Bộ GTVT: Điểm sáng giải ngân đầu tư công
Năm 2023, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là cơ quan được giao số vốn đầu tư công kỷ lục và lớn nhất trong các cơ quan với hơn 94.000 tỉ đồng. Với việc giải ngân trên 95%, Bộ nằm trong tốp đầu cả nước.
Gần 1.900km đường cao tốc
Theo báo cáo tại hội nghị tổng kết ngành GTVT năm 2023, việc triển khai đầu tư hạ tầng giao thông, các dự án quan trọng quốc gia là điểm sáng.
Cả nước đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó, 9 dự án đường bộ cao tốc dài 475km. Nâng tổng số cao tốc đưa vào khai thác từ đầu nhiệm kỳ đến nay gần 730km và nâng tổng số cao tốc của cả nước lên gần 1.900km và đang triển khai thi công gần 1.700km đường cao tốc kết nối trục Bắc - Nam và Đông - Tây.
Điều này tạo tiền đề quan trọng để có thể đạt và vượt mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ 13 đã đề ra là phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 3.000km đường cao tốc và đến năm 2030 có 5.000km đường cao tốc.
Ngành GTVT cũng đã đồng loạt khởi công 12 dự án cao tốc Bắc - Nam với tổng chiều dài 723,7km, 3 cao tốc trục Đông - Tây, 2 đường vành đai TP.HCM và Hà Nội, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, khởi công một số dự án: Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Chợ Mới - Bắc Kạn, Hòa Liên - Túy Loan.
Về hàng không, hoàn thành đưa vào khai thác nhà ga hành khách T2, Cảng hàng không Phú Bài, Điện Biên; xử lý quyết liệt, dứt điểm vướng mắc để khởi công nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành bảo đảm chất lượng, tiến độ yêu cầu.
Về đường sắt, đã cơ bản hoàn thành từng phần và bàn giao đưa vào khai thác sử dụng theo kế hoạch 2 dự án; đã khởi công 3 dự án: Cải tạo nâng cấp đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP.HCM (đoạn Hà Nội - Vinh, đoạn Vinh - Nhà Trang) và cải tạo các ga trên các tuyến đường sắt phía bắc; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội và Bến Thành - Suối Tiên; khẩn trương hoàn thiện đề án đường sắt tốc độ cao, khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có.
Về hàng hải, đường thủy nội địa, đã khởi công 2 dự án: Nâng cấp luồng Cái Mép - Thị Vải và nâng cấp luồng hàng hải vào các bến cảng khu vực Nam Nghi Sơn, hoàn thành 1 dự án kênh nổi Đáy - Ninh Cơ, đang triển khai thi công dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu, dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo bám sát tiến độ, hoàn thiện các thủ tục để khởi công dự án nâng tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia giai đoạn 1 (khu vực phía nam)...
Cũng trong năm 2023, Bộ GTVT là cơ quan được giao số vốn đầu tư công lớn nhất từ trước tới nay và lớn nhất trong các bộ, ngành, địa phương với hơn 94.000 tỉ đồng (gấp 1,7 lần năm 2022 và gấp 2,2 lần năm 2021) và gần 20.000 tỉ đồng vốn sự nghiệp kinh tế cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. Bộ đã đạt kết quả giải ngân trên 95%, tiếp tục duy trì trong tốp đầu cả nước.
Giải quyết cơ bản tồn tại đăng kiểm
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ đã tập trung rà soát, hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, cơ chế chính sách. Trọng tâm là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tích cực giải quyết nhiều vấn đề mới, vấn đề khó, những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn.
Năm 2023, Bộ GTVT hoàn thành 6/6 chỉ tiêu và 23 nhiệm vụ Chính phủ giao về xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số; hoàn thành 4/4 nhiệm vụ tại Đề án 06, cung cấp 319 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 170 dịch vụ công toàn trình.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, cổng dịch vụ công Bộ GTVT được xếp hạng A trong khối các bộ, ngành.
Về hạ tầng, ông Thắng cho biết công tác lập, triển khai quy hoạch thực hiện bài bản, khoa học. Bộ GTVT là một trong các bộ trình sớm nhất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5/5 quy hoạch ngành quốc gia.
Việc chuẩn bị các đề án quan trọng đạt được kết quả tích cực, Bộ GTVT đã tiếp thu, hoàn thiện, trình Thường trực Chính phủ Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.
“Năm 2023 thực sự là năm có nhiều đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với việc khởi công 26 dự án, trong đó rút ngắn thời gian khởi công 6 dự án quan trọng quốc gia 1 năm so với quy trình thủ tục thông thường”, ông Thắng nói.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng cho biết lần đầu tiên thực hiện khởi công đồng loạt theo hình thức trực tuyến Dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 tại 12 điểm cầu của 12 dự án thành phần; khởi công các dự án đường bộ cao tốc trục Đông - Tây, các tuyến Vành đai đô thị tại Hà Nội, TP.HCM; khởi công công trình nhà ga Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất...
Theo Bộ trưởng, năm 2023, Bộ GTVT đã quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để xử lý những tồn tại, khó khăn sau những sai phạm của hoạt động đăng kiểm; đến tháng 6.2023, đã giải quyết cơ bản tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm.
Hiện nay, Bộ đang tập trung thực hiện các giải pháp để đổi mới toàn diện hoạt động đăng kiểm theo hướng “có đóng, có mở”, công khai, minh bạch, hiện đại, nâng cao chất lượng phục vụ và tạo thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.
Trong năm, Bộ GTVT đã rà soát, đánh giá kỹ lưỡng và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT trên nguyên tắc các quy định của pháp luật và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Thắng, vẫn còn những tồn tại như tác quản lý hoạt động vận tải vẫn còn bất cập; tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng “trá hình” còn diễn ra ở nhiều địa phương; tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; các trạm dừng nghỉ cao tốc chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người dân…
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bo-gtvt-diem-sang-giai-ngan-dau-tu-cong-212453.html