Bò giống - sinh kế bền vững cho người dân ở khu vực biên giới
Để giúp người dân ở khu vực biên giới tỉnh Kon Tum phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, thời gian qua, các đơn vị thuộc BĐBP Kon Tum đã triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, trong đó có mô hình 'Bò giống cho người nghèo' đang được thực hiện có hiệu quả, giúp bà con tại địa phương mở hướng thoát nghèo bền vững.
Đối với người nghèo ở vùng biên giới, được hỗ trợ bò giống là bước khởi đầu cho việc thoát nghèo. Bò có thể sinh sản để sinh lời, hoặc được sử dụng trong canh tác nông nghiệp, cung cấp sức kéo, phân bón... Đặc biệt, mô hình không chỉ dừng lại ở việc tặng bò, mà còn đưa ra điều kiện cho các hộ gia đình phải có trách nhiệm xoay vòng con giống, tức là khi bò sinh sản, gia đình được hỗ trợ phải chuyển giao con giống mới cho hộ khác, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa, giúp nhiều người cùng được hưởng lợi.
Chúng tôi có dịp trao đổi với ông A Quốc ở làng Tang, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, ông cho biết, trước đây, do ít đất sản xuất và chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt nên cuộc sống của gia đình ông luôn trong cảnh thiếu thốn. Năm 2020, Đồn Biên phòng Mo Rai, BĐBP Kon Tum đã triển khai mô hình “Bò giống cho người nghèo” do BĐBP tỉnh phát động, triển khai, lúc đó gia đình ông Quốc đã được hỗ trợ một con bò giống. Sau 1 năm chăm sóc, nhờ sự hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mo Rai, con bê đầu tiên đã được ra đời. Đến nay, đàn bò của gia đình ông đã phát triển lên 7 con, vì vậy, có thêm điều kiện để phát triển kinh tế và thoát nghèo.
Còn đối với gia đình bà Y Phíu ở làng Tang, xã Mo Rai, mấy năm trước, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, nhà có 6 người nhưng chỉ biết trông chờ vào mấy sào lúa cộng với công đi làm thuê, làm mướn nên thu nhập không ổn định. Vì vậy, cái nghèo vẫn cứ đeo bám gia đình bà. Năm 2021, được Đồn Biên phòng Mo Rai tặng một con bò giống, đây là tài sản có giá trị nhất trong gia đình bà Y Phíu. Lần đầu làm quen với việc chăn nuôi bò nên bà Phíu rất lo lắng, nhưng được cán bộ của Đồn Biên phòng Mo Rai trực tiếp hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng ngừa dịch bệnh cho bò nên đến nay, gia đình bà đã có 3 con bò.
Thiếu tá Hồ Hữu Ngạn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mo Rai cho biết: “Khi tặng bò giống của đơn vị cho các hộ nghèo trên địa bàn, chúng tôi đã trao đổi với bà con rằng, phải chăm sóc tốt, không để bò giống đau ốm. Bên cạnh đó, chúng tôi đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng mô hình “Bò giống cho người nghèo” trên địa bàn xã Mô Rai. Đến nay, toàn xã đã có tổng cộng 14 con bò được hỗ trợ cho người dân từ mô hình này’’.
Trước khi hỗ trợ bò giống cho các gia đình, Đồn Biên phòng Mo Rai đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và cử cán bộ chuyên môn đến từng hộ để khảo sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con. Sau khi xác định được hộ nghèo, đơn vị đã chủ động kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và vận động cán bộ, chiến sĩ tự nguyện quyên góp kinh phí để mua bò giống tặng cho các hộ nghèo.
Đại tá Phạm Cảnh Toàn, Phó Chính ủy BĐBP Kon Tum cho biết: “Quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Kon Tum và chủ trương của Bộ Tư lệnh BĐBP về xây dựng thôn (làng) “no, đủ, vững mạnh, an toàn” và căn cứ tình hình thực tế công tác của BĐBP tỉnh cũng như điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, nhu cầu của người dân khu vực biên giới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã ra nghị quyết, triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng thôn Đắk Ga, xã Đắk Nhoong, huyện Đắk Glei theo chủ trương nói trên để người dân yên tâm, tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế. Đồng thời, động viên bà con tham gia có hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, duy trì an ninh trật tự địa bàn".
Năm 2008, mô hình “Bò giống cho người nghèo” được triển khai; ban đầu giúp đỡ 3 hộ gia đình, sau đó nhân rộng ra toàn xã. Đến nay, mô hình này đã được thực hiện tại 13/13 xã biên giới của tỉnh Kon Tum với 91 hộ gia đình được hưởng lợi. Để mỗi con bò khi được bàn giao cho người dân đều có thể trạng tốt nhất, các đồn Biên phòng đã tham mưu cho chính quyền địa phương cử cán bộ thú y tiêm đầy đủ các loại vắc xin để phòng ngừa dịch bệnh.
Đến với 13 xã biên giới của tỉnh Kon Tum hôm nay, điều dễ nhận thấy là người dân đã có cuộc sống no đủ hơn. Điều này thể hiện sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, chính quyền các cấp, sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của người dân và một phần đóng góp của cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Thông qua các mô hình, hoạt động thiết thực nói trên không chỉ tạo nguồn sinh kế lâu dài cho người dân, mà còn góp phần thắt chặt mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa quân với dân, chung tay phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ biên giới và xây dựng địa bàn vững mạnh toàn diện.