Bộ GTVT còn phải giải ngân hơn 20.000 tỷ
Hết 11 tháng/2022, dự kiến Bộ GTVT giải ngân được 34.900 tỷ đồng, đạt 63,4% so với kế hoạch, số còn lại phải giải ngân là hơn 20.000 tỷ đồng.
Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, năm 2022, Bộ GTVT được giao vốn đầu tư công hơn 55.000 tỷ đồng. Hết 11 tháng năm 2022, dự kiến Bộ này giải ngân được 34.900 tỷ đồng.
Từ 1/12/2022 tới 31/01/2023, Bộ GTVT cần tiếp tục giải ngân khoảng 20.151 tỷ đồng. Trong đó, số vốn cần giải ngân từ nay đến cuối năm tập trung tại các dự án thuộc Bộ khoảng 12.218 tỷ đồng và dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng của Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) gần 5.000 tỷ đồng.
Bộ GTVT thừa nhận, số vốn khoảng 20.151 tỷ đồng phải giải ngân trong cuối năm là rất lớn, một thách thức không nhỏ đối với mục tiêu phấn đấu giải ngân 95%-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Để giải ngân hết số vốn trên từ nay đến cuối năm, Bộ GTVT đã đưa ra kế hoạch giải ngân chi tiết. Cụ thể, theo Bộ GTVT, với 11 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, kế hoạch đã giao 16.034 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2022 giải ngân 12.439 tỷ đồng (77,6%), còn lại phải giải ngân 3.595 tỷ đồng.
Với 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, kế hoạch đã giao là 9.521 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2022 giải ngân 4.553 tỷ đồng (47,8%), còn lại phải giải ngân là 4.968 tỷ đồng. Giá trị giải ngân các dự án chủ yếu phục vụ công tác giải phóng mặt bằng do các địa phương thực hiện. Do vậy, theo Bộ GTVT, để có thể giải ngân tối đa kế hoạch đã giao cho các dự án trong nhóm này, địa phương có dự án đi qua cần quyết liệt đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng.
Với các dự án ODA, kế hoạch đã giao là 5.440 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2022 giải ngân 3.709 tỷ đồng (68,2%), còn lại chưa giải ngân 1.731 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở 8 dự án lớn là Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (350 tỷ đồng), Bến Lức - Long Thành (296 tỷ đồng), Kết nối giao thông phía Bắc (211 tỷ đồng), Kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (92 tỷ đồng), dự án VRAMP (109 tỷ đồng), Đường sắt Cát Linh - Hà Đông (98 tỷ đồng), Kênh nối Đáy - Ninh Cơ (92 tỷ đồng), Tuyến nối QL91 - tránh Long Xuyên (92 tỷ đồng).
Với các dự án trọng điểm, cấp bách, theo Bộ GTVT, kế hoạch đã giao 3.243 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2022 giải ngân 2.399 tỷ đồng (đạt 74%), còn lại chưa giải ngân 874 tỷ đồng; tập trung ở 6 dự án lớn là cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (242 tỷ đồng), tuyến nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình (241 tỷ đồng), QL30 Cao Lãnh - Hồng Ngự (80 tỷ đồng), QL24 thành phần 2 (75 tỷ đồng), Sân bay Tân Sơn Nhất (55 tỷ đồng), Sân bay Nội Bài (51 tỷ đồng).
Với các dự án giao thông trong nước còn lại, kế hoạch đã giao là gần 21.000 tỷ đồng, đến hết tháng 11/2022 giải ngân 11.798 tỷ đồng (đạt 56,7%), chưa giải ngân 9.013 tỷ đồng.
Bộ GTVT đánh giá, trên cơ sở tổng hợp số liệu về khả năng giải ngân kế hoạch năm 2022 từ các chủ đầu tư, dự kiến cả năm 2022 Bộ này sẽ giải ngân được khoảng 53.500 tỷ đồng (tương đương 97% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao).
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bo-gtvt-con-phai-giai-ngan-hon-20000-ty-post460080.html