Bộ GTVT đề nghị giải ngân 1.180 tỷ đồng cho Dự án hầm đường bộ Đèo Cả
Dự án vẫn từng ngày từng giờ phục vụ xã hội, nhưng nhà đầu tư cho biết, họ đang 'mắc kẹt' trên con đường hoàn vốn bởi sự chậm trễ của cơ quan quản lý nhà nước...
Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại văn bản số 1203/VPCP-KTTH ngày 27/02/2023, ngày 6/3/2023, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có báo cáo giải trình, làm rõ một số ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tại văn bản số 831/BKHĐT-PTHTĐT ngày 09/02/2023 liên quan đến nguồn vốn nhà nước hỗ trợ Dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả.
Theo đó, tại Công văn Số:3364/BGTVT-CĐCTVN ngày 6/3/2023 gửi Bộ KHĐT, Bộ GTVT cho biết: Dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả và hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và mở rộng hầm Hải Vân) là dự án trọng điểm quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trên hành lang vận tải Bắc - Nam; được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án và ký kết Hợp đồng dự án với Nhà đầu tư để triển khai từ năm 2012.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp tích cực của các bộ, ngành và địa phương liên quan, sự nỗ lực của Nhà đầu tư và Doanh nghiệp dự án, đến nay toàn bộ các công trình dự án đã hoàn thành, được cấp có thẩm quyền nghiệm thu, đưa vào khai thác sử dụng an toàn, qua đó đã khắc phục tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương khu vực miền Trung nói riêng và cả nước nói chung. Dự án đã được các cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm toán. Công tác quyết toán dự án đã cơ bản hoàn thành.
“Việc bố trí vốn nhà nước (1.180 tỷ đồng) tham gia, hỗ trợ dự án phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, pháp luật về đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội; phù hợp với chủ trương bố trí vốn nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua và thực hiện cam kết của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Hợp đồng dự án; bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo niềm tin, môi trường thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đã đề ra”, Bộ GTVT kiến nghị tại Công văn gửi Bộ KHĐT ngày 6/3/2023.
Trên cơ sở chủ trương số vốn Nhà nước tham gia, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án, ký hợp đồng, ngân hàng đã thẩm định và cho vay. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn 1.180 tỷ đồng phần vốn Nhà nước cam kết đóng góp chưa được giải ngân cho dự án. Nhà đầu tư và ngân hàng đã phải tự ứng trước phần vốn thiếu hụt đó để hoàn thành đáp ứng tiến độ, đảm bảo hiệu quả tổng thể Dự án.
Dự án vẫn từng ngày từng giờ phục vụ xã hội, nhưng nhà đầu tư cho biết, họ đang “mắc kẹt” trên con đường hoàn vốn bởi sự chậm trễ của cơ quan quản lý nhà nước.
Bên cạnh bất cập nêu trên, việc khiến dự án rơi vào tình cảnh khó chồng khó còn bởi trong phương án tài chính tổng thể, trạm La Sơn - Túy Loan là một trong 7 trạm được các Bộ ngành, địa phương thống nhất tham mưu Thủ tướng Chính phủ chấp thuận sử dụng thu phí để hoàn vốn cho tổng thể Dự án và được cụ thể hóa trong hợp đồng. Tuy nhiên, do bất cập về cơ chế khiến việc hoàn vốn từ nguồn thu tại trạm này không được triển khai, nhà đầu tư hụt thu hoàn vốn khoảng 2.280 tỷ đồng, dự án bị vỡ phương án tài chính.
Để xử lý bất cập tại Dự án hầm đường bộ Đèo Cả, tại Công văn Số 3364, Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ KHĐT thực hiện thủ tục giao vốn nhà nước đã được bố trí trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để giải ngân cho Dự án, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước. Đây không phải lần đầu tiên Bộ GTVT kiến nghị phương án xử lý bất cập tại Dự án này.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện, nhà đầu tư và ngân hàng đã phải ứng trước phần vốn thiếu hụt (1.180 tỷ đồng) do Nhà nước chậm giải ngân. Và hơn 5 năm qua, vẫn đang phải gánh thêm cả lãi vay từ phần vốn 1.180 tỷ đồng bị chậm trễ giải ngân và hụt thu do không được thu phí tại trạm La Sơn - Túy Loan.
Từ 2018 đến nay, nhà đầu tư đã có hơn 20 văn bản báo cáo, kiến nghị xử lý vướng mắc và đề nghị giải ngân số vốn Nhà nước còn thiếu là 1.180 tỷ đồng và có phương án giải quyết mức hụt doanh thu tại trạm La Sơn - Túy Loan theo đúng cam kết.
“Việc chậm trễ giải quyết vướng mắc tại dự án không chỉ khiến nhà đầu tư lâm vào bế tắc, mà còn tạo nên tâm lý “quan ngại” của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước”, đại diện nhà đầu tư Dự án chia sẻ.