Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu rà soát và cảnh báo việc lợi dụng tăng giá cước vận tải
Bộ Giao thông Vận tải vừa yêu cầu các đơn vị rà soát, kê khai để đánh giá việc điều chỉnh giá cước vận tải theo lĩnh vực phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu. TCDN -
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi các đơn vị trong ngành và sở giao thông vận tải các địa phương về việc tăng cường biện pháp quản lý, điều hành giá.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai các giải pháp đề ra tại Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các giải pháp của Chính phủ và theo dõi sát, nắm chắc tình hình để chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời, khoa học, hiệu quả, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đã đề ra, đảm bảo đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị Sở giao thông vận tải các địa phương chủ động tham mưu UBND tỉnh tăng cường kiểm tra, rà soát kê khai giá, niêm yết giá của đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn để đánh giá việc điều chỉnh giá của các đơn vị với yếu tố đầu vào, đặc biệt chi phí xăng dầu. Trường hợp có thể giảm giá, các địa phương yêu cầu doanh nghiệp kê khai và giảm giá kịp thời. Báo cáo kết quả về bộ trước ngày 20/8.
Các cơ quan quản lý đường thủy, hàng hải, hàng không, đường sắt của Bộ Giao thông vận tải cũng được yêu cầu kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quản lý, đảm bảo phù hợp với diễn biến giá xăng dầu. Trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện giảm kịp thời; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, đưa các khoản phụ thu bất hợp lý để thu cao hơn giá kê khai, niêm yết. Kết quả báo cáo về bộ trước ngày 25/8.
Bộ Giao thông vận tải cũng giao Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông theo dõi giá vật liệu xây dựng để kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, không để ảnh hưởng tới tiến độ các dự án giao thông trọng điểm.
Trước đó, tại cuộc họp giao ban tháng 7 của Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Cục Hàng hải tăng cường quản lý phí và nghiên cứu, đề xuất phương án giảm phí tại cảng biển Việt Nam. Chỉ khi quản lý tốt giá, phí mới đạt được mục tiêu giảm chi phí logistics cho hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh “bão giá” hiện nay.
Liên quan đến đề xuất giảm thêm thuế đối với xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết, ngày 28/7/2022, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương về phương án thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan triển khai xây dựng văn bản theo đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Trước đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 20/2022/UBTVQH15 ngày 6/7/2022, qua đó đã điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế quy định tại Luật thuế bảo vệ môi trường đến hết ngày 31/12/2022 (Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 11/7/2022).
Về thuế xuất nhập khẩu, ngày 19/7/2022, trên cơ sở ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính có Tờ trình 166/TTr-BTC trình Chính phủ về dự thảo Nghị định giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì thuộc nhóm 27.10 từ 20% xuống 10%.