Bộ Giao thông Vận tải quyết liệt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải trên toàn quốc
Ngày 15/11 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) công bố quyết định về việc kiểm tra công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của Sở GTVT trên toàn quốc thông qua việc lập 4 đoàn kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời các bất cập và kiến nghị giải pháp tháo gỡ.
Lập 4 đoàn kiểm tra trên toàn quốc
Bộ GTVT vừa công bố quyết định về việc kiểm tra công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của Sở GTVT, Sở GTVT - Xây dựng toàn quốc.
Quyết định này nhằm phát hiện bất cập trong các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (nếu có) để sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền biện pháp khắc phục, hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông đường bộ do phương tiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô gây ra.
Đồng thời, đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật của các chủ thể trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; phòng ngừa, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý tồn tại, vi phạm (nếu có); hướng dẫn các đơn vị được kiểm tra thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Theo đó, Bộ GTVT giao bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với lãnh đạo Vụ Vận tải, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo hoạt động các Đoàn kiểm tra, xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý kiến nghị của các Đoàn kiểm tra khi thực hiện kiểm tra công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của Sở GTVT, Sở GTVT - Xây dựng toàn quốc.
Bộ GTVT thành lập 4 đoàn kiểm tra. Trong đó, đoàn kiểm tra số 1 do ông Trịnh Văn Tùng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ GTVT làm trưởng đoàn cùng 4 thành viên khác thực hiện kiểm tra Sở GTVT các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang.
Đoàn kiểm tra số 2 do ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải làm trưởng đoàn cùng 3 thành viên khác, thực hiện kiểm tra tại các Sở GTVT: Hưng Yên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau.
Đoàn kiểm tra số 3 do ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam làm trưởng đoàn cùng 5 thành viên khác, tổ chức kiểm tra tại các Sở GTVT: Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Lâm Đồng.
Đoàn kiểm tra số 4 do ông Nguyễn Thế Lực, Phó trưởng phòng Pháp chế - Thanh tra, Cục Đường bộ Việt Nam làm trưởng đoàn cùng 5 thành viên khác, tổ chức kiểm tra tại các Sở GTVT: Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Sóc Trăng, Bến Tre, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ.
Các đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra quá trình quản lý hoạt động quản lý kinh doanh vận tải của các Sở GTVT từ ngày 1/1/2024 và kết thúc trước ngày 5/2/2024.
Xiết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải
Bộ GTVT cho biết, trong thời gian từ ngày 1/1 đến ngày 5/2/2024, các đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải của các Sở GTVT trong việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ GTVT về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Đoàn kiểm tra cũng sẽ tập trung làm rõ việc Sở GTVT địa phương tham mưu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Trong đó, phê duyệt, công bố: Danh mục mạng lưới vận tải hành khách bằng xe buýt, mạng lưới tuyến vận tải hành khách cổ định nội tỉnh; vị trí các điểm dừng đón, trả khách; chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với vận tải hành khách bằng xe buýt; định mức kinh tế - kỹ thuật cho hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt đối với các tuyến có trợ giá; kế hoạch phát triển và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải; quản lý hoạt động của xe ô tô vận tải trung chuyển hành khách.
Cùng với đó là công tác quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô như: Cấp, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu, biển hiệu; Quản lý hoạt động vận tải qua thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát; chỉ đạo, giám sát, kiểm tra việc tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; Quản lý tuyến cố định; tổ chức điểm dừng đón, trả khách tuyến cố định; xe trung chuyển hành khách; tiếp nhận thông tin về hoạt động vận chuyển khách theo hợp đồng; thông báo các xe vận chuyển khách theo hợp đồng.
Đoàn sẽ kiểm tra việc cấp, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu; Quản lý hoạt động vận tải qua thiết bị giám sát hành trình, camera giám sát; chỉ đạo, giám sát, kiểm tra việc tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho lái xe.
Bên cạnh đó, cũng kiểm tra công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động kinh doanh vận tải và các nội dung khác có liên quan (như: thông báo, công khai các thông tin theo quy định; tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến để giải quyết các thủ tục hành chính về hoạt động vận tải bằng xe ô tô; quản lý hoạt động của bãi đỗ xe; công tác phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương trong quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô).
Về phương pháp kiểm tra, các đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra trực tiếp tại đơn vị được kiểm tra; kiểm tra xác suất hồ sơ, tài liệu do đối tượng kiểm tra cung cấp và hồ sơ, tài liệu khác có liên quan (nếu có).
"Trường hợp cần thiết, các đoàn kiểm tra làm việc với các cơ quan, đơn vị có liên quan để thu thập, đối chiếu thông tin, tài liệu phục vụ cho công tác kiểm tra. Các đoàn kiểm tra có thể làm việc ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ theo quyết định của Trưởng đoàn kiểm tra và thống nhất với đối tượng kiểm tra", quyết định nêu rõ.