Bộ Giao thông vận tải quy định về đường ngang
Khi đỗ xe gần đường ngang, phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải đỗ xe cách xa chắn đường bộ ít nhất 10m ở nơi có chắn hoặc đỗ cách xa má ray ngoài cùng ít nhất 20m ở nơi không có chắn.
Người đi bộ và phương tiện giao thông đường bộ khi qua đường ngang phải ưu tiên cho các phương tiện giao thông hoạt động trên đường sắt; phải chấp hành hướng dẫn của người gác đường ngang hoặc tín hiệu phòng vệ đường ngang.
Đây là quy định nêu tại Thông tư 33/2012/TT-BGTVT vừa được Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Thông tư quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật đường ngang, tổ chức phòng vệ và tổ chức quản lý xây dựng đường ngang trên đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng.
Đường ngang là đoạn đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng và khai thác. Đường ngang phải được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị theo quy định. Dọc 2 bên lề đường bộ dẫn vào đường ngang phải có cọc tiêu.
Tại đường ngang có người gác cũng phải bố trí người gác thường trực liên tục suốt ngày đêm theo chế độ ban, kíp.
Bộ Giao thông vận tải nghiêm cấm người không có nhiệm vụ tự ý mở chắn đường ngang khi chắn đã đóng. Cấm người không có trách nhiệm leo trèo, xê dịch, động chạm vào các tín hiệu, thiết bị đường ngang; vào nhà gác đường ngang. Mọi tổ chức, cá nhân đều phải có trách nhiệm bảo vệ; không được tự ý di chuyển, chiếm đoạt, làm hư hỏng hệ thống báo hiệu, thiết bị, công trình đường ngang.
Cũng theo quy định tại Thông tư này, nếu khi sửa chữa đường ngang có ảnh hưởng đến giao thông đường bộ, đơn vị thi công đường sắt phải thống nhất với cơ quan quản lý đường bộ, không được làm ách tắc giao thông đường bộ và đường sắt trong thời gian sửa chữa.
Theo số liệu thống kê, toàn mạng đường sắt Việt Nam hiện có khoảng 6.267 đường ngang, trong đó có 1.458 đường ngang hợp pháp và 4.600 vị trí giao cắt tự phát giữa đường dân sinh với đường sắt.