Bộ GTVT cần giải ngân gần 60.000 tỷ đồng trong sáu tháng cuối năm
Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các chủ thể tham gia dự án tập trung nỗ lực đẩy nhanh thực hiện giải ngân để đáp ứng tiến độ cũng như bù phần giá trị giải ngân bị chậm.
Mặc dù kết quả giải ngân luôn duy trì ở mức cao, tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải vẫn đốc thúc các chủ đầu tư/ban quản lý dự án và các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ nhằm đạt kế hoạch mà Chính phủ đã giao.
Báo cáo về công tác triển khai quy hoạch và giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2023, tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều ngày 10/7, đại diện Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Đầu tư cho biết, tính đến hết tháng Sáu, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân được khoảng 35.627 tỷ đồng (đạt 37,4% kế hoạch năm).
“So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân cao hơn cả về giá trị và tỷ lệ (gấp hơn 2 lần giá, tỷ lệ cao hơn 7%). Trong sáu tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân của bộ luôn được duy trì ở mức cao hơn trung bình cả nước,” phía Vụ Kế hoạch-Đầu tư đánh giá.
Mặc dù kết quả giải ngân chung của bộ trong sáu tháng đạt yêu cầu, tuy nhiên, đại diện Vụ Kế hoạch-Đầu tư bày tỏ lo ngại vẫn có dự án/chủ đầu tư tiến độ giải ngân chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu như Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 tiến độ giải ngân đạt 82% so với kế hoạch đăng ký.
Khẳng định giá trị giải ngân sáu tháng đầu năm chủ yếu tập trung vào các Dự án Cao tốc Bắc-Nam, đại diện Vụ Kế hoạch-Đầu tư cho biết trong sáu tháng cuối năm, số vốn còn lại cần giải ngân là rất lớn (khoảng 59.000 tỷ đồng), trong khi hầu hết các dự án cao tốc đều mới khởi công xây dựng, giá trị sản lượng không cao.
Để hoàn thành kế hoạch giải ngân được giao, Vụ Kế hoạch-Đầu tư đề nghị các chủ đầu tư/ban quản lý dự án ở Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 đã hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng (đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, Cam Lộ-La Sơn, Nha Trang-Cam Lâm, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây) cần tập trung hoàn thiện thủ tục hoàn công, thanh quyết toán dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân năm 2023, nếu kéo dài sang 2024 sẽ không có cơ sở để bố trí vốn.
Các dự án đang triển khai thi công (Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu, Cầu Mỹ Thuận 2, Diễn Châu-Bãi Vọt và Cam Lâm-Vĩnh Hảo) cần chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân lực, máy móc, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” để đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn hoàn thành đúng tiến độ và giải ngân các dự án.
Đối với Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, chủ đầu tư/ban quản lý dự án phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để phục vụ thi công, góp phần đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công được bố trí, đặc biệt trong điều kiện dư địa để giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng còn rất lớn (đến nay mới giải ngân được 5.154/14.865 tỷ đồng, khoảng 30% giá trị).
Các đơn vị của nêu trên cũng cần phối hợp với các địa phương hoàn thiện các thủ tục để sớm cấp mỏ vật liệu cho các nhà thầu khai thác phục vụ thi công. Trong thời gian chờ thủ tục cấp mỏ, căn cứ vào tiến độ thi công được duyệt, các nhà thầu chủ động mua và tập kết vật liệu để tổ chức thực hiện, bảo đảm không xảy ra hiện tượng thiếu vật liệu ảnh hưởng tới tiến độ triển khai các dự án.
Chủ đầu tư/ban quản lý dự án tiếp tục yêu cầu các nhà thầu tập trung huy động mọi nguồn lực để triển khai thi công bảo đảm tiến độ yêu cầu; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng ngay khi có khối lương theo đúng quy định…/.
Năm 2023, Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao 95.222 tỷ đồng, đây là số vốn được giao lớn nhất từ trước tới nay của bộ (gấp 1,7 lần năm 2022 và 2,2 lần năm 2021).
Kế hoạch vốn năm 2023 chủ yếu tập trung giao cho 12 chủ đầu tư, ban quản lý dự án do Bộ Giao thông Vận tải quản lý (được giao 86.795 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 91,2% tổng số vốn được giao của bộ); các chủ đầu tư còn lại gồm 24 sở giao thông vận tải, VEC và 2 trường cao đẳng được giao 8.400 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 8,8%) chủ yếu tập trung để quyết toán dự án và hoàn vốn ứng trước.