phê duyệt, dự án gồm 25 gói thầu gồm: gói thầu 11 – XL đoạn Bãi Vọt – Hàm Nghi (35,28 km); gói thầu 11 – XL đoạn Hàm Nghi – Vũng Áng (30 km); gói thầu XL02 đoạn Vũng Áng – Bùng (23,54 km); gói thầu XL02 đoạn Bùng – Vạn Ninh (19,27 km); gói thầu XL02 đoạn Vạn Ninh – Cam Lộ (32,54 km); gói thầu XL1 đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn (30 km); gói thầu 11 – XL đoạn Hoài Nhơn – Quy Nhơn (23,5 km); gói thầu 12 – XL đoạn Quy Nhơn – Chí Thạnh (22,1 km); gói thầu XL02 đoạn Chí Thạnh – Vân Phong (24,05 km); gói thầu XL02 đoạn Vân Phong – Nha Trang (30,85 km); gói thầu XL đoạn Cần Thơ – Hậu Giang (37,65 km) và gói thầu XL02 đoạn Hậu Giang – Cà Mau (22,4 km)….

Tin và ảnh: Chí Tuấn

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/bo-giao-thong-van-tai-hop-bao-ve-du-an-cao-toc-bac-nam-phia-dong-i312831/